Thứ Sáu, 26/4/2024
Bắc Giang: Dân vận khéo, đồng thuận cao trong xây dựng nông thôn mới
 
Nhờ đồng thuận trong xây dựng nông thôn mới, nông dân xã Tư Mại (Yên Dũng)
quy hoạch được cánh đồng mẫu rộng hàng trăm ha. 

Hưởng ứng chủ trương chung

Tháng 5/2015, xã Tư Mại (Yên Dũng) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), hoàn thành trước 6 tháng so với kế hoạch đề ra. Đi trên những con đường làng rộng mở, bao quanh là cánh đồng thẳng băng mát mắt, môi trường sống xanh, sạch, đẹp…, ông Hoàng Văn Xuất, Chủ tịch UBND xã phấn khởi: Nếu không phát huy nội lực, không có sự đóng góp của nhân dân thì bộ mặt nông thôn Tư Mại không được như bây giờ.

Nhớ lại thời điểm năm 2011, Tư Mại được chọn là xã điểm xây dựng NTM của tỉnh. Bước khởi đầu vấp phải không ít khó khăn do bà con chưa hiểu xây dựng NTM là thế nào, họ được gì trong đó? Nhờ làm tốt công tác dân vận, người dân cả 9 thôn đã nhận thức được xây dựng NTM là việc làm đem lại lợi ích cho chính mình nên rất đồng tình, sẵn sàng ủng hộ. Thống kê cho thấy, nhân dân đã đóng góp hơn 20 tỷ đồng, chưa kể nhiều hộ tình nguyện hiến đất, ngày công.

Trong quá trình xây dựng NTM ở xã, ông Hoàng Văn Xuất ấn tượng nhất là khi bà con hưởng ứng chủ trương dồn điền, đổi thửa. Sau dồn đổi, không còn gầu sòng tát nước; không còn cảnh "con trâu đi trước cái cày theo sau". Những ô thửa manh mún nhấp nhô chỉ còn trong ký ức. Thay vào đó là cánh đồng rộng, liền bờ liền khoảnh, hình thành vùng sản xuất chuyên canh lúa hàng hóa và khoai tây chế biến Atlantic với quy mô hàng trăm ha. Khâu làm đất được thực hiện bằng phương tiện cơ giới; tưới tiêu thuận lợi bởi hệ thống kênh mương được thiết kế lại. Hiệu quả sản xuất thấy rõ, trung bình đạt 120 triệu đồng/ha/năm (tăng 40 triệu đồng/ha so với trước).

Vui mừng về thành quả này, bà Lưu Thị Ảnh, thôn Bắc Am cho biết: Có máy móc làm ruộng, chúng tôi nhàn hẳn; có thời gian đánh bóng chuyền hơi. Nhà văn hóa, khu thể thao, sân bóng... cũng được xây dựng, nam phụ lão ấu đều có chỗ sinh hoạt. Cũng nhờ tuyên truyền, vận động, ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân có chuyển biến tích cực, an ninh trật tự bảo đảm. Thu nhập bình quân năm 2016 đạt 38 triệu đồng/người, tăng 13 triệu đồng so với trước khi xây dựng NTM.

Đa dạng cách tuyên truyền, vận động

Theo Văn phòng điều phối NTM tỉnh, 6 năm qua, nhân dân đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng; 76.750 ngày công lao động và hiến hơn 345 ha để làm công trình công cộng phục vụ lợi ích chung. Nhiều diện tích tường bao, hoa màu và tài sản trên đất, người dân cũng sẵn sàng hiến tặng mà không nghĩ đến chuyện phải đền bù.

Tư Mại là một trong 51 xã của tỉnh đạt chuẩn NTM đến thời điểm này. Nhiều xã khác cũng đang trên đường về đích theo lộ trình đến năm 2020. Gặp gỡ lãnh đạo, tiếp xúc với bà con ở các xã đạt chuẩn, hỏi về kinh nghiệm họ đều cho rằng nhờ làm tốt với công tác dân vận mà người dân đồng tình với chủ trương, cách làm, từ đó có đóng góp tích cực. Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã chú trọng tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Đặc biệt, hệ thống dân vận đã làm tốt vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng NTM. Trên địa bàn tỉnh hình thành hàng nghìn mô hình "Dân vận khéo" vận động nông dân dồn điền, đổi thửa, phát triển kinh tế, đóng góp làm các công trình phúc lợi, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự...

Đặc biệt khối dân vận các xã đã tham mưu cho đảng ủy ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo các tổ dân vận thực hiện thông qua: Hội nghị chi bộ thôn, chi đoàn, chi hội của các đoàn thể, câu lạc bộ, tổ liên gia tự quản, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; pa nô, áp phích, khẩu hiệu; tuyên truyền trên loa truyền thanh. Nhờ đó, từ chỗ chưa thông nên phản đối, sau đó là e dè, nghe ngóng; khi đã nắm vững, hiểu đúng mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách làm, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM thông qua Quy chế dân chủ ở cơ sở, người dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra, giám sát và trực tiếp hưởng lợi nên đã có sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận cao, tự nguyện tham gia có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào việc xây dựng NTM, làm đẹp làng quê.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho rằng: Để thực hiện có hiệu quả công tác dân vận cần có sự quan tâm lãnh đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa ban chỉ đạo, ban quản lý các cấp với hệ thống dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở, đặt người dân là chủ thể để xây dựng NTM. Đẩy mạnh tuyên truyền với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, “Đến từng ngõ, gõ từng nhà”. Khi đã phát động phong trào thi đua phải có đánh giá, ghi nhận, biểu dương, khen thưởng tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Nguồn: baobacgiang.com.vn, ngày 17/10/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất