Thứ Ba, 26/11/2024
Lâm Đồng: Lan tỏa mạnh mẽ phong trào thi đua Dân vận khéo
 

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy
 trao Bằng khen Dân vận khéo cho các tập thể 

Các mô hình, điển hình dân vận khéo trên lĩnh vực kinh tế tập trung vào các nội dung sản xuất, kinh doanh giỏi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển trang trại, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất các sản phẩm có chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi theo thế mạnh từng vùng kinh tế, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành các chuỗi liên kết giá trị đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của Nhân dân, nhất là các hộ nông dân... Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh tích cực triển khai các phong trào trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM của đơn vị gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Tiêu biểu như các phong trào “Ngày vì người nghèo”, Cuộc vận động xây dựng người cán bộ công chức “Trung thành - Sáng tạo - Tận tụy - Gương mẫu” và phong trào thi đua “Lao động tiên tiến, phát huy sáng kiến, cải tiến công tác”, “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Cựu chiến binh gương mẫu”, phong trào khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên... Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình, điển hình “dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế, xóa đói giảm nghèo và xây dựng NTM. 

Triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và phong trào thi đua “Dân vận khéo trong xây dựng NTM”, Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng với các cấp, các ngành đã vận động Nhân dân tham gia đóng góp được 1.752,81 tỷ đồng cùng với Nhà nước thực hiện xây dựng NTM, huy động ngày công lao động, hiến đất... để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, điện, đường, trường, trạm và các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống của Nhân dân... Qua đó, góp phần thực hiện đạt kết quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM. Đến nay, có 90/116 xã đạt chuẩn NTM, cơ bản 2 huyện đạt chuẩn NTM và 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Cùng với các phong trào thi đua trong toàn tỉnh, phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng NTM” trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng NTM đạt được những kết quả to lớn. Chính sách an sinh xã hội được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Tính đến tháng 6/2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 9.046 hộ, chiếm 2,85%, giảm 3,82% so với năm 2016 (giai đoạn 2016 đến nay tính theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều), trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 6.008 hộ, chiếm tỷ lệ 8,5%, giảm 10,61% so với năm 2016...

Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào, trên địa bàn tỉnh tiếp tục xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Các mô hình, điển hình về bảo vệ môi trường được xây dựng, nhân rộng, mang lại hiệu quả cao. Nổi bật là mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu về môi trường”, “Khu dân cư bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm”, “5 không, 3 sạch”, “Tuyến đường hoa”, “Trồng cây bóng mát đường quê”, “Đoạn đường sáng, xanh, sạch, đẹp”, “Khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp, gắn với 3 không”, mô hình “Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau gắn với bảo vệ môi trường”, “Thu gom thuốc bảo vệ thực vật”... 

Thông qua công tác dân vận chính quyền và phong trào “Dân vận khéo” gắn với nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,... góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức cơ sở đảng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về công tác dân vận trong tình hình mới; các cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chú trọng chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ Nhân dân. Đồng thời, tổ chức tốt công tác tiếp dân, đối thoại và hòa giải, tạo sự đồng thuận trong giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm phức tạp liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. 

10 năm qua, toàn tỉnh xây dựng và nhân rộng được 8.641 mô hình, điển hình dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, có 316 mô hình, điển hình cấp tỉnh đã được công nhận.

Qua phong trào, chính quyền các cấp đã tập trung đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đơn thư khiếu nại, tố cáo, kết hợp đồng bộ giữa công tác dân vận và hoạt động quản lý, điều hành, coi trọng vận động, thuyết phục, tạo sự đồng thuận trong giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan đến quyền lợi của Nhân dân. Một số mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu: “Nâng cao trách nhiệm phục vụ Nhân dân”, “Khu dân cư chấp hành tốt pháp lệnh dân chủ cơ sở”; mô hình “Ngày thứ bảy vì dân” ở Di Linh; mô hình “Diễn đàn Thường trực Hội đồng nhân dân huyện nghe dân nói” ở Cát Tiên; mô hình “Lãnh đạo UBND thành phố đối thoại với Nhân dân” ở Bảo Lộc; mô hình “Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh góp phần định canh, định cư ổn định cuộc sống vùng dân tộc thiểu số” ở huyện Đơn Dương; mô hình “Đoàn kết phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh”...

Công tác giám sát của MTTQ và các đoàn thể ngày càng phát huy hiệu quả, nhằm xây dựng hệ thống chính trị vừa hồng, vừa chuyên, điển hình có: mô hình “Giám sát công tác bình xét hộ nghèo, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, thực hiện Luật Người cao tuổi”; các phường, xã ở thành phố Đà Lạt tổ chức “Giám sát cán bộ, công chức, viên chức về đạo đức, tác phong, lề lối làm việc và trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao”; huyện Di Linh tổ chức “Giám sát việc huy động nguồn lực trong Nhân dân đóng góp xây dựng NTM”; huyện Đạ Tẻh “Giám sát công tác triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; “Giám sát đối với cán bộ, đảng viên về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc giữ mối liên hệ với Nhân dân và thực hiện nghĩa vụ nơi cư trú”... Thông qua giám sát, phát huy dân chủ góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị ở cơ sở, qua đó tạo không khí sinh hoạt dân chủ rộng khắp, nhận được đồng thuận hưởng ứng cao trong Nhân dân, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng đánh giá: Phong trào thi đua Dân vận khéo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian qua đã đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Ban Dân vận Tỉnh ủy đã chủ động tham mưu và phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tổ chức khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng NTM”. Cấp tỉnh có 207 điển hình tập thể và 109 điển hình cá nhân; cấp huyện có 1.215 điển hình tập thể và 1.171 điển hình cá nhân được khen thưởng từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện, tỉnh và Trung ương. Thời gian tới, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân về công tác dân vận theo nội dung Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động 66-CTr/TU của Tỉnh ủy về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; gắn việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, “Dân vận khéo trong xây dựng NTM” gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

(baolamdong.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất