Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện Nho Quan (Ninh Bình) được cấp uỷ, chính quyền các địa phương, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có những bước chuyển mạnh mẽ cả về số lượng cũng như chất lượng, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.
Huyện Nho Quan hiện có 198 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Trong đó nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” về phát triển kinh tế, nhất là phát triển kinh tế hộ gia đình làm thương mại, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, nâng cao năng suất, sản lượng; dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng gắn với tích tụ ruộng đất quy hoạch sản xuất... bước đầu đã cho kết quả như: Mô hình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng gắn với chăn nuôi của Khối Dân vận xã Đồng Phong (trồng khoai sọ Nhật, chăn nuôi gà Đông Tảo, nuôi thủy sản...); mô hình vận động nhân dân trồng rau sạch, rau an toàn của xã Gia Tường, thị trấn Nho Quan; mô hình một lúa - một vụ cá và chăn nuôi gia súc của xã Sơn Thành, Lạng Phong, Gia Lâm; nổi bật là mô hình “Phụ nữ tiết kiệm từ thu gom phế liệu thải” của Hội Phụ nữ xã Đồng Phong...
Nhiều mô hình, cách làm “Dân vận khéo” của các tập thể, cá nhân có sức lan toả nhanh trong cộng đồng dân cư như mô hình “Thắp sáng đường quê” của Đoàn Thanh niên huyện; mô hình vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm điện, an toàn của Điện lực Nho Quan; mô hình thu gom rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường và “5 không, 3 sạch” của Hội phụ nữ huyện; mô hình vận động con cháu có trách nhiệm với ông bà, cha mẹ và xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư của Uỷ ban MTTQ huyện; mô hình vận động nhân dân tự giác thực hiện nếp sống văn minh ở khu du lịch của Vườn Quốc gia Cúc Phương; mô hình vận động nhân dân hiến đất, chung tay xây dựng nông thôn mới của xã Đức Long, Gia Sơn, Gia Tường, Xích Thổ.
Trong lĩnh vực an ninh- quốc phòng đã xuất hiện nhiều mô hình với cách làm hay, phong phú như mô hình đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới của Công an huyện; mô hình vận động thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự, huấn luyện dân quân, tham mưu phối hợp vận động các loại quỹ phục vụ chính sách hậu phương quân đội của Ban CHQS thị trấn Nho Quan; mô hình tổ an ninh tự quản do Hội Cựu chiến binh làm chủ của Chi hội Cựu chiến binh thôn 10, xã Gia Lâm... Qua đó đã phát huy trách nhiệm của nhiều lực lượng trong đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trên địa bàn huyện.
Được biết để thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức phát động và triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong hệ thống chính trị, chỉ đạo đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” của địa phương, đơn vị gắn với các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, của huyện… Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác dân vận, đẩy mạnh công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần làm cho nhân dân tin tưởng thi đua lao động, đẩy mạnh phát triển sản xuất.
Đáng ghi nhận là Ban chỉ đạo phong trào thi đua “Dân vận khéo” cấp huyện đã chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với chủ đề năm 2017 “Nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu”; Kết luận số 631 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 12 ngày 05/12/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng ở cơ sở trong tình hình hiện nay”; Nghị quyết số 17 ngày 05/7/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Một số nội dung chủ yếu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ thôn, bản, tổ dân phố”.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực được phân công phụ trách đã chủ động lựa chọn, đăng ký xây dựng mô hình “Dân vận khéo” của đơn vị mình; đồng thời hướng dẫn cơ sở được phụ trách đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy vai trò nòng cốt, gương mẫu của đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, khảo sát việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” để kịp thời hướng dẫn các mô hình, điển hình hoạt động có hiệu quả; đánh giá, rút kinh nghiệm, phổ biến, giới thiệu và nhân rộng những mô hình hoặc những cách làm “Dân vận khéo” đã phát huy hiệu quả thực sự ở cơ sở để đưa phong trào thi đua phát triển cả bề rộng và chiều sâu.
Quan tâm chỉ đạo trong việc lựa chọn xây dựng điểm mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, phù hợp với điều kiện của địa phương, phù hợp với tiêu chí mô hình “Dân vận khéo” để thực hiện. Đẩy mạnh việc xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, thực hiện Quy chế giám sát, phản biện xã hội, Quy chế dân chủ ở cơ sở; tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh; tổ chức đối thoại trực tiếp với các tầng lớp nhân dân; thực hiện công tác cải cách hành chính, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh du lịch, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội…
Xuân Trường/Báo Ninh Bình online