Thứ Năm, 14/11/2024
Lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Bình Thuận
 

Phó Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An trao bằng khen cho điển hình Dân vận khéo.


Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, đồng thời thực hiện Kế hoạch số 70 của Ban Dân vận Trung ương về tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo”; 10 năm qua, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện khá nghiêm túc chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Bắt đầu từ năm 2009, nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” bước đầu được xây dựng, nhân rộng, lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội. Tính đến nay, các cấp, các ngành tích cực triển khai xây dựng được trên 2.600 mô hình tập thể và gần 2.000 điển hình “Dân vận khéo” gắn với các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới”... với nhiều cách làm hay, sáng tạo.

Ở lĩnh vực phát triển kinh tế, toàn tỉnh xây dựng được 472 mô hình tập thể và 40 điển hình cá nhân. Trong đó có nhiều mô hình, điển hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và được các cấp, các ngành duy trì, nhân rộng. Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, toàn tỉnh xây dựng, nhân rộng được 721 mô hình tập thể, 324 điển hình cá nhân. Trong đó, đáng chú ý là các mô hình giảm nghèo, nhân đạo từ thiện xã hội, chăm lo người có công cách mạng, đào tạo nghề và giải quyết việc làm... được chú trọng thực hiện với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả. Riêng lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, toàn tỉnh xây dựng trên 900 mô hình tập thể và hơn 1.130 điển hình cá nhân, có tác động tích cực trong xây dựng hệ thống chính trị. Cụ thể, mô hình “Chính quyền điện tử”; “Công chức xin lỗi dân khi trễ hẹn”; diễn đàn “Nghe dân nói, nói dân nghe, giúp dân hiểu, làm dân tin”; “Đối thoại với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp”; “Đối thoại về chính sách chăm sóc sức khỏe nhân dân”; “Đối thoại, tư vấn về chính sách tín dụng” và “Khảo sát mức độ hài lòng của người dân”…

Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, các ngành, cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận. Riêng từng ngành, địa phương cần rà soát triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; trọng tâm là Chỉ thị số 44 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác dân vận trong các cơ quan hành chính nhà nước. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời nắm bắt và giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những vấn đề bức xúc của nhân dân.

Song song, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội. Chú trọng hướng mạnh các hoạt động về cơ sở nhằm nắm chắc tình hình, tâm trạng, nguyện vọng của nhân dân. Chăm lo đời sống và bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Mặt khác, tiếp tục xây dựng những mô hình, điển hình mới; đồng thời quan tâm bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình, điển hình đã có trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Từ đó, tạo sự lan tỏa trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, kịp thời biểu dương, khen thưởng những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” để động viên, cổ vũ phong trào chung. Gắn phong trào thi đua “Dân vận khéo” với việc xây dựng các điển hình trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và cuộc vận động xây dựng “Nông thôn mới, đô thị văn minh”.

(baobinhthuan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất