Thứ Hai, 13/1/2025
Ha Jum làm dân vận
Già Ha Jum bên con đường vào khu sản xuất mà già dày công vận động bà con góp tiền, hiến đất. Ảnh: Đ.T

Những người hiền lành ở thôn Cổng Trời bảo tôi: Anh may mắn lắm đó, ngày trước muốn vào nơi chúng tôi sản xuất chỉ có cách cuốc bộ, hôm nay là “thông xe” rồi. Thế là tôi vào đến một vùng thênh thang cà phê, khoai, sắn trên chính con đường mà người đàn ông ngoại thất tuần Ha Jum vận động bà con tự đóng góp tiền của và hiến đất để làm đường. 

Trưa. Nắng, gió táp liên hồi vào mặt. Người dân Cổng Trời đa số tay cuốc tay cày lót dạ cho khách bằng thức uống lá rừng. Già Ha Jum kể sơ qua về lý do tại sao lại vận động bà con mở đường: Thú thật, người dân trồng được cà phê, khoai sắn gì cũng phải chất lên lưng rồi gùi ra đường lớn. Khổ lắm. Mà không chỉ riêng tôi khổ đâu nhé, cả thôn bản này ai cũng vậy, thu được loại nông sản gì thì cái lưng oằn lại thành ngựa thồ. Một vùng sản xuất nông nghiệp của thôn mà không có đường sá gì thì nông sản bị mất giá là chuyện không thể tránh khỏi.

Rồi nghịch lý mà một người quen với núi rừng phân tích trái hẳn với câu nói nổi tiếng mà nhà văn Lỗ Tấn (Trung Quốc) nói về con đường. Nhà văn bảo rằng: Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi. Còn già Ha Jum thì suy nghĩ đơn giản hơn, nhưng xem ra rất thiết thực: “Anh thấy vùng đồi trong kia không, cả cái thôn Cổng Trời này đi bao nhiêu đời rồi đó. Đi từ khi thôn được khai sinh lập địa nhưng cuối cùng có đường sá gì đâu, nếu ai bảo cái lối mòn bé tẹo mà con trâu chui không lọt kia là đường thì tôi cũng chịu”. Có lẽ, với già Ha Jum cám cảnh bà con dân bản nai nịt gọn gàng từng bao cà phê, khoai lang rồi yên vị trên lưng mà vận chuyển. Chính vì vậy, khi tôi nhắc đến câu nói của vị nhà văn nổi tiếng kia thì ông bẻ ngang ngay câu chuyện. Trong trường hợp này, có lẽ già Ha Jum đúng.

Một năm trước, bà con thôn Cổng Trời truyền tai nhau về câu chuyện già Ha Jum đi từng nhà, gặp từng người để vận động bà con đóng góp tiền của, hiến đất để mở đường cho buôn làng vào vùng đất sản xuất. Làm đường để bà con từ nay và về sau không còn phải chịu cảnh làm con trâu, con ngựa cõng nông sản trên lưng. Hỏi thăm nhiều người cao niên trong thôn về con đường được làm, họ gật đầu: “Được lắm!”, “Tốt quá!”.

Để có con đường vào khu vực sản xuất mà khi tôi đến tính từ khởi điểm đầu thôn tạt lên mạn hướng bắc chừng 3 km, khúc thẳng thớm thì rộng 3,5 mét, nơi cua lượn thì mở rộng 4 mét già Ha Jum đã phải chuẩn bị cả năm trời để làm công tác vận động. Cái đầu tiên là “đấu lý”. Phải “đấu lý” vì bao đời nay theo dân làng thì họ vẫn đi con đường ấy, có sao đâu, mang vác, gánh gùi lâu ngày giờ đôi vai đã chai sần, đôi chân đã cứng như sắt đá, đường có to rộng thì cũng như không. Nắm bắt tình hình, già Ha Jum cố công giải thích cho bà con hiểu rõ ràng vì sao nông sản mình làm ra thường có giá chênh lệch hơn so với các nơi khác thuận lợi về đường giao thông. Già ví dụ rằng một người gánh gùi thì giỏi nhất là 50 kg, nếu thương lái vào tận nơi thì họ tính công gánh vác của họ, nếu có đường lớn thì một chiếc ô tô bằng cả trăm con người gộp lại ấy chứ. Mà khi đó nông sản sẽ thu hoạch một cách đồng loạt, không lẻ tẻ, manh mún như cách làm từ xưa đến nay.

Hết “đấu lý”, già Ha Jum lại chuyển qua vận động, lần này là vận động dân làng đóng góp tiền và hiến đất để làm đường. Điều này xem ra khó khăn hơn vì liên quan đến quyền lợi của từng người một, mà nói đến đất cát xem ra khó. Nhưng rồi “mưa dầm thấm lâu”, “kiến tha lâu cũng đầy tổ”, 152 nóc nhà với 818 nhân khẩu đóng góp được số tiền gần 70 triệu đồng để thuê phương tiện, máy móc, xe cộ phục vụ san ủi mặt đường. 

Có tiền rồi, nhưng vấn đề đặt ra chính là việc hiến đất, vì một lẽ có hộ chấp nhận, có hộ không; điều này dễ hiểu bởi trên đất của bà con có cây trồng, nghĩa là có nông lợi của bà con. Vậy là bắt đầu một giai đoạn vận động mới, từ những hộ sẵn sàng hiến đất để làm đường, thông qua những hộ dân đó để truyền tinh thần cho những hộ còn phân vân. Cuối cùng với sự đồng thuận của người dân, 100 hộ dân sẵn sàng hiến đất, đầu tháng 11/2017, con đường thông suốt, kết thúc một thời kỳ mang vác, gánh gùi. Trong suy tính của già, nếu có con đường, dân làng thôn Cổng Trời sẽ bớt đi một gánh nặng mà bao đời nay chính nó là yếu tố tiềm ẩn khiến kinh tế không thể nào vực dậy nổi. Tôi nghe niềm vui dâng trào trong từng người dân ở nơi đây, như ông Dơng Gur Ha Tang, Cill Ha Ba, Cill Ha Thủy, Lơ Mu Ha Thiên đùa rằng họ có thể kết thúc mấy mươi năm cuộc đời khuân vác.

Câu chuyện của già Ha Jum chưa dừng lại ở đây, tôi bảo rằng già đang làm rất tốt công tác vận động quần chúng, nghĩa là “Dân vận khéo”, già cho rằng một mình già cũng không thể làm được gì nếu không có được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, các cấp, ban ngành, đoàn thể và sự nhiệt tình giúp đỡ của bà con dân làng. Già Ha Jum đứng chững lại một hồi giữa con đường vừa hoàn thành, rồi tựa hồ như lục lọi trong trí nhớ già nua của mình về một điều gì đó. Già “à” một tiếng: Thế này thì ngày xưa già cũng đã làm rồi, đó là đợt già đi vận động bà con mình trồng lúa nước thì phải biết chăm sóc và bón phân, không thể như ngày xưa trồng lúa trên nương rẫy mà nhờ vào trời vào đất như thế được, vì người dân mình cho rằng bón phân sẽ làm “bẩn” hạt lúa - hạt ngọc của trời, tuy diện tích làm lúa nước của thôn ít nhưng họ nghe theo già thì năng suất cao lắm. Rồi còn nữa chứ, lúc già còn trẻ, già thấy người dân mình hay bị sốt rét, tiêu chảy, trẻ con hay đau ốm thế là già nghĩ ngay do dùng nguồn nước, vì quanh năm suốt tháng bà con mình dùng nước ở suối, thế là già vận động người dân đào giếng để lấy nước ăn uống, sinh hoạt. 152 hộ dân đào được 51 giếng nước đó, đến nay thì nhờ ơn Đảng, Nhà nước quan tâm, cả thôn đã có hệ thống nước sạch đến từng nhà rồi. 

Chiều Cổng Trời đã không còn u ám khi mặt trời bị núi rừng “nuốt” chửng, một thời khuân vác, gánh gồng đã kết thúc, trong đó có một phần công sức không nhỏ của những con người bình dị, chân chất và vì lợi ích chung của cộng đồng như già Ha Jum.

Nguồn: baolamdong.vn, ngày 17/1/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất