Nhằm đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong đồng bào các tôn giáo gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngày 12/7/2017, Công an huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị chủ trì phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện thực hiện mô hình “Phật giáo Cam Lộ tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới” với nhiều cách làm mới, bước đầu mang tính đột phá, hiệu quả.
|
Ký cam kết “Phật giáo Cam Lộ tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới” |
Trên cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tranh thủ sự đồng thuận, hỗ trợ của chức sắc Phật giáo trên địa bàn, Công an huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã chủ trì phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện báo cáo xin chủ trương thực hiện của Huyện ủy, UBND huyện về việc xây dựng mô hình “Phật giáo Cam Lộ tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới”. Lễ phát động xây dựng mô hình được tổ chức trang trọng, quy mô với sự tham gia của lãnh đạo các ban, ngành, Giáo hội Phật giáo cấp tỉnh, địa phương và gần 1.000 tăng ni, phật tử và nhân dân. Đại diện Công an, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện đã thống nhất ký kết thực hiện mô hình với các nội dung trọng tâm: Tuyên truyền vận động tăng ni, phật tử nói và làm theo Hiến pháp, pháp luật; bài trừ mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội; nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh phê phán các hành vi lợi dụng tôn giáo chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương. Tuyên truyền, hướng dẫn tăng ni, phật tử và toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự địa phương. Huy động nguồn lực cùng tham gia tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hàng năm; biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến. Vận động tăng ni, phật tử tham gia hoạt động của các tổ chức xã hội, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động từ thiện xã hội; xây dựng “Gia đình phật tử gương mẫu” gắn với “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Chung sức xây dựng nông thôn mới”…
Để mô hình phát huy hiệu quả đến cơ sở, Công an huyện Cam Lộ đã trực tiếp tham mưu triển khai các bước cụ thể tại tất cả các cơ sở Phật giáo trên địa bàn. 10/10 chùa, tịnh xá, niệm phật đường đều được lực lượng Công an phối hợp, hướng dẫn thực hiện theo trình tự thống nhất nhằm đưa mô hình vận hành hiệu quả. 6 trình tự được triển khai thống nhất tại mỗi cơ sở Phật giáo gồm: Tờ trình thành lập mô hình tại cơ sở; quyết định thành lập mô hình; quyết định chuẩn y ban điều hành; quy chế hoạt động; chương trình hành động thực hiện mô hình; bản cam kết thực hiện các nội dung của mô hình. Các bước thực hiện được tiến hành đồng bộ, thống nhất, tranh thủ ý kiến đóng góp của tăng ni, phật tử tại cơ sở nên tạo được sự đồng thuận ngay từ những bước đầu tiên, khí thế thi đua và mối quan hệ gắn bó giữa giáo hội và chính quyền càng được củng cố.
Quy chế hoạt động xác định việc sinh hoạt mô hình được diễn ra vào ngày 14 âm lịch hàng tháng tại các cơ sở Phật giáo do chức sắc hoặc đại diện các ban điều hành mô hình chủ trì điều hành. Các nội dung sinh hoạt bao gồm thông báo tình hình an ninh trật tự, tuyên truyền pháp luật, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội để mọi người nâng cao nhận thức, tích cực trong phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh… Các nội dung hoạt động đều thiết thực, xuất phát từ nhu cầu và tinh thần tự giác, tự nguyện của tăng ni, phật tử; gắn hoạt động của mô hình với sinh hoạt phật sự, nghi lễ tín ngưỡng tại cơ sở nên thuận tiện trong vận hành, dễ được quần chúng chấp nhận và hưởng ứng thực hiện. Từ nền tảng là sự gắn bó mật thiết giữa lực lượng Công an với tăng ni, phật tử tại mỗi cơ sở Phật giáo trên địa bàn, thông tin tình hình và các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở được trao đổi, cập nhật thường xuyên nên bước đầu mô hình đã phát huy hiệu quả, vai trò của lực lượng Công an trong việc chủ động hướng dẫn, tham mưu, phối hợp càng được khẳng định.
Mô hình “Phật giáo Cam Lộ tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới” dù mới được triển khai từ tháng 7/2017 nhưng bằng những cách làm sáng tạo, đi từ cơ sở và hợp lòng dân, bước đầu đã đạt được những kết quả rõ nét, là điển hình hiệu quả để các đơn vị, địa phương nghiên cứu, vận dụng phù hợp với thực tiễn địa phương mình. Cùng với mô hình quần chúng tham gia đảm bảo an ninh trật tự trong Phật giáo, mô hình “Dòng họ không có người vi phạm pháp luật” cũng đang được triển khai đồng bộ đến 186 họ tộc trên địa bàn toàn huyện. Ở địa bàn đồng bào Công giáo, mô hình “Giáo xứ Phước Tuyền chung tay bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới” cũng được ra mắt vào sáng ngày 29/10/2017 với sự tham dự, chỉ đạo của Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh, Thường trực Huyện ủy và các ban, ngành cấp huyện và vị Linh mục quản xứ, các thành viên Hội đồng giáo xứ và giáo dân trên địa bàn. Tại buổi lễ phát động, Chủ tịch Hội đồng giáo xứ đã phát động phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới đến toàn thể giáo dân với những nội dung: Thông qua các hình thức hoạt động tôn giáo, hội họp nhân dân, tổ chức đoàn thể và gặp gỡ cá biệt, tập trung tuyên truyền vận động giáo dân sinh hoạt trong giáo xứ phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, thấm nhuần giáo huấn của giáo hội về những vấn đề liên quan tới gia đình và xã hội, vận động giáo dân tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội mà tập trung là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện khác... thực hiện đoàn kết lương- giáo, đẩy mạnh lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo bền vững. Vận động giáo dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương vào 10 điều răn của Chúa. Động viên giáo dân tích cực tham gia các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Xây dựng khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội”; xây dựng gia đình văn hóa; “Gia đình công giáo mẫu mực”. Tuyên truyền vận động mỗi gia đình giáo dân thực hiện tốt việc giáo dục con cháu trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội và phương châm sống “Kính Chúa, yêu Nước”, “sống tốt đời đẹp đạo”, hưởng ứng và thực hiện tốt mô hình “Họ tộc không có người vi phạm pháp luật” do huyện phát động; chung sức xây dựng nông thôn mới, để xây dựng giáo xứ bình yên, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn của địa phương ngày càng khởi sắc. Chủ tịch Hội đồng giáo xứ với Trưởng ban công tác Mặt trận, Trưởng thôn đã ký cam kết những nội dung thực hiện phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới trước sự chứng kiến của lãnh đạo Huyện ủy, UBND, UBMTTQ, Công an các cấp./.
Nguồn: baoquangtri.vn, ngày 25/12/2017