Thứ Tư, 1/1/2025
Thiết thực những mô hình “Dân vận khéo” ở huyện Thường Xuân
 

Cán bộ huyện Thường Xuân làm công tác vận động quần chúng ở xã Lương Sơn 


Ngoài vùng đất bãi bằng phẳng, màu mỡ, phì nhiêu, xã Thọ Thanh còn có những quả đồi thoai thoải giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp hàng hóa. Khu vực đồi Khai Hoang chạy dọc phía tả ngạn sông Chu có diện tích khoảng 30 ha, xưa đã được người Pháp chọn để xây dựng đồn điền. Để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, xã đã quy hoạch toàn bộ khu vực đồi Khai Hoang thành vùng trồng cây ăn quả và trang trại tập trung. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân được thuê, thầu đất đưa các loại cây trồng mới vào sản xuất theo hướng hàng hóa. Sau khi xã thực hiện quy hoạch, gia đình ông Lê Hữu Ngọc được nhận 2 ha đất ở khu vực vùng đồi Khai Hoang. Ban đầu ông chỉ trồng mía và sắn kết hợp với chăn nuôi nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, gia đình ông được hỗ trợ giống cây ăn quả, theo chương trình kết nghĩa hợp tác, giúp đỡ phát triển kinh tế - xã hội giữa huyện Thường Xuân và huyện Thọ Xuân. Được xã khuyến khích, vận động, ông Ngọc đã bỏ mía, bỏ sắn để trồng bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc. Vườn bưởi 2 ha được ông đầu tư hệ thống tưới tự động, áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất. Ông Ngọc dự kiến khoảng 3 năm nữa bưởi mới cho bói quả. Trong lúc đợi những “quả ngọt”, ông đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà để “lấy ngắn nuôi dài”. Mỗi năm, ông nuôi 5 lứa gà, mỗi lứa hơn 1.000 con, lợi nhuận trung bình từ 200 đến 250 triệu đồng. Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gà của ông Ngọc đã tạo ra sức lan tỏa để người nông dân xã Thọ Thanh thay đổi tập quán, tư duy sản xuất nông nghiệp manh mún, bằng việc tích tụ ruộng đất, đầu tư khoa học - kỹ thuật, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn xã đã xây dựng được 9 mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, riêng khu vực đồi Khai Hoang có 5 mô hình trồng cây ăn quả; 1 mô hình chăn nuôi; 2 mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng, nhà lưới...

Trung tuần tháng 10 vừa qua, cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân xã Luận Thành đón nhận quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Làm nên thành quả đó, không thể không nhắc đến phong trào thi đua “Dân vận khéo” tại địa phương. Từ năm 2012 về trước - thời điểm xã bắt đầu triển khai xây dựng NTM, nhiều tuyến đường giao thông về các thôn vẫn là đường đất, nhân dân đi lại khó khăn. Xác định NTM như một cuộc “cách mạng”, làm thay đổi diện mạo nông thôn của địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể xã đã đẩy mạnh công tác “Dân vận khéo” để huy động nhân dân cùng vào cuộc. Thôn Cao Tiến có 5 km đường giao thông nội thôn. Trên tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chi bộ, ban công tác mặt trận thôn đã vận động nhân dân đóng góp 200 nghìn đồng/khẩu và ngày công đổ bê tông hóa được 3 km, trải đá cấp phối được 2 km đường giao thông. Khi giao thông thuận lợi đã tạo điều kiện cho nhân dân thông thương kinh tế, giao lưu văn hóa. Tương tự, năm 2016, khi xã có chủ trương làm tuyến đường giao thông ở thôn Liên Thành, với vai trò là chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Liên Thành, bà Hương đã bàn bạc với mọi người trong gia đình tự nguyện hiến 140m2 đất vườn và đất ở, phá dỡ 60m tường rào, hàng chục cây ăn quả, 5 cây lấy gỗ có giá trị kinh tế. Hay như hộ ông Hà Văn Dương, thôn Thành Thắng, khi được ban công tác mặt trận thôn vận động đã tự nguyện hiến 700m2 đất bãi để làm đường tràn, phục vụ đi lại của nhân dân trong xã. Giờ đây, các tuyến đường giao thông ở thôn Liên Thành, thôn Thành Thắng đã được bê tông hóa, mọi người dân ai cũng phấn khởi.

Sau 10 năm triển khai, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trên địa bàn huyện Thường Xuân có 528 mô hình “Dân vận khéo”. Trong đó, có 370 mô hình phát triển kinh tế, 74 mô hình văn hóa, 58 mô hình quốc phòng - an ninh, 26 mô hình hệ thống chính trị, xây dựng NTM. Những mô hình “Dân vận khéo” đã có sức lan tỏa, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, nhất là việc huy động các nguồn lực, góp phần thiết thực vào chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững của địa phương. Đến nay, toàn huyện có 5 xã, 31 thôn “về đích” và 1 thôn NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo nhanh bền vững của huyện cũng thu được những kết quả đáng khích lệ. Dự ước đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện đạt 27,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7%.

(baothanhhoa.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất