Chủ Nhật, 29/12/2024
Gương sáng đồng bào công giáo

 Mô hình kinh tế của anh Nguyễn Văn Hợp, xã Đông Ninh (Đông Sơn, Thanh Hóa)
Ở xã Quảng Trường (Quảng Xương, Thanh Hóa), bác Nguyễn Công Dụng, Chánh trương Giáo xứ Phúc Lãng là một tấm gương sáng trong các hoạt động đạo và  đời. Bác Dụng tâm niệm rằng, muốn là người công giáo tốt phải là người công dân tốt. Vì lẽ đó, hơn 20 năm làm trưởng thôn Phúc Lộc và làm chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh, bác Dụng thường xuyên nghiên cứu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định trong Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo để tuyên truyền, vận động bà con lương dân, giáo dân tự giác chấp hành và tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, qua đó phát huy vai trò tích cực của đồng bào công giáo trong thực hiện nhiệm vụ ở địa phương. Bác cũng là người chủ động, sáng tạo trong thực hiện công tác “Tự phòng, tự quản, tự hòa giải” nên nhiều năm liên tục thôn Phúc Lộc không có người vi phạm pháp luật, không có người nghiện ma túy, không có khiếu kiện, đơn, thư vượt cấp. Trong xây dựng nông thôn mới, ngoài gương mẫu đi đầu, bác Dụng đã vận động nhân dân đóng góp ngày công, kinh phí, hiến đất làm đường làng, ngõ xóm sạch đẹp. Với mối quan hệ lương – giáo hài hòa, đoàn kết, thôn Phúc Lộc đã có đóng góp không nhỏ trong việc đưa xã Quảng Trường hoàn thành các tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2016. Cá nhân bác Dụng nhiều lần được tỉnh, huyện, xã tặng bằng khen, giấy khen.

Là người theo đạo công giáo, từng công tác tại xã và hiện là trưởng thôn Diệu Sơn, bác Phạm Bá Vi, xã Yên Lâm (Yên Định) luôn được giáo dân quý trọng, chính quyền địa phương tin tưởng. Với cái tâm trong sáng, vợ chồng bác luôn dạy các con phải sống thật đàng hoàng, đoàn kết lương – giáo và làm những việc nên làm. Bản thân bác cũng không quản khó khăn vất vả, nhiệt tình tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào công giáo trong thôn tích cực phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Để bà con giáo dân tin tưởng làm theo, bác Vi luôn tiên phong thực hiện trước. Đơn cử như trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, gia đình bác đã tự nguyện hiến 800m2 đất và nhiều tài sản có giá trị trên đất để mở rộng đường giao thông nông thôn mà không đòi hỏi địa phương bồi thường. Nhiều hộ dân nhận thấy ý nghĩa việc bác làm cũng đã hưởng ứng làm theo. Dù tuổi cao nhưng vợ chồng bác Vi vẫn tích cực lao động sản xuất, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Với nhiều đóng góp tích cực, gia đình bác Vi vinh dự được công nhận là gia đình công giáo kiểu mẫu.

Về xã Đông Ninh (Đông Sơn) hỏi thăm gia đình anh Nguyễn Văn Hợp, giáo dân xứ đạo Phù Bình, ai cũng biết và khen ngợi bởi sự chăm chỉ, chịu khó, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang, anh Hợp tâm sự về quá trình phát triển kinh tế của mình. Năm 2013, cùng với nguồn vốn của gia đình, vợ chồng anh đã vay mượn thêm để thành lập tổ hợp cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp với 2 máy gặt đập liên hợp, 2 máy làm đất, 6 máy cấy... Buổi đầu thành lập, gia đình anh gặp nhiều khó khăn nhưng với lòng quyết tâm, sự nhạy bén trong công việc, tổ hợp dần đi vào ổn định và ngày càng phát triển. Từ chỗ chỉ hoạt động trên phạm vi xã, nay anh đã gây dựng được uy tín, thương hiệu, vươn rộng ra địa bàn các huyện, các tỉnh khác. Nhờ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ đã tiết kiệm được chi phí công cấy, công gặt, đáp ứng yêu cầu thời vụ, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Hiện nay, tổ hợp cơ giới hóa đồng bộ của gia đình anh được đổi tên thành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Hoàng An do anh Hợp làm giám đốc với thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Chưa dừng ở những gì đã đạt được, vợ chồng anh tiếp tục nghiên cứu, tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập. Nhận thấy hướng phát triển kinh tế trang trại cho hiệu quả cao, năm 2016 vợ chồng anh đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng mô hình trang trại tổng hợp cá, lúa, gà, vịt, cây ăn quả với diện tích 30.000m2. Sau hơn 1 năm thực hiện, trang trại đã cho thu hoạch. Không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, anh Hợp còn tham gia nhiều hoạt động xã hội và sẵn sàng giúp đỡ để mọi người cùng tiến bộ. Gia đình anh nhiều lần được xã, huyện biểu dương là gia đình giáo dân tiêu biểu, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình kiểu mẫu.

Thanh Hóa hiện có trên 147.000 giáo dân, sinh sống tại 450 xã, phường, thị trấn thuộc 25 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Giáo phận Thanh Hóa có 60 giáo xứ, 363 giáo họ với 60 nhà thờ xứ và 114 nhà thờ họ. Nhiều năm qua, đồng bào công giáo trong tỉnh đã thực hiện tốt 10 nội dung “tốt đời, đẹp đạo” với nhiều hình thức phong phú, mang lại hiệu quả thiết thực. Không ít bà con giáo dân là những tấm gương sáng trong cuộc sống “đạo – đời”, trong lao động sản xuất, xây dựng giáo xứ, họ đạo và khu dân cư giàu đẹp. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 8.800 hộ công giáo giàu, chiếm tỷ lệ 27,4%; 208 khu dân cư đạt tiên tiến cấp huyện, 26 khu dân cư đạt tiên tiến cấp tỉnh, 37 khu dân cư được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh, hơn 135.000 lượt gia đình được công nhận gia đình văn hóa, gần 102.000 lượt gia đình được công nhận “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”.

Với tinh thần đoàn kết, đồng hành, gắn bó cùng dân tộc, đồng bào giáo dân trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, cùng với các tầng lớp nhân dân chăm lo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng cuộc sống mới./.

Nguồn: baothanhhoa.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi