Mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” và phong trào “Ngày thứ bảy cùng dân” được phát động trong những tháng qua ở Yên Bái, góp phần tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi bệnh quan liêu, xa rời quần chúng. Bước đầu phong trào được đông đảo người dân và cán bộ đồng lòng ủng hộ, tạo bước chuyển ở nơi cán bộ được luân chuyển về cơ sở.
|
Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải và xã La Pán Tẩn cùng người dân tham gia vệ sinh đường về bản Trống Tông |
Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên chia sẻ: Mù Cang Chải là huyện nghèo 30a với hơn 91% số dân là đồng bào dân tộc Mông, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, giao thông khó khăn... Nhằm thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW về "Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", với phương châm sẵn sàng, chủ động đối thoại với lắng nghe, hết lòng hết sức phục vụ người dân, Ban Thường vụ Huyện ủy đã thảo luận dân chủ, đưa ra mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân". Mục đích nêu cao vai trò trách nhiệm, tinh thần tự nguyện, tự giác gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là tính tiền phong gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức, triển khai thực hiện mô hình gắn với việc tập trung giải quyết những đề xuất, kiến nghị của nhân dân với phương châm "làm hết việc, chứ không làm hết giờ". Theo đó, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức mỗi tháng dành ít nhất hai ngày cuối tuần (thứ bảy hoặc chủ nhật) xuống xã, bản, đến từng hộ dân ở địa bàn được phân công. Tập trung vào việc truyền đạt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân; trao đổi, tham gia góp ý về những giải pháp cụ thể để triển khai nhiệm vụ tại cơ sở; xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh; hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, xóa nhà dột nát, xây dựng các tổ tự quản ở cộng đồng dân cư; xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; bảo vệ môi trường...
Từ cuối tháng 6, mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân" được triển khai đồng loạt tại ba xã: Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Kim Nọi của huyện Mù Cang Chải, với 856 người tham gia, trong đó có 310 cán bộ, đảng viên và 546 người dân địa phương. Tại đây, lãnh đạo, cán bộ, đảng viên cùng tham dự buổi sinh hoạt chi bộ thôn, bản. Mọi người tiến hành dọn dẹp làm vệ sinh phát quang đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn, bản, khơi thông cống rãnh thoát nước trên các tuyến đường liên thôn, liên bản; đan và đặt 15 sọt rác, vận động dân thu gom, xử lý rác, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp. Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn, Hảng Xáy Chông cùng Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Lương Thị Xuyến tham gia cùng người dân phát dọn đường, trồng hoa hai bên đường. Chị Khang Thị Cha, dân tộc Mông ở bản Trống Tông cho biết: Trước đây, ngày thường cán bộ xuống bản chỉ là đi họp bản để tuyên truyền về thực hiện các chính sách, pháp luật như: không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, không sinh con thứ ba… Nhưng hôm nay là thứ bảy, cán bộ xuống bản cùng người dân tham gia làm vệ sinh, tu sửa đường, trồng cây, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn và làm cho bản làng thêm sạch đẹp. Bà con phấn khởi lắm!
Chỉ sau một tháng triển khai mô hình này, đã có 6.600 lượt người tham gia, trong đó gần 1.600 lượt cán bộ, đảng viên và hơn 5.000 lượt người dân tham gia ủng hộ. Mô hình cũng thực hiện tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phòng, chống tảo hôn, chăm sóc sức khỏe nhân dân cho hơn 1.850 hộ dân ở 100 thôn, bản và chi bộ; dọn dẹp vệ sinh, khơi thông cống rãnh, tu sửa đường giao thông nông thôn được 52 km, đồng thời lồng ghép với tuyên truyền xây dựng nông thôn mới tại 22 bản với gần 2.700 lượt người tham gia, trồng 324 cây đào rừng, khai hoang mới 5 ha ruộng bậc thang, trồng hai km đường hoa, đổ bê-tông 350 m đường giao thông nông thôn; làm mới 300 m đường điện thắp sáng đường quê…
Còn tại huyện Văn Yên, phong trào "Ngày thứ bảy cùng dân" được triển khai đồng loạt ở 27 xã, thị trấn với hơn 15.000 cán bộ và nhân dân tham gia. Bên cạnh việc tập trung tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, các cán bộ còn cùng người dân san lấp ổ gà, sửa chữa 12 km đường giao thông nông thôn; vệ sinh, phát dọn hành lang hơn 56 km đường; trồng mới gần 5 km đường hoa tại các làng quê. Nhiều nhà văn hóa, trụ sở xã, sân vận động… được sửa chữa khang trang, tạo khí thế tốt cho việc chung tay xây dựng nông thôn mới. Khi đến xã Yên Thái, nơi mô hình này đem lại hiệu quả cao, tạo được sự đồng thuận trong dân, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thái Nguyễn Tiến Thân chia sẻ: "Gần dân, cùng lao động với dân, qua đó trao đổi nhiều vấn đề cụ thể ở cơ sở như: chuyện đóng góp xây dựng nông thôn mới, chuyện bình xét tiêu chí hộ nghèo, làm đường điện thắp sáng… Ðiều này được chính người dân chủ động, tự nguyện chung tay hiến kế và đóng góp".
Theo Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà: Thông qua các buổi tiếp xúc với dân vào các ngày cuối tuần, các đồng chí lãnh đạo đã kịp thời tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân; qua đó đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời kiến nghị chính đáng của người dân; hướng dẫn, động viên nhân dân tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Ðồng thời, các mô hình này cũng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động; tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa cán bộ, đảng viên với nhân dân trên địa bàn tỉnh.
(nhandan.com.vn)