Thứ Năm, 14/11/2024
Người phụ nữ dân tộc Thái làm giàu trên vùng đất dốc
 
Chị Dưng (giữa) hướng dẫn hội viên phụ nữ cách trồng và chăm sóc
cây thanh long ruột đỏ


Chị Dưng sinh ra và lớn lên tại bản Nghe Toỏng, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai (tỉnh Sơn La). Từ năm 2007, chị và gia đình chuyển đến sống tại bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu theo Dự án Di dân tái định cư Thủy điện Sơn La.

Từ một người sinh ra và lớn lên ở vùng gần sông nước, đến nơi ở mới là vùng đất nương rẫy, cuộc sống của chị và gia đình rất vất vả. Buổi ban đầu, chị cũng như những người dân di cư đến đây phát nương làm rẫy, trồng cà phê và ngô, sắn nhưng cũng rơi vào tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa, cuộc sống cũng như thu nhập luôn trong tình trạng bấp bênh.

Với ý chí vượt khó vươn lên, chị quyết tâm chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, tiến hành cải tạo vườn tạp, loại bỏ những cây không có giá trị kinh tế để chuyển sang trồng cây ăn quả. Sau khi đi tham quan nhiều mô hình trong và ngoài tỉnh, mày mò tìm hiểu điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, gia đình chị quyết định trồng cây thanh long ruột đỏ. Là hộ đầu tiên đưa giống cây này về trồng tại địa phương, chị và gia đình phải tự tìm tòi, học hỏi cách chăm sóc cho cây, từ việc phòng, chống sâu bệnh đến ủ phân bằng men vi sinh để bón cho cây tăng trưởng. Qua các vụ, năng suất và chất lượng cây thanh long ruột đỏ ngày càng tăng, bảo đảm đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Không chỉ tập trung vào phát triển giống cây trồng, năm 2018, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt trên toàn bộ diện tích cây trồng. Chị cho biết, diện tích đất trồng cây thanh long nằm trên sườn đồi dốc, việc tưới nước thủ công vừa tốn công vừa không hiệu quả. Việc áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt không những giải bài toán nước khan hiếm lại tăng năng suất cây trồng, tiết kiệm chi phí lao động.

Ngoài 1.000 trụ trồng thanh long ruột đỏ, hiện gia đình chị Dưng có 300 gốc cam Vinh, hơn 100 gốc bưởi da xanh, 2ha trồng sa nhân và gần 1ha trồng chanh leo, đạt tổng thu nhập hơn 600 triệu/năm, tạo việc làm cho 5 lao động với mức lương từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Chị Lò Thị Đạo, ở bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu là một trong hộ phụ nữ nghèo tại địa phương cho biết, gia đình chị trước chỉ trông chờ vào nương ngô nên kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ được chị Dưng vận động, giúp hướng dẫn chuyển đổi sang trồng cây thanh long ruột đỏ mà kinh tế gia đình chị dần khấm khá. Gia đình chị đã trả được nợ, vươn lên thoát nghèo, con cái được ăn học đầy đủ, có của ăn của để.

Là Phó Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản, chị Dưng luôn đi đầu trong các phong trào của Hội, đặc biệt tích cực thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trồng cây ăn quả trên đất dốc. Đến nay, chị đã giúp chuyển giao và ứng dụng thành công mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ cho 22/32 chị em, hội viên phụ nữ trong bản với diện tích hơn 6ha. Nhờ đó, nhiều chị em vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Mới đây, mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của chị được chọn là mô hình điểm tại Hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2009 – 2019 do Ban Dân vận Tỉnh ủy Sơn La tổ chức. Trước đó, nhiều năm liên tiếp, chị Dưng được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La trong phong trào thi đua "Sản xuất kinh doanh giỏi" theo hướng chuyển đổi cây trồng trên đất dốc, cuộc vận động xây dựng "Gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với phong trào thi đua "Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới".

Chị Lường Thị Thanh Thủy – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thuận Châu đánh giá cao nỗ lực cũng như kết quả đã đạt được từ mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của chị Lò Thị Dưng. Những năm qua, mô hình này không chỉ mang lại kinh tế cao, nâng cao đời sống cho gia đình chị, mà còn góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua của hội viên phụ nữ trong giải quyết vấn đề lao động, phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ về dự định sắp tới, chị Dưng cho biết, chị sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để nhân rộng mô hình trồng thanh long ruột đỏ cho tất cả các chị em, hội viên phụ nữ trong bản, xã. Qua đó lan tỏa phong trào thi đua "Dân vận khéo" trồng cây ăn quả trên đất dốc cũng như giúp chị em phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương.

(dantocmiennui.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất