Chủ Nhật, 12/1/2025
Xuân Thọ 2 làm dân vận khéo

Cầm tay chỉ việc

 Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Mặt trận các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, nâng cao ý thức để người dân nỗ lực thoát nghèo. Không chỉ đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, hướng mạnh về cơ sở, cán bộ Mặt trận, chính quyền còn tuyên truyền theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.

“Muốn cho người dân hiểu, nghe, rồi làm theo, xã đã xây dựng các mô hình điểm, nhân rộng ra nhiều nơi. Nhờ đó, khi phát động phong trào, bà con hăng hái tham gia. Tuy nhiên, bước đầu bà con cũng gặp khó khăn nhất định về kỹ thuật, vốn, mặt bằng sản xuất, chăn nuôi. Mặt trận xã tập trung các ý kiến rồi đề đạt những vướng mắc, khó khăn đó lên các cấp chính quyền tìm cách tháo gỡ giúp người dân”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Thọ 2 Bùi Xuân Thư chia sẻ.

 Với vai trò, chức năng của mình, thời gian qua, Mặt trận xã Xuân Thọ 2 đã phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng mở lớp tập huấn để nâng cao hiểu biết về trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân. Bên cạnh đó, để giúp cán bộ Mặt trận nâng cao trình độ hiểu biết, áp dụng vào thực tiễn công tác, Ban Thường trực Mặt trận xã cùng với các tổ chức thành viên cũng tổ chức các đợt tham quan về mô hình phát triển kinh tế ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.

 Đồng thời thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua luôn gắn với giám sát, kiểm tra để giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc. Phát huy tinh thần dân chủ, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn dân, nhiều thôn đã xây dựng được những mô hình để phát triển kinh tế hiệu quả, ngày càng nhân rộng.

 Nhiều mô hình giảm nghèo bền vững

 Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ 2 Lê Văn Khánh, thời gian qua, trên địa bàn xã có nhiều mô hình giảm nghèo rất phù hợp với điều kiện của địa phương như “Sản xuất giống lúa cấp xác nhận”, “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa màu kém hiệu quả vụ hè thu”. Các mô hình này giúp nâng cao năng suất lúa và hoa màu so với trước đây. Riêng mô hình “Sản xuất giống lúa cấp xác nhận” đã đưa năng suất lúa lên 58-60 tạ/ha.

Ngoài 2 mô hình trên, mô hình “Nuôi cầy vòi hương sinh sản” đang có nhiều dấu hiệu khởi sắc, mang lại nguồn thu đáng kể cho người nuôi. Khi triển khai mô hình này, cán bộ Trung tâm Khuyến nông TX Sông Cầu cùng với xã mở lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cầy vòi hương cho các hộ nuôi, đặc biệt là cách xây chuồng trại phù hợp môi trường sống của loài này để chúng không bỏ đi giữa chừng.

 

Mô hình này bắt đầu thực hiện từ tháng 9/2016, có 6 hộ dân ở thôn Triều Sơn tham gia với số lượng lúc đầu nhập về là 24 cá thể. Tổng kinh phí đầu tư gần 266 triệu đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ gần 103 triệu đồng, chiếm hơn 38%; còn lại là vốn do người dân tham gia đóng góp hơn 163 triệu đồng.

Đến nay đã có 17 hộ tham gia nuôi cầy vòi hương sinh sản với tổng số 65 con đang phát triển tốt, trong đó hàng chục con cái chuẩn bị sinh sản tiếp. Đặc biệt, thấy nhiều hộ nuôi thí điểm mang lại hiệu quả cao, 5 hộ dân trong xã đã tự đầu tư toàn bộ kinh phí để nuôi cầy vòi hương.

Ông Nguyễn Văn Hải, chủ một cơ sở nuôi cầy vòi hương nhiều nhất ở đây, cho biết: “Tôi đang sở hữu 11 con, trong đó có 3 con đang mang thai. Tôi thấy nuôi cầy vòi hương không khó vì rất phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đây và chúng rất thân thiện với người. Thức ăn của chúng cũng đơn giản, tận dụng được các nguồn có sẵn tại địa phương như chuối, phổi heo, da bò, trứng vịt…”.

 Cũng theo ông Hải, trong thời gian khoảng 6 tháng, nếu được chăm sóc kỹ lưỡng, cầy vòi hương có thể đạt trọng lượng 3kg/con, giá bán bình quân hiện nay là 700.000/kg. Còn nếu bán cầy giống để sinh sản thì giá trị kinh tế còn cao hơn nhiều. Đầu ra cho sản phẩm này rất rộng. Bởi cầy vòi hương không những cung cấp nguồn thực phẩm cho các nhà hàng làm đặc sản mà còn có giá trị cao trong y dược học, dùng để điều trị bệnh.

 Các mô hình phát triển kinh tế của xã Xuân Thọ 2 được đoàn giám sát về xây dựng nông thôn mới của Ủy ban MTTQ tỉnh đánh giá cao trong số rất nhiều mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn toàn tỉnh. “Không cần phải đầu tư nhiều về công sức cũng như kinh phí, các mô hình này đã tạo việc làm thường xuyên, cho thu nhập ổn định, dễ được nhân rộng ở nhiều nơi trong tỉnh. Chúng tôi thấy, đây là những mô hình nếu được nhân rộng sẽ góp phần giúp nhiều xã đạt các tiêu chí về tổ chức sản xuất cũng như giảm hộ nghèo khi cả tỉnh đang tăng tốc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, ông Phan Hấn, Trưởng Ban Phong trào Ủy ban MTTQ tỉnh, thành viên đoàn giám sát nhận xét.

 HÀ ANH

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất