Thứ Bảy, 23/11/2024
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng bạn bè quốc tế

 Chủ tịch Hồ Chí Minh với các sĩ quan quân đội Ấn Độ, tháng 02/1958. Ảnh tư liệu 

Theo Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Italy Mauro Alboresi, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lãnh đạo vĩ đại. Ông khẳng định, Việt Nam là biểu tượng cho toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chống thực dân, đế quốc, vì độc lập, tự do, ý chí quyết tâm tự cường của các dân tộc. 

Trong khi đó, chia sẻ những suy nghĩ và tình cảm dành cho vị lãnh tụ kiệt xuất của Việt Nam, ông Bert De Belder, Trưởng ban Quan hệ quốc tế, Đảng Lao động Bỉ, cho biết, từ khi còn là sinh viên, ông đã biết đến Chủ tịch Hồ Chí Minh và rất ngưỡng mộ Người. Tuy nhiên, chỉ gần đây, khi đọc nhiều tác phẩm để chọn lọc xuất bản những bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Hà Lan, tiếng Pháp, ông mới khám phá ra rất nhiều khía cạnh, tài năng và những đức tính quan trọng của Người. Vị lãnh tụ lỗi lạc là "kim chỉ nam" dẫn dắt không chỉ nhân dân Việt Nam mà cả nhân dân các nước dấn thân vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xã hội, vì sự tiến bộ, vì đoàn kết quốc tế, vì hạnh phúc của nhân dân cũng như vì hòa bình và phát triển.

Ông Bert De Belder nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã truyền cảm hứng rất lớn và có vai trò quan trọng trong việc kết nối cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một người theo chủ nghĩa quốc tế chân chính, người đã lấy sự nghiệp giải phóng, hạnh phúc của các dân tộc trên toàn thế giới làm trọng tâm và đoàn kết quốc tế là một giá trị quan trọng. Ông Bert De Belder cũng bày tỏ ấn tượng về cuộc sống giản dị của Người khi nhấn mạnh: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người rất giỏi với tất cả tài năng và vai trò lãnh đạo của mình nhưng vẫn là một người rất khiêm tốn và sống một cuộc đời giản dị. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương cho tất cả chúng ta".

Có thể thấy rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ sống mãi trong trái tim nhân dân Việt Nam mà còn sống mãi trong lòng bạn bè quốc tế với sự ngưỡng mộ và đầy kính phục. Điều này đã được GS, TS Furuta Motoo-Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội cảm nhận rõ trong quá trình nghiên cứu về Việt Nam suốt hơn 50 năm qua. GS, TS Furuta Motoo khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số ít những anh hùng kiệt xuất của châu Á cũng như thế giới. Tầm nhìn của Người rộng lớn và có sức ảnh hưởng không chỉ lúc sinh thời mà cả khi Người đã ra đi.

Theo GS, TS Furuta Motoo, muốn hiểu Việt Nam hôm nay, phải hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là những gợi ý mang tính cốt yếu cho đường lối đổi mới của Việt Nam và ngược lại, thực tiễn công cuộc đổi mới đã bồi đắp, khắc sâu thêm những hiểu biết, nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh. Mỗi khi trò chuyện với sinh viên, GS, TS Furuta Motoo luôn phân tích những điểm mới, sự hiện đại của tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông mong muốn thế hệ trẻ Việt Nam có thể nhận thức sâu sắc hơn về chiều sâu, tính nhân văn và hiện đại của tư tưởng Hồ Chí Minh, nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để có thể góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.

Trong bối cảnh thế giới đứng trước những thách thức to lớn, môi trường an ninh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những cuộc xung đột và cạnh tranh của các nước lớn... tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa bình, hữu nghị đã được các học giả quốc tế nhắc tới như một bài học còn nguyên giá trị.

Bài viết với tựa đề “Sự phù hợp của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với hòa bình, hữu nghị trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine hiện nay” của Tiến sĩ SD Pradhan-người từng là Phó cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ-đăng trên tờ Times of India đã gây sự chú ý khi liên hệ tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa bình, hữu nghị trước tình hình xung đột hiện nay. Bài viết đã khẳng định chiến lược quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giúp nhân dân Việt Nam giành được độc lập và tự do, nhưng mục tiêu lớn hơn là hòa bình và thiết lập quan hệ hữu nghị cùng có lợi giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng hòa bình, điều mà Người cho là cần thiết đối với sự phát triển kinh tế và mang lại lợi ích cho nhân dân Việt Nam. Đối với Người, chiến tranh là biện pháp cuối cùng để đạt được mục tiêu và Người ưu tiên đàm phán hòa bình để giải quyết các vấn đề. Những bài học mà Người để lại cho các thế hệ mai sau chính là bài học về đoàn kết, hợp tác quốc tế.


 Khách tham quan Triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp"
 tại thủ đô Brussels, Bỉ. 
Ảnh: TTXVN 

Bài viết khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm phản đối chạy đua vũ trang, ủng hộ việc cắt giảm vũ khí và tăng cường hợp tác quốc tế để tìm kiếm giải pháp trong vấn đề vũ khí hạt nhân... Bài viết cho rằng xung đột Nga-Ukraine đã thay đổi cục diện địa chính trị thế giới, nhưng cũng chính thực tế xung đột đã một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của đoàn kết quốc tế, giống với những gì mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói về việc cần đẩy mạnh đoàn kết quốc tế để hướng tới một nền hòa bình lâu dài cho tất cả quốc gia.

Theo bài viết, nếu đi sâu phân tích có thể thấy được hòa bình và nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh đó là phải gắn độc lập dân tộc với đoàn kết quốc tế; lấy tinh thần thiện chí, hòa bình để giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng, trên cơ sở gắn lợi ích dân tộc với lợi ích các nước trong khu vực và lợi ích chung của nhân loại tiến bộ. Tư tưởng đó đang trở thành xu hướng phát triển và giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, xung đột giữa các quốc gia, dân tộc trên thế giới trong thời đại ngày nay.

(qdnd.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác