Thứ Năm, 9/1/2025
Nói dân nghe, làm dân tin

 Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Bình Định giúp nhân dân xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn xây dựng nông thôn mới.

Nơi mảnh đất gian khó năm xưa, nay đang hiện hữu một nhịp sống mới. Những người lính trên quê hương “đất võ” đã góp phần mang màu xanh no ấm về vùng quê từng bị cái đói, cái nghèo đeo đẳng, bởi hậu quả nặng nề của chiến tranh…

Giúp dân xây dựng nông thôn mới

Với cách làm sáng tạo, hợp lòng dân, trong những năm qua, Bộ CHQS tỉnh Bình Định đã vận dụng và phát huy hiệu quả các mô hình giúp nhân dân vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Học tập Bác Hồ về lòng yêu thương nhân dân, Bộ CHQS tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai nhiệm vụ cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chọn 3 xã: Cát Tài, Mỹ Hòa và Hoài Thanh để xây dựng nông thôn mới, trong đó lấy xã Cát Tài làm thí điểm.

Tuy đã được Ban CHQS huyện Phù Cát trực tiếp cử cán bộ phối hợp với địa phương khảo sát địa bàn, nhưng đến khi triển khai, thời gian đầu, không ít bà con ở xã Cát Tài vẫn chưa hiểu, chưa tin, chưa ủng hộ. Trước thực trạng đó, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh gương mẫu, đi đầu trong tuyên truyền, vận động, để người dân hiểu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Một thời gian sau, thấy Đại đội 17 công binh đưa máy xúc, máy ủi cùng cán bộ, chiến sĩ về đóng lán trại tại địa phương, giúp dân làm đường liên thôn, xây nhà sinh hoạt cộng đồng..., bà con đã dần “ưng cái bụng, sáng cái đầu”. Từ chỗ chưa ủng hộ, sau đó đã có 341 hộ gia đình ở 6 thôn tự nguyện hiến gần 9.000m2 đất thổ cư, đất vườn, đất ruộng và đóng góp hơn 760 triệu đồng phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Theo Trung tá Lương Thanh Bình, Trưởng ban Dân vận, Bộ CHQS tỉnh Bình Định: Với phương châm “Nói dân nghe, làm dân tin”, “Nói là làm, đã làm là làm đến nơi, đến chốn”, tổng kết 5 năm thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”, Bộ CHQS tỉnh Bình Định đã đầu tư gần 1 tỷ đồng và huy động gần 1.000 ngày công lao động cho các dự án ngân hàng bò, khai hoang ruộng lúa nước. “Hũ gạo vì người nghèo” của đơn vị đã tiết kiệm được gần 52 tấn gạo giúp đỡ hộ nghèo, gia đình chính sách; cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh đã huy động các tổ chức xã hội và cá nhân có lòng hảo tâm quyên góp tặng 180 tấn gạo, 8.500 bộ quần áo, chăn màn... cho gần 7.000 hộ nghèo tại các xã khó khăn.

 

Những mô hình sáng tạo, hiệu quả

Trong quá trình thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở các cơ quan, đơn vị LLVT tỉnh, đã xuất hiện nhiều mô hình tập thể, cá nhân điển hình, tiêu biểu như: Tổ dân quân làm công tác dân vận ở vùng đồng bào có đạo; tổ dân quân làm công tác dân vận giúp dân lao động sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điển hình như: Ban CHQS huyện Tuy Phước kết nghĩa với làng Ka Bưng, xã Canh Liên (huyện Vân Canh). Với mô hình trồng lúa nước, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Tuy Phước không những tận tình hướng dẫn đồng bào kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, mà còn hỗ trợ cả nhân lực, cây giống. Đến vụ mùa, Ban CHQS các huyện: Vân Canh, Tuy Phước lại cử lực lượng đến giúp các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số neo người thu hoạch. Nhờ tuyên truyền, vận động theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, Ban CHQS huyện Vân Canh và Tuy Phước đã giúp nhân dân các xã miền núi của huyện Vân Canh khai hoang được hơn 220ha ruộng lúa nước, cho năng suất đạt 3,5 tấn/ha, nhờ vậy, cuộc sống của hầu hết bà con dân tộc thiểu số không còn thiếu đói như trước.

Từ khi có Cuộc vận động “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo Ban CHQS các huyện hướng dẫn bà con đồng lòng xây dựng mô hình xã văn hóa. Mỗi khi địa phương tổ chức lễ hội “mừng lúa mới”, “lễ đâm trâu hội làng”…, đơn vị đều cử cán bộ về cùng tham dự, qua đó vận động bà con từ bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Đến nay, mỗi khi trong nhà có người thân đau ốm, đồng bào đã chủ động đi đến các trạm xá, bệnh viện và bỏ hẳn tục cúng bái, xua đuổi tà ma. Trước đây, đồng bào có thói quen thả rông gia súc, gia cầm, nhưng từ khi được cán bộ, chiến sĩ tuyên truyền, 100% hộ dân đã xây dựng được chuồng trại. Bộ CHQS tỉnh còn phối hợp với MTTQ Việt Nam tỉnh vận động các tổ chức xã hội, các mạnh thường quân ủng hộ hàng chục tỷ đồng xây dựng hàng trăm nhà đại đoàn kết tặng các hộ nghèo; xây dựng 8 công trình dân sinh phục vụ đồng bào.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đánh giá: “Tình cảm quân dân sâu nặng, tình đoàn kết, gắn bó keo sơn, bền chặt là nguồn sức mạnh tinh thần góp phần giúp địa phương vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ”.

Tình yêu với miền "đất võ" đã tiếp thêm sức mạnh để cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Bình Định luôn sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Nguồn: qdnd.vn/Tiến Dũng - Hoàng Hoàng, 22/6/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất