Chủ Nhật, 12/1/2025
Dân vận khéo, giải phóng mặt bằng nhanh

Bài 1: Tháo gỡ nút thắt trong giải phóng mặt bằng

Khéo trong vận động, linh hoạt trong cách làm

Ông Lê Văn Thắng, Bí thư Chi bộ Khu phố 8, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh dường như vẫn còn giữ nguyên cảm xúc ngổn ngang và trăn trở khi chia sẻ với chúng tôi về những ngày làm dân vận giải phóng mặt bằng dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ (QL) 1 đoạn qua địa bàn huyện vào năm 2013. Dự án này đi qua 4 xã là Trung Sơn, Gio Phong, Gio Châu, Gio Quang và thị trấn Gio Linh, dài gần 13 km với 1.220 đối tượng bị ảnh hưởng, khoảng hơn 397 km2 đất được thu hồi để thực hiện dự án, trong đó địa bàn khu phố 8 có 16 hộ dân bị ảnh hưởng.


 Tấm gương tự nguyện hiến đất, dỡ bỏ bờ rào để mở rộng đường của ông Nguyễn Văn Nam, ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt được nhiều người biết đến

Thời điểm đó, ban đầu nhiều hộ dân không đồng ý với mức giá đền bù của nhà nước nên việc vận động gặp nhiều khó khăn. Một số người dân còn bị tác động bởi sự xúi giục của người ngoài nên nhất định không hợp tác với chính quyền và những người làm công tác dân vận. Hiểu được tâm lý “tiếc của” của người dân khi đất đai của gia đình ở ngay mặt tiền quốc lộ, có giá trị sử dụng lớn nên muốn nhà nước áp giá đền bù cao, trong những lần tiếp xúc với các hộ dân, ông Thắng chia sẻ với mọi người câu chuyện của chính gia đình mình. Đó là thời điểm năm 1976, gia đình ông Thắng nằm trong diện GPMB để huyện xây dựng cửa hàng thương nghiệp. Thời điểm đó, đất của gia đình ông nằm ở mặt tiền, có diện tích sử dụng 2.500 m2 nhưng không suy tính thiệt hơn, ông nghĩ là người dân thì phải chấp hành và ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. “Lúc bấy giờ, gia đình quá khó khăn, tôi chỉ xin hỗ trợ 1.000 đồng để có kinh phí phục vụ những người phá dỡ nhà, trả mặt bằng cho đơn vị thi công. Câu chuyện của gia đình tôi được nhiều người dân sinh sống ở thị trấn này biết nên khi nghe tôi chia sẻ, nhiều người rất đồng tình. Tôi cũng tâm tình với bà con rằng, bây giờ nhà nước có chủ trương đền bù cho mình số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí cấp đất tái định cư nếu hộ dân nào bị ảnh hưởng toàn bộ diện tích đất thì tại sao mình lại không hợp tác, mà đường mở rộng cũng để cho bộ mặt quê hương đẹp đẽ khang trang hơn. Từ câu chuyện đó, nhiều người dân thấy có lý, thấy đúng và tự giác chấp hành”. Trong công tác dân vận, ông Thắng có phương pháp riêng mà không phải ai cũng kiên trì làm được, đó là với những hộ khó khăn thì phải đi nhiều lần, chọn thời điểm buổi tối, chọn lúc thời tiết không thuận lợi như mưa to, gió lớn mà đi để người dân thấy được sự nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ dân vận với công việc chung mà tích cực hợp tác. “Khổ cực một chút mà thành công”, ông vẫn thường tâm niệm như vậy. Chỉ trong vòng 1 tháng, người dân khu phố 8 đã giao mặt bằng đúng tiến độ mà không có bất cứ sự cản trở nào.

Trong thực hiện GPMB thi công mở rộng nâng cấp tuyến QL 1, huyện Gio Linh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tích cực tuyên truyền vận động, bám sát chỉ đạo và thực hiện “5 đúng” trong công tác GPMB là đo đạc, quy chủ, kiểm kê, áp giá và chi trả tiền đền bù đúng, nơi nào khó khăn thì tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời nên đã được người dân đồng tình cao và nghiêm túc chấp hành. Nhờ vậy nên mặc dù thực hiện dự án trong thời gian ngắn và đối tượng bị ảnh hưởng lớn, diện tích đất đai thu hồi nhiều nhưng công tác GPMB dự án nâng cấp, mở rộng QL 1 đoạn qua huyện Gio Linh (với độ dài hơn 13 km, 1.000 đối tượng bị ảnh hưởng) hoàn thành nhanh nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Không chỉ đối với GPMB dự án nâng cấp, mở rộng QL 1, công tác dân vận trong GPMB ở Gio Linh còn được triển khai có hiệu quả ở các tuyến đường, công trình trọng điểm như đường T100 nối QL 1 đi Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đường 2/4, đường trung tâm thị trấn đi các xã phía nam, công trình trụ sở UBMTTQ huyện… Ông Hoàng Đình Nam, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Gio Linh, cho biết: Đường T100 là một trong những công trình trọng điểm của địa phương. Yêu cầu đặt ra là phải khẩn trương trong công tác giải phóng mặt bằng để thi công, trong khi tuyến đường mở rộng có chiều dài 13 km và có khoảng 400 hộ dân bị ảnh hưởng. Lúc đầu 1/3 số hộ dân nằm trong diện GPMB gây khó khăn, sau quá trình vận động thì giảm dần và cuối cùng chỉ có một hộ dân không đồng ý giao nhận mặt bằng. Với hộ dân này, mặt trận và các đoàn thể vừa kiên trì, vừa linh hoạt trong vận động trong suốt một thời gian dài, đến tháng 5/2018, hộ cuối cùng trong diện GPMB tuyến đường T100 đã đồng ý ký giao nhận mặt bằng.

Công tác giải phóng mặt bằng ở thị trấn Cửa Việt cũng là một trong những mô hình khéo trong vận động, linh hoạt trong cách làm. Ông Bùi Thúy, Bí thư Đảng ủy thị trấn, cho biết: Khi thị trấn triển khai việc mở rộng, nâng cấp khoảng 2 km các tuyến đường Ngô Quyền và Bùi Dục Tài, có khoảng 100 hộ dân bị ảnh hưởng. Ban đầu, khi tiếp nhận chủ trương, rất nhiều hộ dân không đồng tình hiến đất mở rộng đường. Tuyến đường tuy không dài nhưng điểm khó trong GPMB nằm ở chỗ phần lớn đất thuộc diện giải tỏa thuộc phạm vi sổ đỏ của người dân, trong đó có nhiều hộ đã xây tường rào nên không đồng ý với chủ trương giải tỏa. Hơn nữa, nghề chính của người dân là đi biển nên thời điểm đi vận động cũng gặp khó khăn. Nắm được tình hình chung, cấp ủy xã đã thống nhất giao nhiệm vụ cho các ban, ngành, đoàn thể, các chi bộ họp với tổ dân vận khu phố, vận động người dân giao nhận mặt bằng. Phương pháp vận động được đưa ra đó là phải đánh vào tâm lý của người dân, so sánh giữa khó khăn và thuận lợi của việc giữ nguyên hiện trạng con đường và mở rộng, thảm nhựa để người dân thuận tiện trong việc ra biển đánh bắt và vận chuyển hàng hóa, thủy hải sản. Đặc biệt, việc lấy gương sáng người dân để lan tỏa tinh thần tự nguyện trong dân được chính quyền địa phương áp dụng thành công, mà trường hợp ông Nguyễn Văn Nam, ở khu phố 5 là một ví dụ. Ông Nam là người tự nguyện hiến 33 mét đất chiều dọc, sâu 4 mét và dỡ bỏ hàng rào có kinh phí xây dựng 30 triệu đồng. Điều đáng nói, hoàn cảnh kinh tế của gia đình ông Nam còn khó khăn. Thu nhập chính của gia đình từ nghề biển nhưng nhiều năm nay, do bị đau cột sống nên ông Nam không còn đi biển. Ông chia sẻ: “Nhà nước đã bỏ ra khoản tiền lớn đầu tư làm đường cho dân đi thì dù hiến từng đấy đất hay nhiều hơn nữa, tôi cũng thực hiện để thôn xóm mình có con đường khang trang rộng rãi. Phải chắt chiu lắm gia đình mới có đủ tiền xây hàng rào nên khi đập bỏ, tôi phải thuyết phục vợ con dữ lắm. Tôi tính sắp tới tiếp tục nuôi lợn, trồng dưa, dành dụm lúc nào có đủ lại xây tường rào”. Tấm gương của ông Nam được đưa ra biểu dương tại các cuộc họp dân, tác động không nhỏ đến tâm lý của người dân không chỉ trong diện GPMB. “Với cách làm đó, tất cả các hộ dân đồng tình hiến đất làm đường. Thậm chí, như tuyến đường Phạm Văn Đồng, vào thời điểm chưa có vốn để đền bù nhưng người dân vẫn chấp nhận ký đơn cho làm trước, đền bù sau”, ông Thúy cho biết thêm.

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu

Về các xã Hải An, Hải Khê của huyện Hải Lăng những ngày này, tìm hiểu công tác liên quan đến giải phóng mặt bằng để xây dựng các dự án trọng điểm của tỉnh là Nhà máy Nhiệt điện 1 Quảng Trị, dự án đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (đoạn qua huyện Hải Lăng), dự án cảng nước sâu Mỹ Thủy, khu tái định cư Hải Khê mới thấy giữa bộn bề công việc cần giải quyết, lòng dân đã cơ bản đồng thuận.


Người dân thị trấn Gio Linh tham gia giải tỏa mặt bằng để triển khai dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường trung tâm của thị trấn
Ông Nguyễn Quốc Danh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hải An, cho biết: “Đối với các dự án trọng điểm của tỉnh liên quan đến địa phương, xã đã cử các thành viên làm công tác dân vận bám sát cơ sở để nắm thông tin, ra thông báo họp dân để công khai về quy hoạch, đối thoại với dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân để có biện pháp kịp thời giải quyết vướng mắc. Đặc biệt chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động ở thôn Đông Tân An, nơi có hơn 300 hộ dân với tổng số lăng, mộ, nhà bia buộc phải di dời là 130. Hiện nay, xã đã cơ bản hoàn thành việc quy chủ lăng mộ, đất rừng liên quan dự án, đồng thời tập trung chỉ đạo giải phóng mặt bằng để thi công đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, đoạn qua xã Hải An, phấn đấu đến 30/6/2018 sẽ bàn giao 70% mặt bằng đường trung tâm như kế hoạch của tỉnh, của huyện”.

Trên thực tế, trong công tác GPMB, di dời lăng mộ và áp giá hỗ trợ cho việc di dời lăng mộ là một việc hết sức phức tạp vì liên quan đến vấn đề tâm linh của người dân. Đứng trước khó khăn trên, Đảng bộ xã Hải An đã xây dựng bản đăng ký làm theo của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu trong việc vận động người thân, gia đình thực hiện di dời lăng, mộ trong diện giải phóng mặt bằng. Trong dự án này, đồng chí Trưởng thôn Đông Tân An nhận trách nhiệm vận động người thân di dời ngôi mộ tổ của họ Đặng, đồng chí Trưởng công an thôn Mỹ Thủy nhận trách nhiệm vận động người thân di dời một ngôi mộ liên quan, hay đồng chí Phó bí thư Đảng ủy xã nhận trách nhiệm vận động người thân trong dòng họ di dời một ngôi mộ tổ và 3 cái lăng. Vừa qua, xã Hải An đã công khai sơ bộ mức giá hỗ trợ việc di dời lăng mộ, niêm yết tại các điểm công cộng để người dân tiện theo dõi. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các hộ dân đều cơ bản đồng thuận, một số hộ dân đã chủ động tìm địa điểm để chuẩn bị thực hiện di dời lăng mộ. Ông Nguyễn Văn Kiềm, ở thôn Đông Tân An, cho biết: “Được tuyên truyền về việc di dời mồ mả để xây dựng đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đồng thời mong muốn chính quyền sẽ có mức hỗ trợ hợp lý cho người dân để thực hiện việc cất bốc, di dời lăng mộ thuận lợi”.

Liên quan đến dự án nhà máy Nhà máy Nhiệt điện 1 Quảng Trị được xây dựng tại địa bàn xã Hải Khê, có 250 hộ dân của xã nằm trong diện GPMB, trong đó giai đoạn 1 có 11 hộ dân ở thôn Trung An di dời lên khu tái định cư. Do đó, có hai vấn đề liên quan đến công tác vận động người dân mà xã Hải Khê tập trung làm, đó là đưa dân lên khu tái định cư và kiểm tra việc cơi nới, xây mới công trình đối với các hộ chưa di dời. Khu tái định cư cách biển khá xa, mỗi hộ dân trong diện di dời được cấp 400 m2 , trong khi đất đai nơi ở mới không phù hợp với việc trồng trọt, chăn nuôi và người dân thì đã gắn bó với nghề biển bao đời. Để an lòng dân, người đứng đầu cấp ủy xã đứng ra cam kết: “Nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ”. Thực hiện cam kết, xã đã khảo sát nhu cầu từng hộ gia đình, tập hợp ý kiến đề xuất lên huyện về việc xây dựng một khu neo đậu phía dưới khu tái định cư; xây dựng hệ thống giao thông nối từ khu tái định cư xuống biển để thuận lợi cho việc mua bán, vận chuyển của bà con. Nhờ đó, tất cả các hộ dân đều tự nguyện di dời. Vấn đề còn lại, xã Hải Khê phân công từng cán bộ xã phụ trách kiểm tra, giám sát việc cơi nới, xây mới tại khu vực nằm trong diện GPMB còn lại. “Hai năm nay, hễ thấy nhà dân nào trong vùng quy hoạch chở vật liệu về, dù chỉ một bao xi măng, chúng tôi cũng cử người đến tìm hiểu và vận động các hộ dân không thực hiện xây dựng, cơi nới nhà cửa”, ông Nguyễn Đức Nhân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hải Khê, cho biết.

Bài 2: Từ thực tiễn đến chủ trương đúng đắn

Thực tế từ việc giải phóng mặt bằng (GPMB) ở một số địa phương trong tỉnh Quảng Trị cho thấy, GPMB để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội không thể làm tốt nếu thiếu vai trò của công tác dân vận. Dân vận khéo thì công tác GPMB nhanh. Nếu vận dụng linh hoạt và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì các vấn đề khó khăn, phức tạp đều có thể từng bước được giải quyết thấu đáo, không để phát sinh thành điểm “nóng”. Từ thực tiễn trên, những năm qua tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn để tăng cường và phát huy hiệu quả của công tác dân vận trong GPMB.

Từ thực tiễn về công tác giải phóng mặt bằng...

Câu chuyện về việc gỡ những “nút thắt” trong GPMB ở các huyện Gio Linh, Hải Lăng như đề cập ở bài “Tháo gỡ những “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng” là minh chứng rõ nhất về vai trò của dân vận trong GPMB trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác dân vận trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh.

Nhờ làm tốt công tác GPMB, nhiều công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, Trung ương trên địa bàn như Nhà Văn hóa trung tâm; công trình Thủy lợi - Thủy điện Rào Quán; Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, Khu công nghiệp Nam Đông Hà; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Trị…được xây dựng và đưa vào hoạt động đúng tiến độ, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác vận động thông qua tiếp xúc, đối thoại với dân, tìm hiểu và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân được chú trọng nên đã có sự thống nhất trong tuyên truyền, vận động, giải thích đến từng hộ dân, giúp người dân hiểu rõ chủ trương, chính sách liên quan đến công tác thu hồi, giải tỏa, đền bù, hỗ trợ, tái định cư…Từ đó, đa số hộ dân bị ảnh hưởng từ việc GPMB thực hiện các công trình, dự án đều chấp hành khá tốt việc di dời, nhận tiền đền bù bàn giao đất, tạo điều kiện cho các công trình, dự án thực hiện đúng tiến độ, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư. Trong nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn Quảng Trị rất ít trường hợp phải dùng đến biện pháp cưỡng chế.

Tuy nhiên, thực tế quá trình triển khai GPMB trên địa bàn còn phát sinh nhiều khó khăn. Hằng năm, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đền bù, GPMB chiếm trên 70% tổng số đơn khiếu nại, tố cáo. Nội dung đơn khiếu nại tập trung chủ yếu vào một số vấn đề liên quan đến việc xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, chính sách hỗ trợ đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư, đơn giá bồi thường, hỗ trợ đất và vật kiến trúc…Như vậy, vẫn còn rất nhiều vấn đề liên quan đến GPMB cần được giải quyết thỏa đáng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chưa phát huy hết vai trò dân vận trong GPMB, đó là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, trong đó việc phát huy vai trò cũng như sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở một số khâu trong quy trình GPMT chưa được chú trọng. Ở nhiều dự án, hệ thống dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội còn đứng ngoài cuộc, không nắm bắt đầy đủ thông tin về các dự án quy hoạch, giải tỏa đền bù, chỉ khi xảy ra khiếu nại, khiếu kiện phức tạp thì dân vận, mặt trận và các đoàn thể mới vào cuộc nên hết sức khó khăn trong công tác vận động, giải thích. Một số địa phương, đơn vị còn chưa nghiêm túc trong việc chấp hành và tổ chức thực hiện các quyết định, kết luận, chỉ đạo của tỉnh. Cách giải quyết của một số địa phương chưa linh hoạt, thiếu quan tâm đến quyền và lợi ích thiết thực của người dân. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân về chủ trương, chính sách còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt, cố tình không hợp tác nhằm đòi hỏi quyền lợi cao hơn chế độ, chính sách…

...đến chủ trương đúng đắn

Để thực hiện có hiệu quả công tác GPMB đảm bảo cho việc triển khai các dự án, công trình đúng tiến độ, đồng thời giải quyết tốt các chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân khi nhà nước thu hồi đất, tỉnh Quảng Trị đã có nhiều chính sách, giải pháp tích cực và đồng bộ, nhất là quan tâm đến việc ban hành các chương trình hành động, nghị quyết, quyết định thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ cũng như công tác dân vận trong GPMB.

Gần đây nhất, ngày 20/7/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 659-QĐ/TU phê duyệt đề án “Tăng cường công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Đây là bước thể chế hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quyết định của Bộ Chính trị, Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đổi mới công tác dân vận trong thời kỳ mới. Mục tiêu của đề án nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả công tác dân vận của các tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh về thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời thống nhất quy trình, cách thức tổ chức, phân công nhiệm vụ và sự phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân; nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công tác GPMB. Từ đó đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, làm giảm tình trạng khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện đề án của Tỉnh ủy, nhiều địa phương trong tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai nhằm cụ thể hóa chủ trương của tỉnh, đồng thời nâng cao chất lượng về công tác dân vận trong GPMB phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Huyện ủy Gio Linh đã ban hành Kế hoạch 51/KH/HU về kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Tăng cường công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác này. Ông Nguyễn Chí Trung, Bí thư Huyện ủy Gio Linh, cho biết: Từ trước đến nay, GPMB luôn là một công việc phức tạp bởi hội tụ các yếu tố khách quan và chủ quan. Đối với huyện Gio Linh lại càng khó khăn hơn vì địa phương hạn chế về kết cầu hạ tầng, nhu cầu đầu tư nhiều nhưng kinh phí ít. Vì thế, công tác GPMB được huyện xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Thực hiện Đề án “Tăng cường công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”, ngoài việc ban hành Kế hoạch 51, Ban Dân vận Huyện ủy Gio Linh còn ký quy chế phối hợp với UBND huyện về thực hiện công tác dân vận nhằm tăng cường mối quan hệ giữa dân vận với chính quyền, tạo cơ chế cho dân vận, mặt trận, các đoàn thể tham gia trực tiếp vào công tác GPMB.

Huyện ủy Hải Lăng cũng đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ-HU về “Tăng cường công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng và giải quyết tranh chấp địa giới hành chính”, trong đó đưa ra quan điểm chỉ đạo thực hiện phải có sự phối hợp sức mạnh tổng hợp của nhiều cấp, ngành và đoàn thể nhân dân, dưới sự chỉ đạo tập trung, thống nhất của cấp ủy và chính quyền. Ông Phạm Ngọc Minh, Bí thư Huyện ủy Hải Lăng, cho biết: Hải Lăng quyết tâm hoàn thành việc GPMB đường trung tâm trục dọc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trong quý II/2018 và Nhà máy nhiệt điện 1 Quảng Trị vào Quý I/2019. Để thực hiện các mục tiêu đề ra, chúng tôi xác định cần phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Một trong những giải pháp quan trọng của Nghị quyết 04-NQ-HU là nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, thực hiện tốt công tác dân vận của chính quyền và phát huy vai trò của mặt trận và đoàn thể các cấp. Đến nay, huyện đã hoàn thành việc triển khai nội dung nghị quyết cho chính quyền và người dân 5 xã liên quan đến các dự án trọng điểm trên địa bàn.

Từ thực tiễn trong công tác giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm của tỉnh và các địa phương cho thấy, chủ trương đẩy mạnh công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng là cần thiết và đúng đắn. Lâu nay, công tác dân vận vẫn được áp dụng vào thực tiễn trong giải phóng mặt bằng, tuy nhiên theo ông Hoàng Đình Nam, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Gio Linh: “Trước đây, những người làm dân vận chúng tôi vẫn tham gia vào công tác GPMB tại địa phương nhưng không nắm được nội dung nên có đi vận động thì cũng vận động chung chung. Việc được tham gia từ đầu, đơn cử như việc nắm rõ thông tin dự án sẽ cung cấp cho chúng tôi cách tiếp cận và phương pháp vận động phù hợp, hiệu quả vận động sẽ cao hơn”. Theo ông Nam, hiệu quả bước đầu của việc triển khai thực hiện đề án được thể hiện ở công trình đường 2/4 (một trong những công trình trọng điểm của huyện Gio Linh năm 2018, có kinh phí đền bù thấp). Thực hiện dân vận trong GPMB ở công trình này, UBND huyện Gio Linh thành lập Ban GPMB, trong đó mở rộng thành phần tham gia có mặt trận, các đoàn thể và Ban dân vận. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên bước đầu đã vận động hầu hết người dân trong diện GPMB ký xác nhận kiểm kê, đến thời điểm hiện nay chỉ có 4 hộ chưa ký, trong đó có một số hộ không có mặt ở địa phương. Ban GPMB đang nỗ lực các công đoạn còn lại để cố gắng hoàn thành đúng tiến độ vào tháng 6/2018.

Để đưa Quảng Trị đạt trình độ phát triển trung bình của cả nước vào năm 2020 theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, thời gian tới nhiều công trình, dự án trọng điểm sẽ được triển khai xây dựng trên địa bàn như hệ thống kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế La Lay, Khu du lịch biển Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ, nâng cấp thành phố Đông Hà lên đô thị loại 2…Điều đó cho thấy vấn đề GPMT thời gian tới là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, quyết định đến việc triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Công tác dân vận, vì thế cũng đặc biệt được quan tâm, tăng cường.

Để dân vận trong GPMT tiếp tục phát huy hiệu quả, bên cạnh các giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong GPMB; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, quy trình thực hiện; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, thiết nghĩ cần đề cao giải pháp đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy chính quyền với MTTQ, các đoàn thể và nhân dân. Trong quá trình đi thực tế về công tác dân vận trong GPMB ở các địa phương trong tỉnh, những người làm công tác dân vận đều có chung quan điểm phải làm sao để cho dân hiểu mới là mấu chốt của vấn đề. Quảng Trị là vùng quê cách mạng, trong chiến tranh người dân một lòng đi theo Đảng, trong thời bình cũng một lòng xây dựng quê hương, đất nước. Vấn đề đặt ra là người dân cần phải hiểu đúng, đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tin và đi đến sự đồng thuận cao. Đối thoại trực tiếp với người dân giúp người đứng đầu không những nắm bắt trực tiếp tâm tư, nguyện vọng của dân mà còn bước đầu giải quyết những thắc mắc, kiến nghị của dân theo đúng thẩm quyền của các cấp, ngành chuyên môn. Đây cũng là giải pháp nâng cao trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan, phát huy tinh thần dân chủ, tạo đồng thuận từ cơ sở để chung tay xây dựng quê hương ngày càng vững mạnh.

Thanh Trúc - Phan Hoài Hương/Báo Quảng Trị điện tử

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất