Nhằm tạo điều kiện để các hội viên chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, năm 2016, Hội Nông dân thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ đăng ký thực hiện mô hình Tổ hợp tác trồng cây cam mật, với 17 thành viên, tổng diện tích canh tác 56ha. Mô hình được UBND huyện Phong Điền tặng Giấy khen "Dân vận khéo" năm 2016.
|
Các thành viên Tổ hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc cây cam mật. |
Theo ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn, thời gian qua, Hội Nông dân xã đã tổ chức nhiều chuyến tham quan, tìm một số mô hình trồng cây có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: cam sành, cam mật, bưởi da xanh... Qua đó, Hội Nông dân thị trấn nhận thấy cây cam mật phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nên năm 2016 Ban Chấp hành Hội Nông dân thị trấn thống nhất thành lập Tổ hợp tác trồng cam mật tại ấp Nhơn Lộc 2A. Tham gia mô hình, bên cạnh được hỗ trợ vay vốn từ 20 - 40 triệu đồng, các thành viên còn được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây... Ngoài ra, các thành viên còn họp định kỳ hàng tháng để trao đổi, bàn bạc tình hình sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Theo ông Đinh Văn Khuôn, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng cam mật, cam mật trồng khoảng 3 năm có thể để trái chiếng. Vụ đầu tiên, do cam còn nhỏ, năng suất còn thấp, chỉ đạt khoảng 1-1,2 tấn/công. Đến vụ thứ 2 trở đi thì sản lượng tăng lên từ 3-4 tấn/công. Ông Khuôn nói: "Hiện nay, tôi đang canh tác 4 công cam, cho trái được 2 vụ. Vụ đầu 4 công cam cho sản lượng 5 tấn, bán giá 18 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí sản xuất, tôi có lãi khoảng 60 triệu đồng/năm. Qua vụ sau, lợi nhuận đạt khoảng 80 triệu đồng/năm".
Nhờ trồng cam mật, nhiều thành viên tổ hợp tác có cuộc sống ổn định, vươn lên khấm khá. Điển hình như ông Đoàn Văn Ảnh. Chúng tôi đến thăm đúng dịp ông Ảnh vừa thu hoạch cam. Ông Ảnh hồ hởi khoe, vườn cam nhà ông mới 4 năm tuổi, đạt sản lượng 6 tấn/1,5 công. Với giá cam dao động từ 15 - 18 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông Ảnh lãi khoảng 60 triệu đồng với 1,5 công cam. Ông Ảnh bộc bạch: "Trước đây, 1,5 công vườn tạp huê lợi chẳng được bao nhiêu. Nhờ Hội Nông dân thị trấn tổ chức tham quan mô hình trồng cam mật, rồi hỗ trợ vay vốn cải tạo vườn tạp thành vườn chuyên canh trồng cam mật, hiện nay, kinh tế gia đình tôi đã ổn định".
Ông Nguyễn Văn Năm, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phong Điền cho biết thêm: "Mô hình Tổ hợp tác trồng cam mật mang lại kết quả phấn khởi, giúp hội viên tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, các thành viên Tổ hợp tác còn tổ chức quỹ hùn vốn xoay vòng không tính lãi, mỗi năm hơn 40 triệu đồng, để cho hội viên mượn mua phân, thuốc, phục vụ sản xuất. Qua đó, giúp hội viên thắt chặt tình đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần…".
Nguồn: baocantho.com.vn, ngày 08/02/2017