Chủ Nhật, 24/11/2024
Hình phạt phải hợp lý để không triệt tiêu động lực phát triển

Căn cứ những nội dung trọng tâm, xin góp ý một số nội dung cụ thể như sau:

Điều 33, Hiến pháp năm 2013 đã quy định: mọi người có quyền tự do kinh doanh trong ngành nghề mà pháp luật không cấm. Và một thông lệ của quốc tế là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự.

Với quan điểm những hành động về mặt kinh tế phải được xử lý bằng các biện pháp kinh tế, để thu hồi lợi nhuận và khoản tiền bị chiếm đoạt phi pháp. Đây là mục tiêu chính, thậm chí có thể phạt nặng hơn rất nhiều những cái mà những người vi phạm đã chiếm đoạt, để ngăn chặn tái diễn trong tương lai. Còn biện pháp hình sự chưa chắc đã bảo đảm được mục tiêu đó. Thực tế xử lý nhiều vụ án cho thấy tài sản Nhà nước vẫn bị thất thoát, khó, thậm chí không thu hồi được. Bên cạnh đó, một trong những nguyên tắc làm luật, đó là phải đảm bảo lợi ích cho cộng đồng. Phải tạo những thuận lợi cho số đông, còn có một số ít vi phạm phải có chế tài xử lý riêng biệt. Không thể vì một ít vi phạm nhỏ hoặc một số cá thể nào đó mà chúng ta lại đưa ra một luật phổ cập cho tất cả mọi người.

Vấn đề nữa là, trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này cần chia thành hai nhóm. Một là, những tội phạm xâm phạm đến quyền con người, quyền tự do của công dân, gây ra nỗi bất an cho xã hội thì phải đấu tranh mạnh mẽ. Hiến pháp đòi hỏi phải đấu tranh mạnh mẽ, có hiệu quả với những hành vi này để tạo ra một xã hội hạnh phúc, nhân dân hạnh phúc. Hai là, phải đổi mới theo tinh thần cởi mở để các năng lực xã hội trong sản xuất, trong kinh tế có điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để phát triển. Vì thế, hình phạt phải đảm bảo hợp lý để không triệt tiêu động lực phát triển của xã hội, doanh nghiệp và người dân. Đó là chưa kể, một số những quy định thay thế trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) còn trái với quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính, vì có một số hành vi đã quy định áp dụng hình phạt xử lý hành chính, nhưng trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lại lặp lại xử lý hình sự (?). Cùng một đối tượng, cùng một loại hình mà áp dụng các hình phạt giống nhau về các hành vi mang bản chất khác nhau là không hợp lý.

Về quy định các tội phạm mới và bỏ một số tội. Việc bổ sung các tội danh mới nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm là cần thiết. Song tội danh và cấu thành cụ thể cần phải dựa trên cơ sở tổng kết đầy đủ việc thi hành Bộ luật Hình sự hiện hành, cũng như đẩy nhanh việc nghiên cứu hình sự hóa hành vi đưa và nhận hối lộ các lợi ích phi vật chất là hết sức cần thiết. Vì rằng, thời gian gần đây ở Việt Nam đã xuất hiện dấu hiệu đưa và nhận hối lộ các lợi ích phi vật chất như hối lộ tình dục, thăng chức... nhưng không thể xử lý bằng các chế tài hình sự, bởi nó nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Hình sự. Tránh tình trạng “chạy theo tình hình” vừa không bao quát đầy đủ, vừa không đảm bảo sự thống nhất của chính sách hình sự. Do vậy, yêu cầu số tội danh mới bổ sung cần có sự rà soát kỹ, tránh sự chồng chéo và đáp ứng kịp thời trước sự phát triển rất nhanh của thực tiễn xã hội.

Nguyễn Khắc Bộ

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất