Thứ Sáu, 19/4/2024
Thanh niên công chức, viên chức, doanh nhân, lực lượng vũ trang thể hiện tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm với Đảng
 
Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Bùi Văn Thạch,
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương trao đổi cùng với các đại biểu dự Hội nghị.
 

 

Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện; đồng chí Bùi Văn Thạch, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Lại Xuân Lâm, Phó bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đoàn viên thanh niên trong đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam cho biết, góp ý văn kiện thể hiện tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm và trí tuệ của tuổi trẻ với Đảng; đồng thời, là dịp quan trọng để đoàn viên thanh niên bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, nhu cầu của mình với Đảng, phát huy vai trò, vị trí, trí tuệ của bản thân với đất nước.

 “Chúng tôi kỳ vọng rất lớn vào các ý kiến tại hội nghị, vì công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tham gia hội nghị đều rất tiêu biểu, cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình tham gia đóng góp ý kiến vào Văn kiện Đại hội trên tinh thần tập trung góp ý trực diện, bày tỏ suy nghĩ, tình cảm, cách tiếp cận; có thể bổ sung thêm đánh giá, nhận định trong báo cáo”, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương nói.

Phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm

Đóng góp ý kiến về các giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, đồng chí Phùng Quang Thắng, Bí thư Đoàn thanh niên Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng, cần nhấn mạnh thêm nội dung về bảo vệ môi trường, vì hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là thách thức gay gắt, ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế xã hội. “Ví dụ như ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội hay lũ lụt nghiêm trọng vừa xảy ra tại miền Trung”, đồng chí Thắng nêu.

Đồng chí Thắng đề nghị bổ sung nội dung về bảo vệ môi trường vào nội dung phát triển kinh tế - xã hội, thành "Phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm".

“Cần có đột phá về thể chế để thực sự trở thành động lực phát triển. Yếu tố con người cũng là một nhân tố đột phá, cần bảo vệ những người dám đột phá, vì nếu không thì không ai dám đột phá, đổi mới sáng tạo”, đồng chí Thắng nói.

Cũng theo đồng chí Thắng, vấn đề xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ cần được đặc biệt quan tâm; tin tưởng giao nhiệm vụ cho tầng lớp thanh niên, giới trẻ…

Xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng

Đại úy Trần Văn Hiểu, Bí thư Đoàn Học viện An ninh nhân dân góp ý, đề nghị bổ sung nội dung về xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng. Theo đồng chí Hiểu, sự phát triển không ngừng của các dịch vụ internet, đặc biệt là sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các kết nối không dây, mạng xã hội, các thiết bị di động thông minh đã hình thành nên một không gian xã hội mới được gọi là “không gian mạng” – nơi mà thế giới ảo đan xen với thế giới thực. “Nhiều nước trên thế giới đã xác định không gian mạng là “lãnh thổ đặc biệt” và là vùng tác chiến mới. Thực tiễn cho thấy, các thế lực thù địch cũng đã và đang triệt để lợi dụng không gian mạng để tăng cường các hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam. Với những nguy cơ và tác động hiện hữu, không gian mạng đã thực sự trở thành một trận tuyến mới trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia nói riêng, bảo vệ Tổ quốc XHCH nói chung”, đồng chí Hiểu nói.

Theo đồng chí Hiểu, cũng cần nhấn mạnh nội dung về “xây dựng thế trận an ninh trên biển”, bởi tình hình các hoạt động trên biển và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển trong thời gian qua đang có nhiều diễn biến phức tạp và được quan tâm hơn bao giờ hết. Hơn nữa, chúng ta đã có chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn tới 2045, trong đó xác định vấn đề huy động sức mạnh và nguồn lực đảm bảo an ninh quốc phòng, hợp tác quốc tế và phát triển kinh tế biển. “Đây chính là cơ sở vừa là đòi hỏi cấp thiết phải xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên biển để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đó”, đồng chí Hiểu nói thêm.

Phát triển bền vững kinh tế biển với đảm bảo quốc phòng an ninh

Thượng tá Phạm Khoa Nam, Trưởng phòng Công tác, Quân chủng Hải quân cũng góp ý về việc phát triển bền vững kinh tế biển với đảm bảo quốc phòng an ninh. Theo đồng chí Nam, đây là chủ trương nhất quán của Đảng, phù hợp với quy luật khách quan của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo đồng chí Nam, để thực hiện thắng lợi định hướng, nhiệm vụ Phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng an ninh, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo; nhằm tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về mục tiêu chiến lược biển, đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng an ninh, thế trận lòng dân, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của việt Nam; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định lâu dài để phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Thượng tá Nam cũng cho rằng, cần tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận của Đảng về Phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó thực hiện kết hợp phát triển kinh tế biển đảo gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh từ trong quy hoạch, chương trình, dự án phát triển các lĩnh vực. Tập trung xây dựng các khu vực phòng thủ vững chắc; đẩy mạnh các hoạt động dân sự trên vùng biển, đảo chủ quyền. Tận dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ; tập trung đúng mức mọi nguồn lực đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các ngành kinh tế biển trọng điểm như khai thác dầu khí, đóng tàu, đánh bắt cá, nuôi trồng hải sản, dịch vụ biển; khuyến khích công ty dầu khí các nước lớn đầu tư thăm dò ở những vùng biển xa. Nghiên cứu xây dựng các khu kinh tế quốc phòng trên các đảo, quần đảo. Tiếp tục đầu tư cho các đảo xa bờ, nhất là huyện đảo Trường Sa… tăng cường xây dựng sức mạnh quốc gia trên biển, tương xứng với tầm quan trọng của biển, nhất là các lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển, kiểm ngư có vũ khí; trang bị hiện đại, đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

(doanthanhnien.vn) 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất