Phong trào thi đua “Dân vận khéo” (DVK) được hệ thống chính trị xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) quan tâm tổ chức thực hiện, các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình DVK mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực; trong đó, có lĩnh vực kinh tế- xã hội, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân.
Theo đồng chí Nguyễn Phương Đông, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Trưởng Khối vận xã, năm 2017, Khối vận đã phát động nâng chất và nhân rộng 6 mô hình, xây dựng mới 4 mô hình DVK. Trong đó có mô hình Câu lạc bộ (CLB) trồng nhãn ở ấp Nhơn Phú 1, do Hội Nông dân xã vận động, xây dựng năm 2014, với 15,6ha. Theo ông Phạm Văn Lơ, Chủ nhiệm CLB trồng nhãn ấp Nhơn Phú, được các cán bộ Hội nông dân xã vận động, hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, ông và các thành viên trong CLB đã chuyển từ nhãn tiêu da bò sang trồng nhãn IDO. Ông Lơ ước tính, với nhãn IDO, gia đình ông có thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm, còn lúc trồng nhãn tiêu da bò thu nhập chỉ hơn 100 triệu đồng/năm. Ông Lơ nói: “Nhờ hoạt động hiệu quả, CLB đã hoàn thành các thủ tục cần thiết để thành lập hợp tác xã Nhãn Nhơn Nghĩa, với 39 thành viên, diện tích sản xuất 31,5ha”.
Thi đua DVK, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã vận động hội viên và nhân dân thành lập Tổ hợp tác (THT) làm vườn ở ấp Nhơn Thành. Theo Thường trực Hội CCB xã, việc vận động, thành lập THT là nhằm tập hợp hội viên vào tổ chức, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp hội viên quen dần với cách làm ăn tập thể. Ban đầu, THT chỉ có 7 thành viên (trong đó có 6 hội viên CCB), với diện tích sản xuất 5ha. Ông Trần Văn Quí, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, cho biết: “Các thành viên trong THT trồng xen canh các loại cây chủ yếu: cam xoàn, cam mật, chanh không hạt, hạnh… nên lúc nào cũng có thu nhập. Từ khi thành lập đến nay, các thành viên trong THT tích cực tham gia lao động, tăng gia sản xuất, tình làng nghĩa xóm càng gắn bó hơn. Đến nay, THT có 30 thành viên tham gia, với diện tích sản xuất 28ha”.
Mô hình làm vườn của ông Lê Quang Lương, thành viên THT đang phát huy hiệu quả. Ông Lương cho biết: “Các thành viên THT cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, cách phòng ngừa dịch bệnh trên cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Các thành viên còn góp vốn không lãi hỗ trợ nhau chi phí sản xuất, giúp nhau ngày công thu hoạch, vét sình… Từ đó, mọi người càng đoàn kết, gắn bó”. Trước đây, với 1ha đất vườn, ông Lương trồng ổi xen cam xoàn, cam sành, cam mật. Khi ổi già cỗi, ông đốn để trồng hạnh, đu đủ. Năm 2017, vườn cam cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Năm 2018, ước tính huê lợi từ cam, đu đủ hơn 100 triệu đồng.
Trong quá trình vận động nhân dân thực hiện các mô hình VDK, vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên được phát huy. Nổi bật như ông Nguyễn Văn Huyền, Chi Hội trưởng CCB ấp Nhơn Thành. Những năm gần đây, do ổi giá thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên ông Huyền đốn dần vườn ổi để trồng chanh, hạnh trên diện tích 1ha, bước đầu có thu nhập hơn 80 triệu đồng/năm. Do diện tích bờ lớn nên ông quyết định trồng thêm 300 gốc cam mật. Ông Huyền cho biết: “Là cán bộ, mình phải gương mẫu đi đầu mới vận động được bà con hưởng ứng theo. Hiệu quả kinh tế vườn của mình không cao thì khó thuyết phục bà con lắm”.
Theo đồng chí Nguyễn Phương Đông, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy kiêm Trưởng Khối vận xã Nhơn Nghĩa, Thường trực Đảng ủy sẽ tiếp tục lựa chọn đăng ký các mô hình DVK thiết thực gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong đó, tập trung nâng chất và nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả cao để tạo sự lan tỏa trong xã hội về thi đua thực hiện các mô hình DVK trên các lĩnh vực.
Thanh Thy