Thứ Bảy, 4/1/2025
“Dân vận khéo” ở một xã vùng sâu

Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân

Năm 2019, xã đã và đang thực hiện 4 mô hình: Khéo vận động nhân dân xây dựng tuyến đường xanh, sạch, đẹp (giai đoạn 2018-2020); Khéo vận động Nhân dân tham gia liên kết sản xuất lúa tăng thu nhập cho một đơn vị diện tích (giai đoạn 2018-2020); Tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức xã xây dựng phong cách gần gũi, trách nhiệm với nhân dân theo phương châm “5 hơn, 5 biết”; Khéo vận động đoàn viên, hội viên trồng, chăm sóc cây xanh khuôn viên nhà thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Viết.

Đối với mô hình Khéo vận động nhân dân tham gia xây dựng tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, đầu năm 2018, xã bắt đầu thực hiện điểm tại tuyến đường bờ Nam sông Vàm Cỏ Tây, ấp Cả Rưng với chiều dài 2,1km. Ở tuyến đường này, nhân dân đóng góp 44.000.000 đồng, ngân sách nhà nước chi 44.000.000 đồng để thi công công trình đèn chiếu sáng. Hội Phụ nữ tổ chức cho các hội viên trồng hoa ven đường, làm hàng rào bằng cây xanh trước nhà. Đoàn Thanh niên xã tổ chức những đợt ra quân trồng, chăm sóc cây xanh, phát quang bụi rậm, cỏ dại ven đường làm thông thoáng tầm nhìn...

Từ hiệu quả ban đầu, năm 2019, xã tiến hành thăm dò lấy ý kiến nhân rộng và tiếp tục được người dân ở tuyến bờ Bắc sông Vàm Cỏ Tây, ấp Cả Rưng đồng tình ủng hộ. Vậy là tuyến này được thực hiện thi công giai đoạn 1 với kinh phí 178 triệu đồng, dự kiến đến cuối năm 2019 - đầu năm 2020 tiếp tục thực hiện giai đoạn 2. Được biết, tổng số kinh phí đầu tư cả 2 giai đoạn là gần 300.000.000 đồng. Phương châm thực hiện công trình này vẫn là Nhà nước một nửa, nhân dân đóng góp nửa còn lại; cán bộ đoàn viên, hội viên góp công thực hiện. Tại đây, Hội Cựu chiến binh thành lập CLB Bảo vệ môi trường với 21 thành viên và thường xuyên ra quân vận động hội viên và nhân dân vệ sinh môi trường ở xóm ấp.

Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Nguyễn Thị Bích Liên - người dân ấp Cả Rưng, nói: “Chủ trương đúng, mô hình hay và thiết thực thì người dân phải có trách nhiệm cùng Nhà nước thực hiện. Bây giờ hiệu quả đã thấy rõ, bộ mặt nông thôn đẹp hơn, sạch hơn. Có đèn chiếu sáng, người dân đi lại thuận lợi, an toàn, tình hình an ninh, trật tự vào ban đêm cũng bảo đảm”.

 
 Liên kết sản xuất trên cây lúa được xã quan tâm thực hiện


Cũng như các địa phương khác ở vùng Đồng Tháp Mười, đặc thù Tuyên Bình Tây là xã thuần nông, lúa là cây trồng chủ lực. Tăng năng suất, lợi nhuận cho nông dân là vấn đề luôn được đặt ra, tìm giải pháp. Chính vì vậy, từ 2018 đến nay, xã nghiên cứu và thống nhất thực hiện mô hình Khéo vận động Nhân dân tham gia liên kết sản xuất lúa tăng thu nhập cho một đơn vị diện tích. Qua thực hiện 2 vụ trong năm 2019, có 35 hộ tham gia, được 1.450ha, trong đó, Công ty Tập đoàn Lộc Trời 950ha, Công ty ADC 500ha.

Ông Nguyễn Văn Dậu (ngụ ấp Đầu Sấu) - người dân tham gia mô hình, phấn khởi nói: “Năng suất bình quân đạt từ 6-8 tấn/ha/vụ. So sánh diện tích tham gia mô hình, lợi nhuận cao hơn từ 1,5-2 triệu đồng/ha so với cùng diện tích bên ngoài. Việc canh tác được hướng dẫn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm nên không phải lo”.

Trước kết quả này, thời gian tới, xã xác định tiếp tục nhân rộng mô hình nhằm nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, góp phần đạt chỉ tiêu thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.

Gầy dựng niềm tin trong dân từ hình ảnh người cán bộ

Xã còn xây dựng mô hình Khéo vận động cán bộ, công chức xã xây dựng phong cách làm việc gần gũi trách nhiệm với nhân dân theo phương châm “5 hơn, 5 biết”. Đây là mô hình gắn với việc triển khai thực hiện chuyên đề năm 2019 về “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chính Minh”. Mục tiêu mô hình đề ra là góp phần nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính ở cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.

“5 hơn, 5 biết” là gì? Ông Nguyễn Quốc Việt - công chức Tư pháp - Hộ tịch công tác tại bộ phận “một cửa” của xã, giải thích: “5 hơn” gồm chuyên nghiệp hơn, thân thiện hơn, nhanh chóng hơn, đơn giản hơn và thuận tiện hơn. Còn “5 biết” là biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết mỉm cười, biết xin lỗi.

Khẩu hiệu “5 hơn, 5 biết” được lắp đặt tại phòng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính để cán bộ, công chức mỗi ngày đều nhìn thấy. Theo anh, khẩu hiệu được bản thân xem là phương châm, là trách nhiệm, là lời nhắc để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Thông qua đây, người dân cũng được biết và tham gia giám sát việc thực hiện. Như lời công chức Việt chia sẻ, bản thân luôn đặt vị trí mình là người dân đi làm thủ tục nên phải làm nhanh gọn, chính xác, tránh gây phiền hà, đi lại nhiều lần mất thời gian của người dân. Đó cũng là việc làm gầy dựng niềm tin của người dân với cơ quan quản lý nhà nước. “Nếu lỡ có sai sót, chậm trễ thì phải thẳng thắn xin lỗi dân. Từ đó, nghiêm túc rút kinh nghiệm nếu lỗi đó là do mình” - anh Việt tâm sự.

Trao đổi với chúng tôi, bà Ngô Thị Lời - người dân ở ấp Cả Rưng, nhận xét: “Cán bộ, công chức xã rất nhiệt tình, niềm nở với người dân đến liên hệ làm việc, làm thủ tục hành chính. Việc giải quyết thủ tục hành chính ở xã nhanh gọn. Cán bộ, công chức “một cửa” luôn niềm nở, sẵn lòng hướng dẫn khi chúng tôi có điều gì thắc mắc, chưa hiểu. Tôi rất hài lòng với việc giải quyết hồ sơ ở xã”.

Phó Bí thư Đảng ủy xã - Nguyễn Văn Lên đánh giá, hiệu quả từ mô hình góp phần rất rõ trong việc nâng cao chất lượng cải cách hành chính nói chung, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức nói riêng. 9 tháng năm 2019 đã thực hiện 1.720 thủ tục hành chính, bảo đảm 100% hồ sơ đúng hẹn.

Ngoài xây dựng cảnh quan môi trường, tăng trách nhiệm cán bộ, nâng cao thu nhập cho người dân, xã cũng luôn quan tâm thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa, chăm lo, giúp đỡ, tri ân gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng. Trên địa bàn xã được nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang vận động hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Viết và hoàn thành công trình trong tháng 02/2019. Từ đó, xã tiếp tục thực hiện mô hình Khéo vận động đoàn viên, hội viên trồng, chăm sóc cây xanh khuôn viên nhà thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Viết. Thời gian qua, các đoàn thể xã nhận trách nhiệm trông nom nhà thờ và trồng được nhiều cây xanh trong khuôn viên.

Chia sẻ cùng chúng tôi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tuyên Bình Tây - Nguyễn Văn Lên cho biết, cũng như các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, mục tiêu đề ra, xã đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa các mô hình trong đoàn thể, cộng đồng. Điều phấn khởi là ngay từ đầu, những mô hình này được cán bộ, đoàn viên, hội viên và người dân đánh giá cao vì sát với thực tế, tình hình, điều kiện ở địa phương.

“Khi hiểu rõ về mô hình thì cán bộ, hội viên nhiệt tình, tích cực tham gia. Việc triển khai thực hiện gắn kết, đồng bộ. Các mô hình đã góp phần tác động sâu, rộng đến tư tưởng và thúc đẩy quần chúng nhân dân phát huy quyền làm chủ, phát huy tốt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm” - ông Nguyễn Văn Lên nhấn mạnh./.

(baolongan.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất