Chủ Nhật, 12/1/2025
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở huyện Cẩm Thủy

 Mô hình kinh tế của gia đình bà Nguyễn Thị Lựu, thôn Phúc Ngọc, xã Cẩm Ngọc mang lại hiệu quả kinh tế cao

Đồng chí Phạm Thị Nhàn, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Cẩm Thủy cho biết: Hàng năm, ngay từ đầu năm, ban dân vận huyện ủy xây dựng kế hoạch, nội dung, biện pháp, triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đến cơ sở, đồng thời chọn điểm chỉ đạo, hướng dẫn các tiêu chí làm cơ sở đánh giá phong trào thi đua trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Hệ thống dân vận từ huyện đến cơ sở không ngừng đổi mới về nội dung, phương thức vận động theo phương châm sát dân, gần dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở huyện Cẩm Thủy thực sự trở thành phong trào sôi nổi, có sức lan tỏa sâu rộng. Các mô hình “Dân vận khéo” đã tập trung vào vấn đề người dân quan tâm, phù hợp với các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và thực tế địa phương.

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tạo sự đồng thuận gắn bó giữa cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể với quần chúng nhân dân, từ đó động viên nhân dân tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Các mô hình “Dân vận khéo” trong nông nghiệp đã vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thực hiện cánh đồng mẫu lớn; phát triển trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung với quy mô lớn có giá trị kinh tế cao. Toàn huyện có 34 trang trại đạt tiêu chí và 267 gia trại chăn nuôi tổng hợp. Tại các xã: Cẩm Long, Cẩm Quý có 2 khu trang trại chăn nuôi tập trung, mỗi khu có 4 trang trại với 1.200 lợn nái ngoại/khu, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Bên cạnh việc phát triển kinh tế thì trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, phong trào “Dân vận khéo” cũng đã từng bước làm thay đổi nhận thức của nhân dân về thực hành tiết kiệm, giữ gìn nét đẹp văn hóa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình, cách làm “Dân vận khéo” của các tập thể, cá nhân đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm của cộng đồng dân cư. Điển hình là thực hiện Nghị quyết số 04 và 05 của Tỉnh ủy, ban dân vận huyện ủy phối hợp với UBND huyện, các ngành liên quan tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền; tổ chức ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm đến từng hộ dân. Qua đó, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, của nhân dân về tầm quan trọng của công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiều mô hình được nhân rộng như: Mô hình thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh đồng ruộng của hội nông dân; phong trào xây dựng lò đốt rác thủ công tại gia đình, mô hình chi hội phụ nữ nói không với túi ni lông, mô hình phụ nữ tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm, đường hoa đẹp của hội LHPN, đoạn đường tự quản của hội cựu chiến binh; các hoạt động hưởng ứng ngày môi trường thế giới của đoàn thanh niên... thu hút được sự tham gia tích cực của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Nhờ vậy, môi trường trong khu dân cư, cơ sở sản xuất từng bước khắc phục các điểm ô nhiễm, không phát sinh các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn năm 2017 đạt 75% (đạt 129,31%) so với kế hoạch tỉnh giao.

Một trong những hiệu quả rõ nét của phong trào “Dân vận khéo” đó là sự vào cuộc, chung tay của nhân dân trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Với nhiều cách làm sáng tạo, khéo léo trong tuyên truyền, vận động nên cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở và các tổ chức hội đã khơi dậy được truyền thống yêu nước, phát huy được tinh thần, trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Nhờ dân vận khéo mà các lực lượng chức năng đã kịp thời ngăn chặn nhiều vụ vi phạm pháp luật, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội. Tiêu biểu như các mô hình: Tuyên truyền, vận động nhân dân không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không vi phạm về trật tự an toàn giao thông; vận động đồng bào công giáo tham gia xây dựng xứ đạo bình yên, họ đạo tiên tiến; mô hình tự quản về an ninh trật tự tại các thôn, làng, tổ dân phố...

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở huyện Cẩm Thủy đã phát huy được hiệu quả trong việc khơi dậy nội lực của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn huyện vững mạnh toàn diện.

Nguồn: baothanhhoa.vn, 10/4/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất