Đến nay, các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình đã đăng ký xây dựng và triển khai thực hiện hơn 1.400 mô hình “Dân vận khéo” giai đoạn 2016-2020. Các mô hình này bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa trên các lĩnh vực và tập trung giải quyết những việc mới, việc khó ở cơ sở.
|
Mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Phạm Văn Tường, xã Kim Đông (Kim Sơn).
Ảnh: Trường Giang |
Trước đây gia đình chị Hà Thị Vĩnh, trú tại tổ dân phố 12 phường Nam Sơn (thành phố Tam Điệp) luôn được biết đến là một trong những hộ nghèo điển hình của địa phương. Chị Vĩnh chia sẻ: Cuộc sống của gia đình tôi trước đây chỉ trông chờ vào tiền công thợ xây của chồng là chính, từ khi được Hội Phụ nữ phường quan tâm hỗ trợ cho vay 22 triệu đồng để mở quán ăn sáng, đồng thời được chị em hỗ trợ về kinh nghiệm kinh doanh, bán hàng nên đến nay gia đình tôi đã từng bước thoát nghèo, điều kiện kinh tế gia đình dần cải thiện, các cháu cũng yên tâm ăn học.
Được biết, với gần 2.000 hội viên đang sinh hoạt thường xuyên tại 21 chi hội, trong đó phần lớn chị em tham gia sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy Hội Phụ nữ phường đã tập trung triển khai mô hình dân vận khéo “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” để giúp những hội viên như chị Vĩnh vươn lên trong cuộc sống. Điểm đáng chú ý là ngoài việc tuyên truyền, vận động thì cách làm “dân vận khéo” của tổ chức Hội được thể hiện bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, vì vậy hiệu quả mang lại rất rõ nét. Từ việc nắm bắt được nhu cầu về vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế của hội viên, Hội Phụ nữ phường đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ phụ nữ vay vốn với số dư hơn 4 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế, làm nhà ở, giải quyết việc làm và nuôi con ăn học… Đến nay, đã có trên 95% chị em trong Hội sử dụng vốn vay có hiệu quả, đúng mục đích, trong đó có nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo, kinh tế khá giả.
Không những thế, Hội còn luôn đi đầu trong việc hỗ trợ hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất thông qua việc phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn về cách chăm sóc con giống, cây nông nghiệp, hướng dẫn chọn phân, cách thức bón phân cho cây trồng; áp dụng phương pháp xen canh, trồng các cây ăn quả mới có năng suất cao, kết hợp trồng cây ăn quả với chăn nuôi gia súc, gia cầm... Tính đến nay, phường Nam Sơn có trên 90% diện tích đất nông nghiệp được áp dụng khoa học kỹ thuật, giảm được 30% chi phí trong sản xuất. Chị Đinh Thu Thanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường cho biết: Phong trào dân vận khéo trong phát triển kinh tế không chỉ giúp chị em thay đổi cách nghĩ, cách làm mà còn phát huy khả năng sáng tạo của mỗi hội viên trong sản xuất, kinh doanh, giúp nhiều hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Với phương châm “nói cho dân hiểu, làm cho dân tin” như ở Nam Sơn, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực phát triển kinh tế đang tiếp tục được đẩy mạnh trong toàn tỉnh. Trong đó các cấp, các ngành đã chú trọng vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, ưu tiên giải quyết các vấn đề khó, bức xúc của nhân dân. Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đã tạo động lực mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Trong năm 2017 có thêm 20 xã và thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Nhiều cách làm hay, mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả được duy trì và phát triển, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân như: Vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế; vận động nhân dân góp tiền, hiến đất dồn điền, đổi thửa tạo ô thửa lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tự nguyện đóng góp công sức, kinh phí, hiến đất, ủng hộ tiền, vật liệu, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước xây dựng cơ sở hạ tầng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; vận động các cá nhân, tập thể, doanh nghiệp ủng hộ xây dựng nông thôn mới; thành lập các tổ giúp việc tham gia giúp các xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2017; triển khai giám sát việc huy động đóng góp của nhân dân và các tổ chức trong xây dựng nông thôn mới… Đồng thời tiếp tục triển khai nhiều mô hình trình diễn cây trồng có giá trị kinh tế cao để nhân dân làm theo; mở các lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ về sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ hội viên, đoàn viên nghèo, khó khăn vay vốn phát triển sản xuất thông qua tổ tiết kiệm, tổ vay vốn.
Cùng với đó, các cấp, các ngành tiếp tục triển khai, duy trì những mô hình “Dân vận khéo” hiệu quả trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, khu dân cư văn hóa, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh đô thị... Một số hoạt động “Dân vận khéo” mới được triển khai, thu hút nhiều thành phần, lứa tuổi tham gia, có tính xã hội hoá cao, hiệu ứng xã hội tích cực, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm của cộng đồng dân cư như mô hình tham mưu hỗ trợ xây dựng 22 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở, tổng trị giá 1,1 tỷ đồng và tặng 127 chiếc xe lăn cho thương, bệnh binh (ủy ban MTTQ tỉnh); vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đăng ký hiến giác mạc…
Được biết tới đây phong trào thi đua “Dân vận khéo” sẽ tiếp tục được triển khai với những nội dung cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, được tổ chức thường xuyên, sâu rộng, có tính bền vững, sức lan toả trong cộng đồng, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Nguồn: baoninhbinh.org.vn, ngày 02/1/2018