Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả Phong trào "Dân vận khéo”; giao Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc hướng dẫn cấp ủy cơ sở chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng, nhân rộng những mô hình, điển hình "Dân vận khéo”.
Xây dựng tiêu chí đánh giá các mô hình "Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội theo tinh thần Hướng dẫn số 133 của Ban Dân vận Trung ương về "Công tác dân vận thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020”; Kế hoạch số 771 của Ban Dân vận Trung ương về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua "Dân vận khéo”…
Bên cạnh đó, hàng năm, UBND tỉnh còn phát động phong trào thi đua theo từng chủ đề cụ thể; chỉ đạo các cụm, khối thi đua, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị, thành phố phát động, ký giao ước thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội từng năm.
Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, mục đích, vai trò, tác dụng của phong trào thi đua "Dân vận khéo” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tích cực chỉ đạo đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua "Dân vận khéo” gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống mới, văn minh đô thị” với những nội dung cụ thể, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm; tổ chức thường xuyên, sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước thu hút được đông đảo nhân dân trong tỉnh tham gia...
Đặc biệt, phong trào thi đua "Dân vận khéo” được gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác, trong sinh hoạt để quần chúng nhân dân tin tưởng và noi theo. Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền đã chú trọng xây dựng những mô hình "Dân vận khéo”, góp phần phòng chống biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).
Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát nhằm biểu dương, khen thưởng những đơn vị có cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực; phát hiện những khó khăn, vướng mắc để có hướng chỉ đạo, tháo gỡ.
Ban Dân vận Tỉnh ủy, cán bộ phụ trách công tác dân vận các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc tỉnh tích cực hướng dẫn, đôn đốc cơ sở triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua "Dân vận khéo”, trong đó, chú trọng hướng dẫn cơ sở tiếp tục đăng ký, bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình, điển hình "Dân vận khéo”.
Nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực như Đảng bộ các huyện: Văn Yên, Yên Bình, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh…
Các địa phương, đơn vị này đã chỉ đạo mỗi chi bộ, đảng bộ trực thuộc phải xây dựng ít nhất một mô hình "Dân vận khéo”; riêng đảng bộ các xã, phường, thị trấn phải xây dựng từ 2 mô hình "Dân vận khéo” trở lên và mỗi đảng viên đăng ký thực hiện một công việc dân vận cụ thể.
Trong đó, nổi bật là công tác dân vận của Mặt trận tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể, tổ chức, hội đã luôn hướng về cơ sở để triển khai thực hiện tốt cuộc vận động gắn với các phong trào thi đua yêu nước, làm kinh tế giỏi.
Điển hình là các phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, "Thanh niên Yên Bái lập nghiệp, tuổi trẻ giữ nước”, "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, "Cựu chiến binh gương mẫu”, "Doanh nghiệp giỏi, cơ quan văn hóa”…
Các cơ quan, đơn vị cũng căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để lựa chọn và xây dựng các mô hình dân vận phù hợp. Trọng tâm là vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh thay đổi thói quen sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất, thâm canh, tăng vụ, giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã phát động Phong trào "Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Trong đó, các hình thức dân vận phong phú, sinh động đã góp phần tuyên truyền, vận động, giải thích các chủ trương, ý nghĩa, mục tiêu của Chương trình; nhất là việc tổ chức cho nhân dân góp ý kiến vào việc xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch, đề án, dự án xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế; vận động người dân góp đất, ngày công, vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi tại thôn, bản, xã.
Các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện của địa phương, góp phần vào thành tích đưa 33 xã của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017; cùng với 5 xã đạt 16 - 18 tiêu chí, 37 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí, 71 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí trở lên.
Như thế để thấy, phong trào "Dân vận khéo” đã có sức lan tỏa khắp các địa phương, đơn vị, mang lại hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên lĩnh vực kinh tế đã xuất hiện nhiều mô hình "Dân vận khéo” về sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng, xóa đói giảm nghèo; tích cực giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc của dân; động viên các thành phần kinh tế, huy động được các tiềm năng nguồn lực và sự năng động, sáng tạo của nhân dân vào việc thúc đẩy kinh tế phát triển.
Cùng với đó, nhiều mô hình "Dân vận khéo” trên lĩnh vực an ninh, quốc phòng như: "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phong trào "Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ”; phong trào "Vì bình yên cuộc sống”… do các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành phát động đã được đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng, thực hiện, góp phần nâng cao ý thức tự quản trong cộng đồng dân cư, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đời sống kinh tế - xã hội địa phương.
Nguồn: baoyenbai.com.vn, 29/6/2018