Thứ Năm, 23/1/2025
Tây Nguyên đi và nghĩ

Phải thừa nhận, văn hóa bản địa Tây Nguyên là một lĩnh vực không dễ để thông hiểu. Nó càng thêm khó vì nền văn hóa ấy không cùng chung ngôn ngữ, tập tục, tín ngưỡng, lối sống, điểm nhìn... với người Kinh. Nếu chỉ nhìn các giá trị văn hóa của người Tây Nguyên bằng con mắt hiếu kỳ, lấy suy nghĩ của người ngoài cuộc, không cùng bối cảnh và mẫu gốc văn hóa, hẳn nhiên sẽ dẫn đến những nhận định thiếu chuẩn xác. Chưa kể, những giá trị văn hóa mà cộng đồng này theo đuổi và gây tạo rất khác người Kinh. Đó là lý do tại sao lại có những giá trị văn hóa rất sâu sắc của người Tây Nguyên bị đánh giá sai, hoặc mới chỉ nhìn nhận ở một phía, từ quan điểm chủ quan của một cộng đồng ngoài người Tây Nguyên. Nghệ nhân ưu tú K’Brèm (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) chia sẻ: “Mỗi khi nhắc đến xã hội cổ truyền Tây Nguyên, mọi người hay nhắc là xã hội mẫu hệ, mẫu quyền: con cái theo dòng mẹ, mang họ mẹ và người chồng thì cư trú phía nhà vợ. Tất cả mọi quyền hành trong gia đình đều do người phụ nữ nắm giữ. Đàn ông không có bất cứ quyền hành gì, cũng chẳng có tiếng nói gì trong gia đình. Cách hiểu như vậy là khiên cưỡng, nếu không muốn nói là hoàn toàn sai, rất sai”.


 Lễ hội đua voi Tây Nguyên
 

Theo Nghệ nhân ưu tú K’Brèm, chính xác thì đó là xã hội mẫu hệ, phụ quyền. “Tôn trọng phụ nữ và trẻ em, ưu tiên bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, là nét văn hóa đặc sắc của người Tây Nguyên. Sức mạnh khí chất của đàn ông trong lúc nóng giận có thể làm phụ nữ bị tổn thương nên đàn ông buộc phải cư trú phía nhà vợ để lỡ như vợ chồng xảy ra xung đột thì gia đình nhà vợ sẽ che chở cho người phụ nữ. Bảo vệ phụ nữ cũng là bảo vệ mạch sữa, mạch sống, sự ấm áp của gia đình. Tất nhiên, việc phân vai, phân vế trong gia đình người Tây Nguyên cũng rất rõ ràng: đàn ông là trụ cột gia đình, phụ nữ thuộc về gia chánh”, Nghệ nhân ưu tú K’Brèm nói rõ. Từ chia sẻ của nghệ nhân ưu tú K’Brèm, tôi mới vỡ lẽ ra những ngộ nhận lâu nay của mình. Tương tự, Nhà Tây Nguyên học Linh Nga Niê Kdam (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) khẳng định: “Trong các lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên không có lễ hội nào là lễ hội đâm trâu. Nghi thức ăn trâu hiến sinh chỉ là một thành tố trong một lễ hội cụ thể nào đó của người Tây Nguyên”.

Tới đây thì đã rõ, trâu là vật hiến sinh theo lễ hội, tự thân nó chưa bao giờ là lễ hội. Cư dân nơi đây cũng chưa bao giờ mang trâu ra giữa thanh thiên bạch nhật, trình trước mặt hàng trăm, hàng nghìn người rồi... đâm. Thời điểm hiến sinh trâu thường là lúc tờ mờ sáng, khi mặt trời chưa ló dạng, trẻ con và phụ nữ chưa có mặt. Trong lúc thực hiện hành vi hiến sinh, chỉ có già làng, những người vai vế của làng, cùng một ít thanh niên phụ việc. Việc hiến sinh diễn ra nhanh chóng, gọn gàng, trâu bị giết, già làng lấy đầu và đuôi đem đi làm lễ cúng Yàng, kịp trước khi mặt trời mọc. Sau đó, dân làng khiêng trâu đi nơi khác làm thịt. “Ở đây, trâu được coi như vật tổ, rất được trọng vọng. Đặc biệt, trong lễ trọng, trâu là vật linh, sứ giả được ủy thác, mang ý nguyện của cả cộng đồng dâng lên Yàng”, Nhà Tây Nguyên học Linh Nga Niê Kdam cho biết. Thật vậy, kể từ lúc được chọn để hiến sinh cho đến lúc bị giết, dân làng đã chăm lo, săn đón trâu hết sức ân cần: tắm rửa sạch sẽ, ăn no nê bằng những bó cỏ non và ngon nhất, uống thứ nước suối trong và sạch nhất... Thậm chí, dân làng còn chia tài sản cho trâu, bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với nó qua việc khóc trâu, mong nó vui vẻ nhận lãnh sứ mệnh hiến cho Yàng để Yàng phù hộ con người. “Ngoài yếu tố là con vật gắn liền với tín ngưỡng đa thần của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên, thịt trâu còn để đãi đằng mọi người. Bởi trong các lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên, số người tham dự rất đông, việc hiến tế các loài vật khác: gà, lợn, dê... sẽ không đủ số lượng thịt để đãi đằng mọi người. Căn tính cố kết cộng đồng của người Tây Nguyên được hình thành trên cơ sở những bữa ăn cộng cảm như vậy. Bữa ăn đã được nhất thể hóa thân vị từ Yàng, những người dự tiệc và cả chính con trâu hiến sinh”, Nhà Tây Nguyên học Linh Nga Niê Kdam nói thêm.

Ông K’Ning, nguyên cán bộ Văn hóa xã Đinh Trang Hòa (huyện Di Linh, Lâm Đồng), tâm sự: “Do không chịu điền dã sâu sát, hoặc điền dã nhưng lại mang sẵn điểm nhìn của người không cùng nền văn hóa, nên nhiều người vội vã gán cho người Tây Nguyên có lối sống du cư du canh, rồi quy kết chính lối sống ấy là tác nhân dẫn đến việc mất rừng, phá rừng. Trên thực tế, người Tây Nguyên không hề sống tạm bợ, không di chuyển nay đây mai đó (du cư), cũng không hề tàn phá rừng, đúng như Nhà Nhân học trứ danh người Pháp - Jacques Dournes - trước đây đã nhìn nhận: “không hề lãng phí, cũng chẳng tàn phá, đúng vừa đủ để sinh tồn, bên cạnh và cùng các giống loài khác, động vật và thực vật”. Buôn, bon, plei của người Tây Nguyên bao giờ cũng đặt cố định tại một vị trí phù hợp với phương thức tìm nguồn sống từ rừng, qua việc canh tác rẫy luân khoảnh”.

Quả nhiên, người Tây Nguyên không chỉ tìm cái ăn từ rừng - ăn rừng - rẫy là một phần của rừng, họ còn cực kỳ khôn ngoan trong việc nuôi rừng để duy trì và kéo dài nguồn sống. Biểu đạt cao nhất của lối sống ăn rừng và nuôi rừng chính là phương thức canh tác luân khoảnh. “Canh tác luân khoảnh nghĩa là nếu khoảnh rẫy đang canh tác bị bạc màu, người Tây Nguyên sẽ bỏ hưu canh khoảnh rẫy đó, trả đất lại cho rừng tái sinh, rồi chuyển qua một khoảnh rẫy khác. Nếu khoảnh rẫy đang canh tác lại bị bạc màu, người Tây Nguyên tiếp tục dời đi nơi khác, để rừng tự hoàn nguyên. Cứ thế, luân khoảnh đến một khoảnh rẫy nhất định, người Tây Nguyên lại quay trở về khoảnh rẫy đầu tiên. Một chu kỳ luân khoảnh, tức vòng quay thời gian bắt đầu từ khoảnh rẫy đầu tiên đến khoảnh rẫy thứ hai, thứ ba và thứ n, rồi quay trở lại khoảnh rẫy đầu tiên, rơi vào tầm 40 - 60 năm, đủ thời gian để cho rừng tái sinh hoàn toàn”, ông K’Ning cho hay.

Qua đây, tôi nhận ra một điều, nhất thiết phải sống trải thực địa, phải tạo cho bằng được một cái nhìn từ bên trong, như chính cộng đồng ấy tự hiểu biết chính mình, tự nhìn nhận về mình, đồng thời phải có cái nhìn tỉnh táo của người ngoài cuộc để tổng hợp, phân tích, đánh giá các dữ liệu folklore, nếu không sẽ rất dễ áp đặt chủ quan giá trị của cộng đồng này lên cộng đồng khác. Tôi còn nhận ra, việc đi sâu tìm kiếm, gom nhặt, chắt lẫy những giá trị văn hóa Tây Nguyên vẫn chưa hề mất đi tính thời sự. Tay Nguyên vẫn lạ mỗi ngày./.

Trịnh Chu

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi