Những năm qua, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều giải pháp thực hiện các phong trào thi đua dân vận khéo trên nhiều lĩnh vực, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.
|
Mô hình thanh niên trồng hoa ven đường phục vụ du lịch ở bản Ngàm, xã Sơn Điện |
Để công tác dân vận khéo đạt kết quả cao, huyện Quan Sơn đã đẩy mạnh tuyên truyền đến đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa công tác dân vận khéo, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM); Nghị quyết số 07/NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Tăng cường công tác tư tưởng, nhanh chóng thay đổi tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu trong nhân dân; phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sớm đưa Quan Sơn trở thành huyện khá”. Ngoài ra, huyện chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật sản xuất. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình nuôi gà ri ở bản Sỏi, xã Sơn Lư; nuôi dê kết hợp chăn nuôi gà ri ở thị trấn Quan Sơn; nuôi bò sinh sản tại xã Sơn Thủy; nuôi chim bồ câu, dê, lợn, vịt ở các xã Sơn Lư, Sơn Hà, Sơn Điện và thị trấn Quan Sơn; mô hình rau an toàn tại xã Trung Hạ; trồng dược liệu tại xã Sơn Thủy, Tam Lư, Na Mèo; vùng trồng vầu liên kết đạt chứng chỉ rừng bền vững Tam Lư, Tam Thanh...
Bên cạnh đó, công tác “dân vận khéo” trong lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng được huyện quan tâm, đã làm thay đổi nhận thức của người dân về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; xây dựng các thiết chế văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; phòng chống tệ nạn xã hội. Trong phong trào XDNTM, đồng bào các dân tộc trong huyện đã tích cực hưởng ứng và đóng góp tiền, ngày công, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi khác. Vì vậy, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, đến nay huyện đã có xã Tam Lư và 27 bản đạt chuẩn NTM. Ông Hà Văn Tý, Bí thư Đảng ủy xã Tam Lư, cho biết: Xác định “Dân vận khéo” là một trong những yếu tố quyết định cho sự thành công trong thực hiện XDNTM, xã đã tập trung chỉ đạo các tổ chức chính trị, đoàn thể xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm trong việc đóng góp sức người, sức của tham gia XDNTM; lồng ghép nội dung XDNTM vào các cuộc họp, sinh hoạt của các chi tổ hội, đoàn thể, tùy theo chức năng, nhiệm vụ để xây dựng các mô hình dân vận khéo phù hợp, hiệu quả. Vì vậy, những năm qua toàn xã đã có 112 hộ gia đình hiến hơn 13.000 m2 đất xây dựng đường giao thông và các công trình phúc lợi; nạo vét trên 6.000m kênh mương nội đồng; bê tông hóa gần 400m đường giao thông nội đồng và đường vào các khu sản xuất... xã đã về đích NTM vào cuối năm 2018.
Đến nay, huyện Quan Sơn đã xây dựng được 637 mô hình, trong đó có 17 mô hình điển hình “dân vận khéo”. Qua đó đã phát huy tính chủ động sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên đối với công việc được giao, góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Khắc Công/ baothanhhoa.vn