|
Hội thi "Cán bộ, công chức chính quyền làm công tác "Dân vận khéo" |
Năm 2019, Ban Dân vận Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội Cựu Chiến binh tỉnh và Ban an toàn giao thông tỉnh phối hợp thực hiện bước đầu có hiệu quả mô hình thí điểm về “giữ gìn an ninh trật tự gắn với an toàn giao thông và bảo vệ môi trường” ở Khu Công nghiệp Hòa Phú huyện Long Hồ. Vai trò nòng cốt của MTTQ và các đoàn thể trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát huy, thể hiện trong việc thường xuyên đổi mới trong nội dung, phương thức hoạt động chú trọng hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, nắm bắt diễn biến tâm tư, nguyện vọng, quan tâm thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đoàn viên, hội viên và nhân dân; thực hiện tốt tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống ổn định, tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương, cơ sở.
Kết quả trong lĩnh vực phát triển kinh tế, toàn tỉnh có tổng số 10.130 tập thể, cá nhân đăng ký (trong đó có 2.026 tập thể và 8.104 cá nhân). Phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đã vận động nhân dân tự nguyện đóng góp tiền của, hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc xây dựng nông thôn mới với tổng trị giá gần 37 tỷ đồng (tiền mặt, giá trị vật tư, đất đai và tài sản trên đất) để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn. Cuối năm 2019, tỉnh Vĩnh Long có 51/89 xã đạt danh hiệu xã nông thôn mới (đạt 57,3%); 01 đơn vị hành chính cấp huyện (thị xã Bình Minh) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trước thời hạn 02 năm so với kế hoạch của tỉnh đề ra.
Cùng với phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lĩnh vực phát triển kinh tế, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều cách làm mới, sáng tạo, phong phú. Toàn tỉnh có tổng số 5.107 tập thể, cá nhân đăng ký xây dựng điển hình trong lĩnh vực này (trong đó 1.021 tập thể, 4.086 cá nhân). Nổi bật như các mô hình: “Nhà tôi xanh, sạch, đẹp”, “Chi, tổ hội không ma tuý”, CLB “Gia đình hạnh phúc”, “Đoạn đường an toàn giao thông”, “Giáo dục trẻ em có nguy cơ bỏ học”, xây dựng làng nghề, hoạt động ngày “Thứ bảy tình nguyện”, “Chủ nhật xanh”, mô hình “Văn phòng xanh, hiện đại”… Nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu như: Tổ dân vận ấp Kinh Mới, xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân vận động 250 hộ dân sử dụng giống lúa mới với 192 ha; các đoàn thể ở ấp Tân Lộc và Tân Minh, xã Tân Lược, huyện Bình Tân đã vận động nhân dân làm cột cờ, đèn chiếu sáng dọc theo các tuyến đường đai của ấp; bà Đỗ Thị Ngon, Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo, TX Bình Minh vận động đem lại ánh sáng cho người mù và sự sống cho trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh có hoàn cảnh khó khăn…
Chỉ tính riêng trong năm 2019, toàn tỉnh có 21.975 tập thể, cá nhân đăng ký xây dựng điển hình “Dân vận khéo” trên khắp các lĩnh vực (trong đó có 2.599 tập thể và 19.376 cá nhân). Hiện toàn tỉnh có trên 600 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” phát huy hiệu quả tốt và được nhân rộng trong tỉnh. |
Kết quả trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh có tổng số 2.122 tập thể, cá nhân đăng ký (trong đó 707 tập thể, 1.415 cá nhân). Các địa phương, đơn vị, nhất là khối lực lượng vũ trang chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp hoạt động liên tịch với MTTQ và các đoàn thể nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nổi bật là các mô hình: “Đèn trước ngõ, mõ trong nhà”, “Câu lạc bộ xe Honđa khách phòng, chống tội phạm”, “Câu lạc bộ nhà cho thuê phòng, chống tội phạm”, “Trường học an toàn không có tội phạm, không có ma túy”, “Quản lý giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng”, “Cổng an ninh trật tự”, “Camera phòng chống tội phạm”, “Hành quân dã ngoại hỗ trợ các xã xây dựng nông thôn mới”, “Họp mặt gia đình chiến sĩ mới tiêu biểu”, “Hũ gạo quân dân”, “Nghĩa tình đồng đội”... Tiêu biểu có các điển hình như: Công an xã Đông Thành, TX Bình Minh với mô hình “Phát huy vai trò của đồng bào Phật giáo Hòa Hảo tham gia giữ gìn an ninh trật tự”; Chi đoàn BCH Quân sự huyện Long Hồ với mô hình “Hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận”; mô hình “Họ đạo Mỹ Chánh đoàn kết tham gia phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư” tại xã Chánh An, huyện Mang Thít...
Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, toàn tỉnh có tổng số 4.614 tập thể, cá nhân đăng ký (trong đó 1.538 tập thể, 3.076 cá nhân). Các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc xây dựng chỉnh đốn Đảng. Công tác dân vận của các cấp chính quyền được đẩy mạnh nhất là những công việc liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân, đồng thời giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân ngay từ cơ sở, phát huy vai trò của nhân dân tham gia giám sát, phản biện, đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Nổi bật là mô hình ứng xử văn hóa trong giao tiếp nơi cơ quan làm việc và giao tiếp với nhân dân, giải quyết hành chính nhanh gọn, kịp thời, đúng luật, chính xác cho nhân dân của Cục Thuế tỉnh; mô hình “Tự soi tự sửa” của Công an tỉnh Vĩnh Long; mô hình“3 phải, 4 tự, 5 không” của Văn phòng Huyện ủy Bình Tân; mô hình chính quyền thân thiện của UBND xã Tân Quới, huyện Bình Tân thực hiện tốt việc cảm ơn, chúc mừng người dân khi đến liên hệ thủ tục hành chính; mô hình ứng xử văn hóa trong giao tiếp nơi cơ quan làm việc và giao tiếp với nhân dân, giải quyết hành chính nhanh gọn, kịp thời, đúng luật, chính xác cho nhân dân của UBND xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân…
|
Mô hình “Họ đạo Mỹ Chánh đoàn kết tham gia phòng chống tội phạm,
giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư” |
Tuy nhiên, việc xây dựng phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh vẫn còn không ít những tồn tại, hạn chế nhất định. Một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong đăng ký mô hình, điển hình nội dung “Dân vận khéo” còn chung chung, chưa cụ thể, chưa gắn chặt phong trào thi đua “Dân vận khéo” với nhiệm vụ chuyên môn, những vấn đề đột phá, bức xúc của cơ quan, đơn vị. Công tác tuyên truyền thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đôi lúc chưa thường xuyên và còn mang tính hình thức; trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện đôi khi còn thiếu kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc. Một số mô hình đạt hiệu quả cao nhưng chậm được sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm nên chưa thực sự có sức lan tỏa. MTTQ và các đoàn thể tuy có kế hoạch chỉ đạo theo hệ thống dọc nhưng trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện thiếu kiểm tra, hướng dẫn sơ tổng kết...
Trong thời gian tới, để phong trào thi đua "Dân vận khéo" ở tỉnh Vĩnh Long tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững, các ngành, các cấp trong tỉnh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục tăng cường vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với giảm nghèo bền vững. Nội dung thực hiện “Dân vận khéo” tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết, chính đáng của nhân dân, các phong trào thi đua trong đồng bào dân tộc, các tôn giáo, an ninh - quốc phòng, giảm nghèo bền vững, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc… góp phần thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị.
Thứ hai, chú trọng xây dựng các điển hình “Dân vận khéo” trong các cấp chính quyền, hướng các điển hình “Dân vận khéo” vào những vấn đề khó, bức xúc, về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở các cơ quan nhà nước, về khắc phục tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân, ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công tác tiếp dân, giải quyết những vấn đề bức xúc trong quần chúng nhân dân. Tiếp tục duy trì phát triển bền vững những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã được công nhận, biểu dương khen thưởng và phát hiện, xây dựng mô hình, điển hình mới, hiệu quả.
Thứ ba, Ban Chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” các ngành, các cấp, hệ thống dân vận, MTTQ, các đoàn thể chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện phong trào thi đua bám sát với tình hình thực tế, địa phương, đơn vị. Đưa nội dung phong trào thành một trong những tiêu chí thi đua trong hệ thống dân vận, dân vận chính quyền, đoàn thể hằng năm. Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi xây dựng mô hình “Dân vận khéo” và thang điểm điển hình “Dân vận khéo” cho phù hợp với đặc điểm riêng của tỉnh Vĩnh Long. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ tham mưu trực tiếp về kỹ năng định hướng, tư vấn, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực.
Thứ tư, phát huy vai trò của người đứng đầu ở cơ quan, địa phương cũng như người có uy tín trong cộng đồng khi thực hiện phong trào “Dân vận khéo”. Đối với cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu, gần dân, sát dân với phương châm “nói đi đôi với làm”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Thực hiện sơ, tổng kết, công nhận, biểu dương các mô hình, điển hình ở từng cơ quan, đơn vị cấp cơ sở theo quy định. Đồng thời, qua đó rút kinh nghiệm để định hướng cho phong trào nhất là định hướng nội dung và xây dựng các mô hình, điển hình; hằng năm tiến hành đánh giá hiệu quả của từng mô hình, điển hình.
Thứ năm, thường xuyên phối hợp với báo, đài, tuyên truyền, giới thiệu các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, đổi mới chuyên trang, chuyên mục nhằm thu hút sự quan tâm theo dõi của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tăng cường thời lượng phát sóng thêm nhiều chương trình truyền thanh, truyền hình giới thiệu những mô hình hay, thực tế, hiệu quả để tác động trực tiếp sâu sắc hơn nữa đến nhận thức, góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo” của tỉnh Vĩnh Long./.
Thái Thị Quyến