Chặng đường 5 năm qua (2012-2017), đồng bào Công giáo Bắc Ninh luôn đoàn kết, thực hiện tốt trách nhiệm của người công dân, bổn phận của người giáo dân, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia phát triển kinh tế, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do các cấp phát động. Góp phần tích cực vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội chung của các địa phương và cả tỉnh.
Đồng bào người Công giáo Bắc Ninh sinh sống chủ yếu ở nông thôn và làm nông nghiệp từ lâu đời. Nhiều năm trở lại đây với sự phát triển kinh tế, giáo dân ở nhiều địa phương biết phát triển dịch vụ, buôn bán, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp hàng hoá. Hiện toàn tỉnh có gần 300 trang trại vừa và nhỏ và 14 mô hình Hợp tác xã dịch vụ thương mại do người Công giáo làm chủ. Cùng với đó, các dịch vụ tại chỗ như buôn bán hàng tạp hoá, dịch vụ điện nước, sửa chữa nhỏ lẻ…của bà con giáo dân tương đối phát triển. Từ đó góp phần dần thay đổi bộ mặt, tình hình phát triển kinh tế chung ở các xứ họ đạo được nâng lên, các công trình hạ tầng như đường giao thông, nhà văn hoá, cơ sở thờ tự được nâng cấp, tu sửa, xây mới. Đời sống đồng bào người Công giáo không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ khá giàu ngày càng tăng, tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm xuống dưới 2,5%.
|
Bà con giáo dân thôn Phượng Giáo, thị trấn Thứa (Lương Tài, Bắc Ninh)
phát triển kinh tế từ hoạt động buôn bán, dịch vụ |
Đồng bào Công giáo trong tỉnh thực hiện tốt các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương liên quan đến công tác tôn giáo, nêu cao trách nhiệm trong xây dựng đời sống văn hoá, cuộc sống yên vui, lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội; tham gia tích cực, hiệu quả các phong trào do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phát động gắn với thực hiện quy ước của địa phương. Bà con giáo dân tích cực tham gia các hoạt động từ thiện bác ái, thăm hỏi, động viên tặng quà gia đình giáo dân có hoàn cảnh khó khăn vào các ngày lễ, Tết, ủng hộ quỹ do các cấp phát động.
Công tác tham gia xây dựng chính quyền được đồng bào Công giáo trong tỉnh hưởng ứng tích cực. Nổi bật trong nhiệm kỳ là việc cử tri ở các xứ họ đạo đi bầu cử đạt tỷ lệ cao, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; nhiều giáo dân ở các địa phương tham gia vào công tác xã hội, làm cán bộ các cấp, ngành trong tỉnh, lãnh đạo chủ chốt ở địa phương. Toàn tỉnh có 1 người Công giáo tham gia HĐND tỉnh, 2 người tham gia HĐND cấp huyện, 37 người tham gia HĐND cấp xã; có 122 đảng viên là người Công giáo… Công tác tham gia xây dựng chính quyền ở các xứ họ đạo, của bà con giáo dân có nhiều chuyển biến tích cực, nếp sống đạo gắn bó với dân tộc được thực hiện nghiêm. Từ đó góp phần tích cực vào đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các xứ họ đạo, phát triển chung của địa phương.
Bắc Ninh là tỉnh có đông đồng bào Công giáo với 3.351 hộ, tương ứng với hơn 14 nghìn nhân khẩu; có 35/126 xã, phường có người Công giáo sinh sống, sinh hoạt tại 44 họ giáo và điểm Công giáo; có 13 xứ họ đạo toàn tòng, 41 cơ sở thờ tự như nhà thờ, nhà nguyện, có một dòng tu nữ Đa minh, một Nhà tình thương Hương La; Toà Giám mục đặt tại trung tâm thành phố Bắc Ninh.
|
Trong 5 năm qua, Ủy ban Đoàn kết Công giáo (ĐKCG) tỉnh luôn quan tâm, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò là tổ chức xã hội đại diện triển khai các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo; phản ánh những tâm tư nguyện vọng chính đáng, là cầu nối vững chắc giữa chính quyền, MTTQ với đồng bào giáo dân, tăng cường mối quan hệ đạo và đời trên tinh thần đồng hành, hiệp nhất và chia sẻ. Tổ chức thành công hội nghị biểu dương người Công giáo trong tỉnh tiêu biểu giai đoạn 2010-2015; phối hợp với Ủy ban ĐKCG Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức tôn giáo và phổ biến Điều lệ Ủy ban ĐKCG Việt Nam tới các cán bộ Ủy ban ĐKCG chủ chốt tỉnh Bắc Ninh./.
Nguồn: baobacninh.com.vn, ngày 18/12/2017