Thứ Sáu, 15/11/2024
Đồng chí Trần Thanh Mẫn đối thoại với đồng bào Phật giáo Hòa Hảo
 

Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương
MTTQ Việt Nam phát biểu tại buổi đối thoại 

Tham dự buổi đối thoại có các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang;  Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; các vị trong Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh An Giang và các sở, ngành liên quan cùng 70 tín đồ có uy tín trong đồng bào Phật giáo Hòa Hảo.

Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn và chân tình, tại buổi đối thoại, bà con theo đạo Phật giáo Hòa Hảo đã bày tỏ những băn khoăn, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, an sinh xã hội, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… đang diễn ra trên địa bàn.

Ông Thái Văn Sóc, trú ở xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân (An Giang) chia sẻ, đa phần bà con theo đạo Phật giáo Hòa Hảo làm nông nghiệp, tuy nhiên do giá cả bấp bênh, không tìm được đầu ra ổn định… nên điệp khúc mất mùa được giá, được mùa mất giá thường xảy ra, ảnh hưởng đời sống người dân. Bên cạnh đó, hiện tượng thời tiết thay đổi bất thường, vấn đề sạt lở đất ở một số nơi đang diễn biến phức tạp, hiện tượng hàng lậu, hàng giả, hàng nhái vẫn đang hoành hành trên địa bàn…

Ông đề nghị, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, tìm đầu ra ổn định cho các ngành hàng nông nghiệp, tạo liên kết trong sản xuất nông nghiệp, có phương án cụ thể trong ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm giúp đời sống người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng tốt hơn.

Với mong muốn hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát động, ông Nguyễn Ngọc Tiếng, xã Tân Hòa (Phú Tân, An Giang) cho rằng để thay thế túi nilon trong sinh hoạt, Thủ tướng Chính phủ đã có gợi mở nhân dân dùng lá chuối để bọc thực phẩm như cách làm trước đây, nhưng các bộ, ngành Trung ương cần có các sản phẩm thay thế túi nilon trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện mới môi trường và có khả năng tự phân hủy trong môi trường tự nhiên.

Nhắc lại câu nói “đại lộ thì đại phú, nơi nào có tiểu lộ thì tiểu phú”, ông Nguyễn Văn Thà, ngụ tại xã Phú An, huyện Phú Tân (An Giang) bày tỏ mong muốn Nhà nước đầu tư xây dựng cây cầu bắc qua sông Vàm Nam, thay thế phà Thuận Giang, nối huyện Chợ Mới, Phú Tân và thị xã Tân Châu, nhằm thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa Phú Tân với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh, qua đó từng bước nâng cao đời sống của người dân.

Đề cập đến sức ảnh hưởng của mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay, ông Nguyễn Hữu Ngụy, xã Phú Thọ, huyện Phú Tân (An Giang) cho rằng, bên cạnh những thông tin hữu ích, có rất nhiều thông tin sai sự thật, mang tính chất xuyên tạc, vu khống, gây chia rẽ, mất đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo… Chính vì vậy, Nhà nước nên có những biện pháp quyết liệt để truyền tải những thông tin tốt đến với người dân, giúp người dân tiếp cận với tiến bộ của khoa học.

Ở một khía cạnh khác, ông Đỗ Tấn Đức, ngụ tại xã Phú Lâm, huyện Phú Tân (An Giang) bày tỏ, hiện nay tình trạng buôn bán ma túy đang diễn ra phức tạp, tình trạng buôn bán lan truyền từ thành thị đến nông thôn, kể cả nơi học đường. Ông đề nghị ngoài việc ngăn ngừa, khắc phục, Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam cần có chủ trương tăng cường phối hợp với các tôn giáo trong tuyên truyền, vận động để tín đồ hiểu rõ tác hại của ma túy, cùng nhà nước ngăn ngừa, bài trừ.

Nhấn mạnh đến Giáo lý học Phật tu nhân của Phật giáo Hòa Hảo, ông Lê Minh Công, ngụ tại xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú đề nghị cho phép con em các tôn giáo nói chung và Phật giáo Hòa Hảo nói riêng được học tập Đạo Pháp khai tâm và giáo lý vào các mùa nghỉ hè để con em thấm nhuần đạo đức, các điều răn cấm của tôn giáo, có nền tảng đạo đức khi trưởng thành và tránh xa các tệ nạn xã hội.

Đồng quan điểm với bà con nhân dân theo đạo Phật giáo Hòa Hảo, ông Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo nhấn mạnh, đạo đức tôn giáo khi được bà con tín đồ giác ngộ, hiểu đúng và có động cơ thực hiện thì biến thành nguồn lực giúp ích cho công cuộc xây dựng đất nước. Mặt khác, đường hướng hành đạo của các tôn giáo ở Việt Nam tuy thể hiện bằng ngôn ngữ khác nhau, nhưng đều có chung ý nghĩa, vì đất nước, vì hạnh phúc nhân dân, nên Nhà nước cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho các tín đồ tôn giáo tham gia hoạt động từ thiện xã hội, bảo trợ xã hội, nhất là lĩnh vực về y tế, bảo trợ xã hội…

Trả lời về những tác động của biến đổi khí hậu tới đời sống của bà con, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tấn Nhân cho biết, vấn đề biến đổi khí hậu đã tác động đến toàn cầu và Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất, chính vì vậy Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu với những dự án nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là những chính sách liên quan tới Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng chí Võ Tấn Nhân đề nghị bà con thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng và phản ánh về những vùng có hiện tượng sạt lở để có phương án di cư hợp lý. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền cần tăng cường kiểm tra, xử lý những vùng có nguy cơ sạt lở; quy hoạch trạm quan trắc môi trường, quy hoạch khu dân cư và tuyên truyền, vận động nhân dân không sinh sống ở hai bên bờ sông để đảm bảo an toàn cho bà con trên địa bàn.

Tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân mong muốn Trung ương tiếp tục hỗ trợ An Giang tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông; giúp tỉnh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa để phát triển nông nghiệp, có chính sách đặc thù cho phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, Trung ương cần có cơ chế chính sách để phát huy nguồn lực xã hội từ các dân tộc, tôn giáo để tạo nên sự phát triển chung cho tỉnh An Giang nói riêng, cả nước nói chung; hoàn thiện văn bản pháp luật để hỗ trợ các tôn giáo có điều kiện hoạt động, để bà con có đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của xã hội và địa phương.

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, đối thoại, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác tôn giáo, thể hiện rõ nhất qua việc các quy định pháp luật liên quan đến tôn giáo ngày càng được hoàn thiện, trong đó có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo (có hiệu lực từ 1/1/2018), Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Từ khi Luật có hiệu lực đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo đồng bào tôn giáo và được bạn bè thế giới đánh giá cao. 

Theo đồng chí Trần Thanh Mẫn, trong những năm qua, Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và đồng bào theo đạo Phật giáo Hòa Hảo đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; đoàn kết với các tầng lớp nhân dân; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, nhất là trong công tác xã hội, từ thiện. 

Đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định, với mong muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, cuộc tiếp xúc với Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo và đồng bào theo đạo Phật giáo Hòa Hảo đã nhận được những ý kiến chân tình, thẳng thắn với những câu hỏi liên quan trực tiếp đến đời sống thực tế của bà con, điều này đã giúp Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có thêm cách nhìn đa chiều về cuộc sống và những nét đẹp trong sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Phật giáo Hòa Hảo.

Chia sẻ về vấn đề hiện tượng được mùa mất giá và nỗ lực tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm đặc trưng trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, Đảng, Nhà nước, Quốc hội luôn mong muốn những sản phẩm nông nghiệp của bà con khi đến tay người tiêu dùng phải mang lại lợi nhuận cao nhất và có được hệ thống thu mua ổn định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hàng hóa đang biến động theo nhu cầu của thị trường như mặt hàng gạo, cá da trơn, tôm… Vì vậy, vấn đề đặt ra là sản phẩm làm ra phải đảm bảo cả về chất lượng, giá cả, mẫu mã và cạnh tranh được với những sản phẩm cùng chủng loại trên thị trường thế giới.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận các cấp luôn phải trả lời câu hỏi “Làm gì để nhân dân có lợi?”, từ đó có định hướng rõ trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, để sản phẩm người dân làm ra phải tiêu thụ được trong ấp, trong xã, trong tỉnh và đảm bảo chất lượng cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại và kiên quyết đấu tranh với hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lưu hành trên địa bàn, nhằm tạo niềm tin trong nhân dân. Quản lý thị trường, lực lượng Công an và các ngành chức năng phải nắm rõ những doanh nghiệp, hộ cá thể vi phạm tại địa phương và có biện pháp xử lý cụ thể.

Đồng quan điểm với bà con trước hiện tượng đạo đức xã hội đang có biểu hiện xuống cấp, tình trạng buôn bán ma túy đang diễn ra phức tạp, khó lường, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội phải cùng vào cuộc để đẩy lùi những hiện tượng không mong muốn này, phải quản lý để “trường ra trường, thầy ra thầy, lớp ra lớp”. Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể phải cùng vào cuộc để giáo dục thế hệ trẻ và định hướng cho thế hệ trẻ luôn bình tĩnh phân tích, tiếp nhận luồng thông tin trên mạng xã hội và không bị kích động, lôi kéo bởi những thông tin sai lệch.

“Việt Nam là một đất nước hòa bình, người dân cũng góp phần vào củng cố nền hòa bình và thẳng thắn đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Đồng chí đề nghị, trước những khó khăn, kiến nghị của người dân, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần lắng nghe nguyện vọng chính đáng của bà con nhân dân để từ đó có hướng giải quyết tốt nhất, thấu tình đạt lý.

(TTXVN)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất