Thứ Sáu, 15/11/2024
Dân vận trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế
 

Ông Đổi đã mạnh dạn chuyển sang trồng mãng cầu xiêm cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm 

Theo Trưởng ban Dân vận huyện Long Mỹ Trần Văn Phúc thì để thực hiện hiệu quả công tác dân vận trong phát triển kinh tế đạt hiệu quả, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Trong đó, thường xuyên tuyên truyền miệng thông qua sinh hoạt lệ các hội, đoàn thể; trên các phương tiện thông tin đại chúng; băng rôn, khẩu hiệu… Theo đó, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ huyện đến cơ sở thường xuyên được kiện toàn và đổi mới nội dung tuyên truyền theo hướng gần dân, sát dân để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.

Điển hình về công tác dân vận trong tổ chức Hội Nông dân huyện luôn là điểm sáng giúp người dân phát triển kinh tế. Hội thường xuyên, chủ động phối hợp với ngành khuyến nông, bảo vệ thực vật và tổ kỹ thuật của các xã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan mô hình làm ăn có hiệu quả. Đến nay, cùng với các ngành chức năng, Hội Nông dân huyện đã tổ chức được 122 cuộc chuyển giao khoa học kỹ thuật với 8.577 lượt người tham dự. Qua các lớp tập huấn, Hội đã giúp người dân lựa chọn mô hình kinh tế và đăng ký thi đua trở thành hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Qua đó, có 12.814/16.208 hộ nông dân đăng ký danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp. Đến cuối năm, các cấp hội phối hợp với chính quyền và các ngành, địa phương bình xét được 6.845/6.407 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Công tác dân vận được thể hiện rõ kết quả nhất ở các xã nông thôn mới ở huyện Long Mỹ. Năm qua, Khối dân vận các xã, trong đó Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã phối hợp phân công phụ trách từng ấp cụ thể. Nhờ vậy, quá trình chỉ đạo và thực hiện đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong năm, nhiều mô hình mới được thực hiện, duy trì và nhân rộng như: mô hình Tổ đoàn kết Kinh - Khmer - Hoa cùng nhau phát triển kinh tế gia đình ở ấp 5, xã Xà Phiên và nhân rộng tại ấp 4, xã Xà Phiên; mô hình “Dân vận khéo” Tuần lễ tết vì người nghèo; mô hình Ấp tự quản - Dân chủ ở ấp 2, xã Thuận Hòa.

Ông Lê Văn Nắm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Hòa, chia sẻ: Thực hiện mô hình ấp tự quản là các thành viên cùng nhau hùn vốn vay xoay vòng với số tiền góp vào 100.000 đồng/tháng. Đến nay, mô hình đã hùn vốn được số tiền trên 43.200.000 đồng cho thành viên vay với lãi suất thấp để tạo quỹ chi trà, nước trong khi họp tổ. Hội Nông dân xã còn thực hiện được mô hình hùn vốn cất nhà kiên cố, bán kiên cố gần 700 triệu đồng cho 3 thành viên. Ngoài ra, nông dân trong xã còn được tổ kỹ thuật tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây con, giống theo Đề án 1.000… Với những việc làm cụ thể, đến nay tổ không còn hộ nghèo, cận nghèo, hộ khá giàu ngày một nâng lên…

Ông Lê Văn Đởi, ở ấp 2, xã Thuận Hòa, được hưởng lợi từ công tác dân vận và phối hợp của các cấp, các ngành huyện thời gian qua. Ông Đởi cho biết: “5 năm trước, tôi có trồng thử một vài cây mãng cầu xiêm xung quanh nhà. Sau thời gian làm lúa thất bại, thua lỗ không có vốn để chuyển đổi mô hình mới, nhưng được sự hỗ trợ kỹ thuật, khuyến khích của cán bộ xã tôi đã mạnh dạn chuyển dần đất ruộng sang vườn mãng cầu xiêm. Đến nay, tôi đã chuyển hẳn sang trồng cây ăn trái với diện tích 2.500m2 cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm”.

Ông Lê Văn Nắm cho biết thêm: Cũng từ hiệu quả mô hình của ông Đởi mà những năm gần đây công tác dân vận trong vận động người dân chuyển đổi vườn tạp, đất nông nghiệp kém hiệu quả được dễ dàng hơn. Tính đến nay, toàn xã Thuận Hòa đã giảm đáng kể diện tích đất nông nghiệp cho thu nhập thấp. Năm qua, nông dân toàn xã đã chuyển 20ha đất sang trồng mãng cầu xiêm, nâng tổng diện tích vườn mãng cầu xiêm toàn xã lên 80ha. Ngoài ra, qua hướng dẫn kỹ thuật của ngành nông nghiệp, bảo lãnh người dân vay vốn của các cấp hội mà diện tích bưởi da xanh toàn xã cũng nâng lên với 6ha, tăng 2ha so với năm trước.

Có thể nói, công tác dân vận, nhất là “Dân vận khéo” đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất, giúp cơ cấu kinh tế của huyện Long Mỹ dần chuyển dịch theo hướng phát triển. Người nông dân làm nông nghiệp được nâng cao thu nhập, cùng địa phương xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đến nay, toàn huyện có hơn 100 mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế, các mô hình này động viên Nhân dân tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.

 
Trúc Linh/ baohaugiang.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất