Thứ Ba, 24/12/2024
Hiệu quả thiết thực từ các mô hình “Dân vận khéo” của phụ nữ Ninh Bình
 
Các đại biểu tham quan mô hình "Dân vận khéo" trong phát triển kinh tế của nữ cựu chiến binh
Nguyễn Thị Hà, xã Sơn Hà (Nho Quan). Ảnh: Hoàng Anh
 

 
Trước hết, các cấp Hội tập trung nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, hội viên, phụ nữ về mục đích, ý nghĩa, nội dung, phương pháp “Dân vận khéo” thông qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, hội nghị báo cáo viên, các hội thảo, tọa đàm, các kỳ sinh hoạt hội viên... Qua đó, cán bộ, hội viên hiểu rõ “Dân vận khéo” chính là tuyên truyền, thuyết phục, vận động phụ nữ phát huy nội lực, tin tưởng và làm theo những việc tốt, những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả...

Công tác xây dựng, tổng kết, nhân diện mô hình “Dân vận khéo” được các cấp Hội triển khai đồng bộ, thống nhất, tập trung nguồn lực và đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế. Hàng năm, chỉ đạo các cấp Hội đưa tiêu chí thi đua "Dân vận khéo" trong nội dung ký giao ước thi đua; thực hiện phong trào thi đua trên cả 4 lĩnh vực mà trọng tâm là “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. ở lĩnh vực kinh tế, các cấp Hội tập trung vào các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ; xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, vận động thành lập Hợp tác xã... Điển hình là mô hình dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ tại xã Chất Bình (Kim Sơn). Từ năm 2013 - 2015, Hội LHPN tỉnh phối hợp với doanh nghiệp Đổi Mới tổ chức 5 lớp dạy nghề đan bèo, đan cói cho 150 phụ nữ. Lúc đầu chỉ có phụ nữ một số thôn học, đến nay, 11/11 thôn đều làm nghề với gần 2.000 lao động, có thời điểm lên đến 2.500 lao động làm nghề, trong đó có cả nam giới, người già tham gia, với thu nhập hàng tháng trung bình 3 triệu đồng. Có gia đình thu nhập trên 10 triệu đồng; đã giúp 85 chị thoát nghèo bền vững. Hiện nay, Chất Bình đang đề nghị Sở Công thương công nhận làng nghề cho một số thôn của xã.

Mô hình tổ liên kết sản xuất nấm tại xã Khánh Công, huyện Yên Khánh do chị Vũ Thị Đam làm tổ trưởng cũng là một trong những mô hình được nhiều người biết đến. Ban đầu từ một số gia đình tự phát liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm, năm 2013, Hội đã vận động được 30 thành viên tham gia. Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 375 m2 lán trại sản xuất chung cho 30 thành viên; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ thuật trồng nấm, kiến thức quản lý sản xuất, kinh doanh; in gần 4.000 tờ rơi quảng bá về giá trị dinh dưỡng, khuyến khích người dân ăn nấm; ký hợp đồng với Trung tâm nấm Hương Nam (Yên Khánh) để hỗ trợ hộ nghèo giống nấm. Đến nay, tổ liên kết phát triển tốt, có 107 hộ tham gia, trong đó có 72 hộ ở các xã lân cận. Từ năm 2012 đến nay, tổ đã giúp 19 thành viên thoát nghèo.

Các mô hình “Dân vận khéo” được Hội triển khai rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh. Tại huyện Yên Mô, qua khảo sát, tại xóm Chùa , xã Yên Từ, có một số hộ đã đổi đất về gần nhau, có hướng cùng liên kết sản xuất, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tư vấn, vận động 17 gia đình hội viên tham gia thành lập HTX, liên kết trồng chuối thái, kết hợp nuôi cá với diện tích 3 ha. Sau khi thành lập, Hội hỗ trợ chuyển giao KHKT, 6 máy bơm nước, cán bộ Hội thường xuyên nắm tình hình có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, Hội tích cực đề nghị với huyện Yên Mô hỗ trợ làm đường giao thông, hệ thống kênh thoát nước; vận động các hộ gia đình đầu tư cơ sở hạ tầng...; đề nghị một số sở, ngành quan tâm hỗ trợ để HTX phát triển vững chắc. Đến nay, HTX đã được thu hoạch cá; chuối phát triển tốt.

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, các cấp Hội đã xây dựng được một số mô hình hiệu quả trong công tác vệ sinh môi trường với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Mô hình “Đường hoa phụ nữ” tại 7/19 xã của huyện Yên Khánh, một số xã của huyện Hoa Lư, thành phố Tam Điệp tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Với suy nghĩ: “trồng hoa thay cỏ dại” làm cho đường làng ngõ xóm xanh-sạch-đẹp hơn, Hội LHPN các xã đã vận động chị em phụ nữ bỏ công lao động làm đất, sử dụng quỹ Hội mua giống hoa dễ sống, đẹp, bắt mắt, thích ứng với thiên nhiên 4 mùa, phù hợp với cảnh quan ven đường như: Hoa mười giờ, hoa tám giờ, hoa dừa... để trồng. Đồng thời, vận động các gia đình trồng hoa trước đoạn đường của gia đình. Đến nay, mô hình đường hoa phụ nữ là mô hình thiết thực, hoa tốt thay thế cỏ dại, chống xói mòn đất, làm sạch, đẹp cảnh quan nông thôn, khu nghĩa trang; góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường.

Thực tiễn cho thấy, việc xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” của các cấp hội phụ nữ đã có sự đầu tư công sức, trí tuệ, phù hợp với thực tế, có sự đồng thuận của tập thể, mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên và cộng đồng.

Nguồn: baoninhbinh.org.vn, ngày 25/10/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi