Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 1.000 điển hình dân vận khéo. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” có sức lan tỏa trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới, hàng chục nghìn m2 đất, hàng vạn ngày công, với giá trị hàng trăm tỷ đồng được nhân dân tự nguyện hiến để sử dụng làm đường, nhà văn hóa, các công trình công cộng, xây dựng các công trình phúc lợi.
|
Cán bộ thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn (Bình Liêu) tuyên truyền, vận động người dân
về mô hình “Khéo vận động nhân dân thôn Khe Tiền xây dựng nhà tiêu đảm bảo vệ sinh” |
Các mô hình “dân vận khéo” đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ, tính tích cực, chủ động của nhân dân góp phần vào công tác giảm nghèo, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, hình thành nếp sống văn minh, giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc cho nhân dân. Một số mô hình, điển hình nổi bật như “Khéo vận động nhân dân lên bờ sinh sống để giữ gìn cảnh quan, môi trường Vịnh Hạ Long”, “khéo vận động giáo xứ và đồng bào công giáo tham gia tự quản đường biên mốc giới”, “khéo vận động nhân dân thắp sáng đường quê”, “Thanh niên phát triển kinh tế nuôi trồng thủy sản, trồng và bảo vệ rừng ngập mặn”, điển hình về hiến đất làm đường của tập thể UBND phường Việt Hưng (TP Hạ Long) với giá trị trên 400 tỷ đồng, dân vận khéo trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án lớn như Cảng hàng không Quảng Ninh, cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, dân vận khéo trong cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...
Thực tế cho thấy, phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, trở thành phong trào thường xuyên, liên tục, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Các mô hình đều xuất phát, xây dựng từ cơ sở và mang lại những hiệu quả tích cực cho người dân nên đã nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân.
Điển hình như năm 2012, Dự án Ứng dụng công nghệ để phát triển vùng sản xuất rau an toàn tại TX Quảng Yên (kinh phí trên 35 tỷ đồng) đã được UBND tỉnh phê duyệt, giao cho TX Quảng Yên làm chủ đầu tư. Với thế mạnh về nguồn nước sạch và chất đất, xã Tiền An được lựa chọn để triển khai. Ban đầu, HTX Sản xuất rau an toàn Tiền An đã thực hiện các mô hình sản xuất, xây dựng được 9 nhà lưới có tổng diện tích 5.400m2 để sản xuất giống rau, phục vụ sản xuất trong vùng dự án, xây 20 bể chứa nước, 20 hố thu gom rác thải. Để mở rộng dự án, việc huy động nhân dân tham gia là việc làm hết sức cần thiết, tuy nhiên, do thói quen canh tác và chi phí đầu tư cao, “đầu ra” của rau an toàn còn bấp bênh, nhiều nông dân trên địa bàn không mặn mà với rau an toàn. Trước tình trạng này, xã Tiền An đã triển khai mô hình “Khéo vận động nhân dân tham gia sản xuất rau an toàn ở xã Tiền An”. Trong đó, xã đã vận động nhân dân chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau, mở các lớp tập huấn kỹ thuật, quy trình trồng rau an toàn, cung cấp giống cho bà con... Thấy được hiệu quả của mô hình, người dân trong xã đã tích cực hưởng ứng, đầu tư công sức, kinh phí trồng rau an toàn. Đến nay, Tiền An đã có hơn 200ha trồng rau an toàn.
Chị Đàm Thị Thơ, xóm Đình, xã Tiền An, cho biết: Trước đây không hiểu nhiều về hiệu quả khi trồng rau an toàn nên không tham gia. Sau khi cán bộ xã, huyện vận động, thuyết phục, cầm tay hướng dẫn nên mới xuôi và nghe theo. Giờ thì cả xã trồng rau và cũng là những nông dân trồng rau chuyên nghiệp.
Với hơn 1.000 mô hình dân vận khéo được triển khai mỗi năm, Quảng Ninh đã lựa chọn đúng và trúng những vấn đề được đông đảo người dân quan tâm và khéo léo vận động tuyên truyền để nhân dân cùng thực hiện. Qua đó, huy động được sức mạnh toàn dân tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành một đầu tàu kinh tế trên vùng Đông Bắc.
Nguồn: baoquangninh.vn, 8/6/2018