Chủ Nhật, 12/1/2025
Dân vận khéo góp phần nâng cao đời sống người dân vùng cao Yên Bái

 Bí thư Đảng ủy xã Hồng Ca (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) Hà Ngọc Toanh
hướng dẫn người dân trồng tre măng Bát độ

Để phong trào dân vận khéo đạt hiệu quả, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cấp, ngành, chính quyền trong tỉnh tập trung xây dựng nhiều mô hình dân vận khéo trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng địa phương, phát triển dịch vụ, thương mại gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đã có 34 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.


Hồng Ca là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên (Yên Bái) với 3 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó gần 90% dân tộc Tày và Mông, đồng bào dân tộc đông, trình độ dân trí còn thấp, nhiều phong tục, tập quán lạc hậu. Trước đây, người dân sống chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên trong rừng, hình thức canh tác quảng canh, trồng tràn lan các loại cây như, sắn, ngô, bồ đề, mỡ... mức độ rủi ro cao hay bị sâu bệnh nên đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Trước thực trạng này, năm 2009, Đảng ủy xã Hồng Ca đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ quảng canh sang trồng cây mũi nhọn có hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định, điển hình như: Mô hình trồng tre măng Bát Độ, mô hình trồng cây ăn quả có múi và cây quế. Khi triển khai, xã gặp nhiều khó khăn do người dân chưa ủng hộ, vẫn còn quen với tập quán canh tác cũ. Do đó, các cán bộ, đảng viên trong xã vận động, tuyên truyền nhân dân, đồng thời đi đầu, thực hiện trên diện tích đất trồng của gia đình, sau đó vận động anh em, họ hàng làm theo.

Từ đó, bà con trong xã thấy được hiệu quả mô hình mới nên đã tự nguyện chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng tập trung cây tre măng, quế, cây ăn quả đem lại giá trị cao gấp 3-4 lần. Sau gần 10 năm thực hiện, đến nay, toàn xã có hơn 900 ha măng Bát Độ, trên 1 nghìn ha quế và hơn 80ha cây ăn quả có múi. Năm 2017, toàn xã thu nhập khoảng 30 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 10%, thu nhập bình quân đầu người đạt 25-26 triệu đồng/năm, trước khi chuyển đổi các mô hình, thu nhập của bà con chỉ dưới 10 triệu đồng/năm.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đời sống nhân dân trong xã ổn định, khấm khá hơn. Tiêu biểu, gia đình bà Trần Thị Sánh, thôn Nam Hồng, xã Hồng Ca - một trong những hộ đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi từ cây bồ đề, mỡ sang trồng cây tre măng Bát Độ, quế và cây ăn quả, với diện tích hơn 10ha, năm 2017 gia đình bà thu nhập trên 200 triệu đồng, tạo việc làm cho 5-6 lao động và trở thành hộ khá trong xã.

Ông Hà Văn Tuấn, Trưởng khối Dân vận xã Hồng Ca cho biết: Thấy được hiệu quả cao từ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Hồng Ca tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con duy trì, chăm sóc, ổn định diện tích cây trồng hiện có. Thời gian tới, địa phương sẽ chuyển đổi thêm một số diện tích đất ruộng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm, phấn đấu đến năm 2020 diện tích trồng dâu đạt 50ha.

Hiện nay, cây tre măng Bát Độ, cây quế và cây ăn quả có múi đang trở thành cây trồng chủ lực, nguồn thu chính cho nhân dân nơi đây, góp phần xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Hồng Ca đã hoàn thành 8/19 tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới và ra mắt được 5 làng văn hóa, xã phấn đấu đến năm 2019 đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới.

Nguồn: dantocmiennui.vn, 17/5/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất