Từ năm 2011 đến nay, các đoàn thể trong tỉnh Bạc Liêu tiếp tục triển khai
thực hiện có hiệu quả công tác "dân vận khéo" với nhiều cách làm, mô hình
cụ thể, thiết thực trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Qua đó góp phần
quan trọng vào công tác vận động quần chúng và phát triển kinh tế - xã
hội của các địa phương trên địa bàn tỉnh.
|
Các đoàn thể huyện Hồng Dân thực hiện công tác "dân vận khéo" qua mô hình
vận động tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Ảnh: X.T |
Việc thực hiện công tác "dân vận khéo" đã được các đoàn
thể các cấp trong tỉnh triển khai tích cực, đem lại hiệu quả thiết thực.
Nhiều mô hình có tính bền vững, sức lan tỏa cao, thu hút đông đảo cán
bộ Hội và lực lượng đoàn viên, hội viên tham gia, nhất là trong thực
hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; củng cố,
nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể và góp phần thực hiện
công tác an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Nổi bật là các Hội, đoàn thể đã tạo sự đồng thuận cao
của đoàn viên, hội viên và nhân dân trong thực hiện phong trào Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; trồng hàng rào cây
xanh; liên kết trong sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn, các mô hình sản
xuất, chăn nuôi; đưa các giống cây, con mới vào sản xuất để tăng năng
suất, tăng thu nhập; phòng chống tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự,
an toàn giao thông; hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa và các công
trình công cộng khác; tham gia hòa giải, giải quyết những vấn đề bức xúc
của nhân dân.
Các cấp Đoàn Thanh niên trong tỉnh đã cụ thể hóa việc
thực hiện công tác "dân vận khéo" thành chương trình, kế hoạch cụ thể để
triển khai đến từng nhóm đoàn viên - thanh niên (ĐV-TN) trên cơ sở thực
hiện nội dung "5 xây - 5 chống"; thực hiện 5 tiêu chí rèn luyện và 10
tiêu chí hành động của chương trình rèn luyện đoàn viên trong thời kỳ
mới, gắn với nội dung "5 xây - 5 chống".
Hội Nông dân các cấp trong tỉnh vận động hội viên, nông
dân thực hiện phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi bằng các mô
hình cụ thể như phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn, bền
vững; sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao; trồng và bảo vệ rừng… Hàng
năm, có trên 40% hội viên, nông dân đăng ký tham gia thực hiện sản xuất
- kinh doanh giỏi. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân
tham gia xây dựng nông thôn mới như hiến đất mở rộng, nâng cấp đường
giao thông nông thôn; thực hiện các mô hình hợp tác trong sản xuất; tham
gia bảo vệ môi trường; giữ gìn an ninh trật tự…
Các cấp Hội LHPN trong tỉnh cũng đã có nhiều mô hình
trong công tác "dân vận khéo". Trong đó vận động hội viên đăng ký xây dựng
phong trào thi đua Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng
gia đình hạnh phúc. Đối với các địa bàn vùng nông thôn, vùng có đông
đồng bào dân tộc Khmer thì vận động thực hành tiết kiệm, tạo điều kiện
để chị em tiếp cận các nguồn vốn vay; thành lập các tổ tiết kiệm, tổ hùn
vốn; xây nhà cho phụ nữ nghèo. Đồng thời nhân rộng mô hình "5 không - 3
sạch", phát huy vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn vệ sinh môi
trường. Đến nay, 100% tổ chức cơ sở Hội đã thực hiện mô hình này…
Những mô hình trong thực hiện công tác "dân vận khéo" do
các đoàn thể thực hiện trong 5 năm qua đã góp phần củng cố, nâng cao
hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng tổ chức đoàn
thể vững mạnh. Từ đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã
hội của tỉnh cũng như giải quyết những vấn đề bức thiết của nhân dân,
giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn
tỉnh.
Nguồn: baobaclieu.vn, ngày 31/5/2016