Chủ Nhật, 6/10/2024
Khi thói bao biện đã trở thành căn bệnh "thâm căn cố đế"

Ảnh minh họa

Trong nhiều tình huống, khi báo chí, dư luận xã hội lên án những hành vi , phát ngôn "lệch chuẩn", bao biện luôn là một thói quen, một phản ứng cho những phát ngôn sai, hành vi sai đó.

Và những lời bao biện đó vô lý đến độ đã đi vào top những phát ngôn hài hước nhất trong năm.

Ví dụ như câu chuyện các con tàu vỏ thép ở Bình Định, được đầu tư lớn từ ngân sách nhà nước, khi bị phát hiện hư hỏng dù mới ra biển lần đầu, thì người ta đã vội vàng giải thích ngay đó là do "nước biển quá mặn".

Khi cây cầu vượt biển Lạch Huyện (Cát Bà- Hải Phòng) mới phát hiện có một số sự cố, lỗi thì phía đơn vị thi công đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố: Do gió biển quá to !

Tại phiên tòa xử Công ty Dược Phamar vừa diễn ra, mặc dù đã có đủ bằng chứng cho thấy công ty này đã nhập khẩu hàng ngàn lọ thuốc chống ung thư giả, bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc đã thản nhiên biện bạch: "Nhập khẩu thuốc chống ung thư giả là điều... bình thường!".

Câu nói này cũng đã được nhiều báo đồng loạt dẫn lại như một nấc thang mới về cấp độ trơ trẽn của thói bao biện.

Hàng loạt biệt phủ, biệt thự, tòa nhà lớn của một số quan chức, cán bộ địa phương mà báo chí vừa phát hiện trong thời gian qua luôn được giải thích là do: Chạy xe ôm, buôn chổi đót, làm việc thối móng tay... cũng đã trở thành những câu chuyện hài hước mà để người dân tin vào những câu chuyện đó, thật khó.

Đáng tiếc là ngay cả các cuộc thanh tra để công bố những chuyện kê khai tài sản đó là sai hay đúng cũng bị "delay" hết lần này, đến lần khác, với lý do: "Vụ này dân quan tâm nên phải làm cho kỹ, tránh sai sót, nhầm lẫm". Riêng việc này, người dân mong rằng, lý do này là đúng, chứ không là là một kế hoãn binh.

Thói bao biện ở đâu cũng tệ hại nhưng nếu nó được vận dụng vào việc quản lý, điều hành trong bộ máy nhà nước thì hậu quả càng nguy hiểm.

Sáng 21/8, trong buổi họp của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo 11 bộ, ngành về tình hình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đã dẫn số liệu chính thức cho thấy, hiện có khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và mỗi năm doanh nghiệp (DN) phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành. Ông cũng nêu trách nhiệm của một số Bộ như Bộ Y tế khi để tồn tại quá nhiều giấy phép kiểm tra chuyên ngành.

Tuy nhiên, thay vì tiếp thu để chấn chỉnh, giảm bớt giấy phép không cần thiết, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế mặc dù nói, phàn nàn của nhiều doanh nghiệp là đúng nhưng vẫn đưa ra nhiều biện minh để giữ giấy phép.

Khi đó, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng,Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã phải nói thẳng: "Không nên bao biện quá, Cục trưởng à. Mình phải nhìn thực tế của ngành mình. Anh ở trên nói thế thôi chứ ở dưới không tốt như thế đâu". Ông Dũng đưa ra dẫn chứng cụ thể: Chi Cục an toàn thực phẩm của các Sở y tế muốn lấy mẫu bún xét nghiệm nhưng không có labo (phòng xét nghiệm) phải mang lên Hà Nội kiểm tra. Và điều này khiến doanh nghiệp mất quá nhiều thời gian, chi phí, phải kêu tới Chính phủ.

Cho nên, có thể nói, cái thói bao biện, nguy biện khi nói sai, làm sai ở ta đã như căn bệnh "thâm căn cố đế", như một phản xạ tự nhiên của những người có hành vi, lời nói không đúng. Có lẽ, khi xử lý, kiểm điểm trách nhiệm những người có hành vi sai đó, nên tính thêm việc bao biện, nguy biện như một tình tiết tăng nặng hình phạt, để cho bớt hẳn thói quen tệ hại này./.

Nguồn: dantri.com.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi