Đã gần 8 năm nay, những cánh đồng ở thôn 10, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên cứ luân phiên "khoác” lên mình màu áo xanh non rồi lại màu vàng óng của giống lúa chất lượng cao Thiên hương. Bà con thôn 10 từ lâu gắn bó với cây lúa nhưng là gắn bó với giống lúa cũ đã không còn phù hợp, năng suất, chất lượng thấp.
Nhớ những ngày đầu đầy khó khăn, vất vả khi phải đến từng nhà vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị Ngô Thị Thúy Vân - Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã chia sẻ: "Để thay đổi thói quen canh tác, giúp bà con đưa giống lúa mới vào sản xuất quả thật không dễ dàng. Lúc bắt đầu triển khai thực hiện cả thôn chỉ có vài hộ nhất trí tham gia. Mất đến 2 - 3 vụ lúa đầu tiên, thấy hiệu quả từ giống lúa mới mang lại rõ rệt cùng sự tuyên truyền, vận động tích cực của HND, bà con không những hết sức ủng hộ còn tự nguyện đăng ký tham gia”.
Đến nay, 100% bà con trong thôn đang trồng giống lúa này với tổng diện tích gần 15 ha cho năng suất 50 tạ/ha. Không chỉ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Báo Đáp, giống lúa Thiên hương còn ít sâu bệnh, cho năng suất, chất lượng cao; đầu ra, giá bán ổn định từ 900 - 1 triệu đồng/tạ - cao hơn hẳn so với giống lúa cũ, giá chỉ khoảng 600 - 700 nghìn đồng/tạ. Nhờ tinh thần chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò, trách nhiệm, HND đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc động viên, cổ vũ, hỗ trợ HVND phát triển kinh tế.
Một hiệu quả rõ nét khác của phong trào "Dân vận khéo” chính là sự chung tay vào cuộc của cán bộ, hội viên nông dân trong XDNTM. Đến thôn Thùy Sơn, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình hỏi chị Bùi Thị Phượng ai cũng biết đến. Đi nhiều nơi, viết về nhiều tấm gương hiến đất làm đường giao thông nông thôn nhưng người hiến hơn 1000 m2 đất như chị Phượng thì quả thật ít thấy.
"Bê tông hóa đường giao thông nông thôn người và xe đi lại thuận tiện, con cháu mình đi học nhanh hơn, bố mẹ không còn phải vất vả đưa đón… Nhất là, sau khi được cán bộ HND tuyên truyền, vận động, hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của việc XDNTM, bà con trong thôn ai cũng vui vẻ, phấn khởi, sẵn sàng tham gia, vậy thì cớ gì mà tôi không hiến đất, chỉ là hiến nhiều hơn mọi người một chút thôi” - Chị Phương cười khiêm tốn.
Xây dựng lề lối, phong cách làm việc "gần dân, sát dân”; đảm bảo mỗi cấp Hội xây dựng ít nhất một mô hình "Dân vận khéo”; thực hiện tốt phương châm "Hướng về cơ sở - những việc gì có lợi cho nông dân thì Hội xắn tay vào làm” - đó là những giải pháp hiệu quả, đồng bộ tạo nên phong trào thi đua "Dân vận khéo” hết sức sôi nổi thời gian qua của HND tỉnh.
Theo thống kê của HND tỉnh, chỉ riêng trong năm 2017, các cấp HND tỉnh đã vận động HVND đóng góp gần 70.000 ngày công lao động; hơn 8 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp trên 4.800 km đường giao thông liên thôn; sửa chữa, nạo vét 390km kênh mương nội đồng.
HND tỉnh trực tiếp và phối hợp xây dựng 150 mô hình "Dân vận khéo” gắn với XDNTM, tiêu biểu như: mô hình đường tự quản của HND phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ; mô hình xử lý rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật của HND xã Lang Thíp, huyện Văn Yên; mô hình xây dựng khu dân cư văn hóa thôn Trung Tâm, HND xã Xuân Lai, huyện Lục Yên; mô hình Câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật” tại các huyện: Yên Bình, Trấn Yên, Văn Chấn…; mô hình Chi hội Nông dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc tại khu dân cư Hồng Phong, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái…
Những năm qua, HND tỉnh luôn bám sát cơ sở, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình sản xuất, phối hợp xây dựng các mô hình theo hướng "cầm tay chỉ việc” giúp hội viên nông dân tiếp cận khoa học, kỹ thuật, tận mắt thấy những mô hình hay, làm tốt để học tập và làm theo.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ hội viên liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa; tham gia xây dựng các tổ hợp, hợp tác xã, chi tổ hội nghề nghiệp. Đến nay, HND tỉnh đã trực tiếp và phối hợp hướng dẫn thành lập và duy trì 57 mô hình hợp tác xã, 217 mô hình tổ hợp tác, xây dựng 69 mô hình hỗ trợ nông dân với 652 hộ tham gia.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới, Ban Thường vụ HND tỉnh còn luôn quan tâm, chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo” gắn với việc "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua của Hội. Nhờ làm tốt "Dân vận khéo” mà hội viên trong tỉnh ngày càng tin tưởng và gắn bó hơn với tổ chức Hội. Hàng năm, các cấp Hội đã vận động, kết nạp từ 4.000 - 5.000 hội viên mới, đưa tổng số hội viên lên 109.000 người.
Ông Hoàng Hữu Độ - Chủ tịch HND tỉnh khẳng định: "Với phương châm "khéo” tập hợp, "khéo vận động”, tập trung giải quyết những việc khó, những việc mới nảy sinh, phong trào "Dân vận khéo” đã và đang phát huy quyền làm chủ của hội viên trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, cơ sở vững mạnh”.
Đặc biệt, trong những chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, các cấp Hội đã đẩy mạnh liên kết "4 nhà”, tăng cường hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề…
Hội đã ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội và tín chấp Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho trên 30.000 hộ nông dân vay với tổng dư nợ trên 1.000 tỷ đồng; nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt gần 9 tỷ đồng; phối hợp tổ chức trên 1.000 buổi tập huấn khoa học, kỹ thuật, 100 lớp dạy nghề…
Sức lan tỏa của phong trào thi đua "Dân vận khéo” của các cấp HND tỉnh thời gian qua đã tạo sự đoàn kết, thống nhất trong hệ thống Hội, sự đồng thuận của cán bộ, hội viên nông dân trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, XDNTM tại địa phương.
Mai Linh