Trong những năm qua, các quy định của pháp luật về tôn giáo được tỉnh Đắk Nông triển khai đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng trong tỉnh hoạt động đúng pháp luật.
|
Các nhu cầu của các tổ chức tôn giáo cơ sở được các ngành, địa phương xem xét, giải quyết kịp thời
(Ảnh: Tiết mục văn nghệ của Giáo xứ Gia Nghĩa trong đêm mừng Chúa giáng sinh) |
Trên địa bàn tỉnh Đăk Nông có 3 tôn giáo chính đang hoạt động gồm: Công giáo, Tin lành và Phật giáo, với khoảng 242.000 tín đồ, 193 chức sắc, 127 tu sỹ, 778 chức việc, sinh hoạt tại 143 tổ chức tôn giáo cơ sở. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 360 tín đồ đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo sinh hoạt tại gia.
Trong những năm qua, để cụ thể hóa các quy định pháp luật về tôn giáo, tỉnh đã ban hành hơn 300 văn bản liên quan đến hoạt động của tổ chức tôn giáo, sát với thực tiễn công tác quản lý nhà nước về tôn giáo tại địa phương. Các ngành, địa phương cũng đã ban hành 207 văn bản phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và trả lời giáo hội tôn giáo về những nội dung liên quan đến nhu cầu tôn giáo.
Các chức sắc, tín đồ tôn giáo cũng được khuyến nghị, hướng dẫn sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật. Hàng năm, các cấp ngành, địa phương thường xuyên thăm hỏi, động viên, gặp gỡ, trao đổi với chức sắc, người đứng đầu các tổ chức tôn giáo, tạo không khí cởi mở, gần gũi giữa các bên.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tôn giáo cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo triển khai thực hiện thường xuyên, kịp thời, phù hợp với các đối tượng khác nhau. Chỉ tính trong năm 2017, các ngành, địa phương đã chủ động xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, đơn vị liên quan tổ chức 28 hội nghị, lớp bồi dưỡng, tập huấn cho 2.290 lượt cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị và 1.113 lượt chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo trên địa bàn tỉnh.
Việc phát động phong trào thi đua xây dựng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo văn minh, khu dân cư không có tệ nạn xã hội đã được các tổ chức tôn giáo hưởng ứng rộng rãi và duy trì thường xuyên. Từ đó, nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên cũng như ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động tôn giáo của chức sắc, tín đồ các tôn giáo ngày càng được nâng cao.
Các nhu cầu như tổ chức các lễ trọng, lễ thường niên… của các tổ chức tôn giáo cơ sở được các ngành, địa phương xem xét, giải quyết kịp thời, theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo. Trong đó, tỉnh đã chấp thuận thành lập 17 tổ chức tôn giáo cơ sở; cho chủ trương xây dựng 20 cơ sở thờ tự; giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 37 tổ chức tôn giáo cơ sở; chấp thuận phong chức, bổ nhiệm, thuyên chuyển 52 chức sắc; chấp thuận cho các tổ chức tôn giáo cử 34 ứng sinh đi tu học tại các trường chuyên môn về tôn giáo...
Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác tôn giáo đã kịp thời giải quyết nhu cầu tôn giáo chính đáng, phù hợp pháp luật và chấn chỉnh các hoạt động sai phạm. Từ đó, chức sắc, tín đồ các tôn giáo ngày càng tin tưởng, nâng cao ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về tôn giáo, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, từ thiện nhân đạo. Hiện toàn tỉnh có 290 chức sắc, tín đồ có uy tín cao trong các tổ chức tôn giáo tham gia vào HĐND các cấp; trong đó, HĐND cấp tỉnh 2 đại biểu, HĐND cấp huyện 8 đại biểu, HĐND cấp xã 280 đại biểu.
Từ năm 2014-2016, giáo hội các tôn giáo đã quyên góp, ủng hộ trên 15 tỷ đồng, cùng với xã hội chia sẻ, giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, bị thiên tai, để ổn định cuộc sống và có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế. Giáo hội các tôn giáo còn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, địa phương tổ chức bếp ăn tình thương tại các bệnh viện, xây nhà tình thương, khoan giếng, tặng xe lăn cho người khuyết tật.../.
Nguồn: .baodaknong.org.vn