Thứ Hai, 13/1/2025
“Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế ở Sìn Hồ
 
Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, Nhân dân xã Ma Quai (huyện Sìn Hồ)
tích cực phát triển chăn nuôi nâng cao thu nhập.
 

Để mô hình “dân vận khéo” trong phát triển kinh tế đạt hiệu quả, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức: tuyên truyền miệng; trên các phương tiện thông tin đại chúng; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; băng rôn, khẩu hiệu cũng như các buổi sinh hoạt tại thôn, bản, khu dân cư… Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ huyện đến cơ sở thường xuyên được kiện toàn và đổi mới nội dung tuyên truyền theo hướng gần dân, sát dân, lắng nghe, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân để có biện pháp vận động phù hợp. Đến nay, toàn huyện có hơn 100 mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, các mô hình này động viên Nhân dân tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.

Điển hình như mô hình thâm canh giống lúa mới J02 vụ mùa vừa qua tại Sà Dề Phìn. Được biết, cấp ủy, chính quyền địa phương, Trạm Khuyến nông huyện tích cực vận động, tuyên truyền bà con tham gia mô hình. Nhờ đó, nông dân xã đăng ký thực hiện 10ha. Qua tổng kết đánh giá, mô hình cho năng suất đạt 45tạ/ha, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Ông Hạng A Khua (bản Sảng Phìn, xã Sà Dề Phìn) cho biết: “Khi cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, cán bộ xã đến tuyên truyền, gia đình tôi phân vân lắm, vì lúa J02 là giống mới, sợ chất lượng không cao ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Nhưng được nghe cán bộ phân tích giống lúa mới J02 có khả năng chống chịu sâu bệnh, chất lượng gạo thơm, cơm mềm, dẻo và đặc biệt là chịu lạnh tốt, phù hợp với thời tiết của Sà Dề Phìn tôi mạnh dạn tham gia. Với diện tích 1ha, được hỗ trợ 100% giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, sau 3 tháng, lúa cho thu hoạch và đạt 48 tạ/ha, cao hơn hẳn với giống lúa thuần”.

Bên cạnh xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực phát triển kinh tế, các cơ quan, đơn vị của huyện Sìn Hồ còn chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn các bản xây dựng các mô hình về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi như: “Thâm canh cây mía” “Trồng cam V2” “Chăn nuôi vịt an toàn sinh học”… kết hợp hướng dẫn khoa học kỹ thuật theo phương châm “cầm tay chỉ việc”. Đồng thời, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho đoàn viên, hội viên nghèo. Phối hợp với đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã phát động Nhân dân tích cực phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tập quán canh tác của Nhân dân, từng bước sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tiêu biểu như mô hình “nuôi cá lồng” ở Nậm Mạ, “Hũ gạo tiết kiệm” của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, “Đoàn viên, hội viên phát triển kinh doanh giỏi” của Huyện đoàn; “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” của Hội Nông dân huyện,… Qua đó, có nhiều cá nhân, hộ gia đình dám nghĩ, dám làm, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế của địa phương. Như ông Lò Văn Xong ở bản Cuổi Tở 1, xã Nậm Cuổi phát triển kinh tế từ chăn nuôi, trồng trọt. Hiện, gia đình anh có 40 con bò, 15 con lợn, hàng trăm còn gia cầm, gần 2ha ruộng nương, mang lại thu nhập từ 150 - 170 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí).

Có thể nói, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân trong huyện. Những năm tiếp theo Sìn Hồ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với phương châm “sâu sát cơ sở, gần dân, trọng dân, hiểu dân, có trách nhiệm với Nhân dân” nhằm góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và xây dựng quê hương ngày càng giàu, đẹp.

Nguồn: baolaichau.vn, ngày 28/12/2017

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất