Bình Phước có đường biên giới dài 260,433km trên địa bàn 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập với 15 xã tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Thời gian qua, công tác dân vận có vị trí, vai trò quan trọng trong việc xây dựng thế trận lòng dân vùng biên, góp phần bảo vệ vững chắc phên dậu của Tổ quốc. Do vậy, công tác này ngày càng được chú trọng và thực hiện tốt hơn.
|
Cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hoa Lư tặng gạo cho người nghèo |
Ngày 25/9/2015, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 47-CT/TU về “Tăng cường công tác dân vận, xây dựng vùng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển” trong tình hình mới. Sau đó, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện và thành lập ban chỉ đạo, xây dựng Hướng dẫn số 169/HD-BCĐ triển khai thực hiện “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới” trong tình hình mới.
Để tăng cường hiệu quả tuyên truyền, vận động, giúp đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là tuyến biên giới, UBMTTQVN tỉnh đã xây dựng Hướng dẫn số 11/HD-MTTQ-BTT ngày 29/7/2016 về xây dựng “Khu dân cư tham gia xây dựng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới” và tổ chức tập huấn cho cán bộ các huyện, xã biên giới; đồng thời, phối hợp xây dựng Kế hoạch liên tịch số 62 về phát hành “Bản tin phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới”, mỗi quý xuất bản 1 bản tin với số lượng 1.200 cuốn làm tài liệu phục vụ tuyên truyền ở cơ sở.
Qua hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TU của Tỉnh ủy công tác dân vận đã có sự chuyển biến rõ nét. Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành địa phương đã tích cực triển khai đến các xã, thôn, giúp đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu rõ hơn quan điểm của Đảng về công tác dân vận, đối ngoại nhân dân nhằm xây dựng tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước, giữ vững hòa bình, ổn định an ninh biên giới. UBND các xã và đồn biên phòng đã phối hợp hướng dẫn tập thể, hộ dân, cá nhân đăng ký tham gia quản lý bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng điển hình trong các phong trào; hướng dẫn thực hiện quy chế biên giới và thủ tục, quy định về việc qua lại biên giới, để người dân 2 bên thuận lợi giao lưu văn hóa, trao đổi buôn bán.
Ban Dân vận Tỉnh ủy vừa phối hợp Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đi kiểm tra, kết quả cho thấy đã có nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở vùng biên. Cụ thể, các đồn biên phòng phối hợp hội phụ nữ xây dựng Câu lạc bộ “Điểm sáng biên giới”; phối hợp với Hội Nông dân huyện hướng dẫn trồng lúa nước năng suất 4 tấn/ha; bộ đội biên phòng hỗ trợ “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”; chương trình “Bò giống cho người nghèo nơi biên giới”, mô hình nuôi dê, “Xuân biên phòng - ấm lòng biên giới, hải đảo”, “Nâng bước cho em đến trường” giúp học sinh nghèo học giỏi, “Tổ bảo vệ tự quản về an ninh trật tự”, “Khu dân cư không có tội phạm ẩn náu hoạt động hoặc có nhưng phát hiện nhanh, kịp thời”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”...
Chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ đội biên phòng tỉnh đã đầu tư xây dựng 5 trạm xá quân dân y kết hợp ở Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp các đơn vị trong và ngoài tỉnh khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà trên 900 lượt người dân xã vùng biên, trị giá 374 triệu đồng; tặng 50 suất học bổng cho 50 học sinh nghèo vượt khó, mỗi suất 1 triệu đồng; hỗ trợ 10 phương tiện sinh kế trị giá 5 triệu đồng; thăm và tặng quà 4 Mẹ Việt Nam anh hùng, 4 già làng tiêu biểu; sửa chữa, thay thế đường dây điện miễn phí cho 50 hộ nghèo tại 2 xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập (Bù Gia Mập).
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TU của Tỉnh ủy ở một số sở, ngành, huyện, thị và cơ sở còn chậm; tuyên truyền, vận động chưa thường xuyên, phối hợp chưa nhịp nhàng, đồng bộ. Vì vậy cần phải tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo điều hành của chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các, ban, ngành trong việc phối hợp với bộ đội biên phòng, cơ sở để tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người dân vùng biên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chung tay xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển.
Nguồn: baobinhphuoc.com.vn, ngày 26/11/2017