Thứ Bảy, 28/12/2024
Người tiên phong đưa cây Pơ mu về bản
 
 Anh Vừ Vả Chống đang tỉa cành cấy


Được nghe nhiều người kể về anh đã lâu, người tiên phong đưa cây Pơ mu, Sa mu về trồng thành công trên mảnh đất không phải là nơi có loài cây bản địa này và cũng là một trong những người trồng nhiều chè Tuyết Shan nhiều nhất xã Huồi Tụ. Vượt 30km đường đèo dốc từ thị trấn Mường Xén, chúng tôi đến thăm trang trại của anh trong cái se se lạnh trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển vào chiều cuối thu.

Tiếp chúng tôi bên ấm nước chè nóng vừa mới được hái ngay tại vườn. Trong căn nhà nhỏ được bao bọc bởi bạt ngàn màu xanh ngút ngàn của chè, Sa mu, Pơ mu, gừng, dứa… Anh tâm sự: Tôi được Nhà nước giao cho 10ha đất đồi núi, ngày đó năm 2000 ở đây toàn là lau lách, cây đót, cỏ dại. Ban đầu vợ chồng cũng chỉ làm nương rẫy, khó khăn lắm chỉ đủ cái ăn thôi. Cơ duyên đến với tôi trong một lần đến thăm bà con ở xã Tây Sơn cách nhà 40km nơi được gọi là thủ phủ của cây Pơ mu và Sa mu của Kỳ Sơn, tôi đã lấy mấy cây về trồng làm cảnh trước nhà và không ngờ loại cây này phát triển rất nhanh, từ đó vợ chồng tôi đã lấy giống về trồng.

 Đến nay anh đã có 3ha với 3.000 gốc cây, có những cây có đường kính gốc đến 30cm. Rồi đến năm 2003 khi Tổng đội thanh niên xung phong 8 đưa cây Chè Tuyết shan về đây anh cũng nhận trồng 2,5ha. Cây Pơ mu và Sa mu không chỉ phát triển tốt mà còn làm bóng mát, làm cho đất tơi xốp, tránh đất bị rửa trôi trên diện tích trồng chè vì vậy đất trồng chè không phải bón phân nhiều mà năng suất lại cao hơn hẳn. Thấy được hiệu quả của của việc trồng cây Cây Pơ mu và Sa mu trong vườn chè, nhiều bà con trong xã đã đến học hỏi kinh nghiệm và anh đã nhân giống bán với 15.000 đồng/cây, đây là một nguồn thu nhập không nhỏ của gia đình anh. Anh cũng không ngần ngại truyền đạt kinh nghiệm trồng và chăm sóc cho các hộ trong bản, hiện 50 hộ trong bản đã làm theo mô hình của anh và hiệu quả đã bước đầu khởi sắc. Năm 2015 anh đã mở rộng diện tích trồng thêm 1.000 cây Pơ mu và Sa mu.

Không chỉ thành công với cây chè, Sa mu, Pơ mu anh còn thành công ở lĩnh vực chăn nuôi, với đàn bò luôn duy trì 15-17 con, trong đó có 2 con bò chọi trị giá 50 triệu đồng/con. Anh còn được biết đến với người nuôi gà đen (gà ác) nhiều nhất xã với hình thức nuôi thả, tận dụng được thức ăn có sẵn tự nhiên trong vườn chè nên đàn gà phát triển nhanh ít dịch bệnh, mỗi năm anh xuất chuồng khoảng 400kg gà thịt. Ngoài ra, anh còn trồng các loại rau, dứa, sắn, cỏ voi, gừng… Trang trại của anh cho thu nhập từ 150-170 triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 2-4 lao động trong vùng. Sau nhiều năm vất vả làm kinh tế, vợ chồng anh đã xây dựng được căn nhà kiên cố, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt có giá trị. Điều mà anh chị phấn khởi nhất là các con học hành chăm chỉ, hiện đang học đại học và cao đẳng ở Hà Nội. Được hỏi về dự định trong thời gian tới anh chia sẻ: Tôi sẽ đầu tư thêm vốn nuôi thêm bò, tăng diện tích trồng cây Pơ mu và Sa mu, mua máy ấp trứng gà đen để nhân giống cho bà con. Và ý định xa hơn là đầu tư xây dựng khu du lịch kiểu nhà vườn để thu hút khách đến thăm và tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã…

Nhận xét về anh đồng chí Vừ Bá Lỳ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Huồi Tụ cho biết anh Chống là người bí thư năng động từng đạt giải 3 cuộc thi bí thư chi bộ giỏi cấp huyện, là Trưởng Công an xã hết lòng vì bình yên cho cuộc sống nhân dân, anh luôn hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất chăn nuôi để giúp các hộ nghèo khác vươn lên thoát nghèo…

Với mô hình làm ăn hiệu quả của anh Vừ Vả Chống cần khuyến khích nhân rộng. Hy vọng ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình như thế trên vùng đất đang nghèo khó như Kỳ Sơn để thúc đẩy kinh tế hộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần thay đổi diện mạo làng quê và xây dựng nông thôn mới.

Trần Đức - Duy Thành

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi