Thứ Sáu, 26/4/2024
Hội Nông dân Việt Nam tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

 Quang cảnh Hội thảo

Các đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 24 và Chỉ thị 45; Thảo Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình; Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam dự và chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện các ban, bộ, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của Trung ương; các nhà khoa học; đại diện cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo Hội Nông dân 21 tỉnh, thành phố trên cả nước…

Phát biểu của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định những kết quả trong công tác dân tộc, nông nghiệp, nông dân thời gian qua trên cả nước đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi được xây dựng đồng bộ; sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá được quan tâm đầu tư phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi được giữ vững; niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường.… Tuy nhiên, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cũng đánh giá vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, hạn chế nhất cả nước như: Chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất

Thay mặt Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 24 và Chỉ thị 45, đồng chí Đỗ Văn Chiến đánh giá cao những nỗ lực của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các cấp Hội thời gian qua, góp phần đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bởi 92% đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng nông nghiệp, nông thôn. Đồng tình với báo cáo đề dẫn, báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết 24 và Chỉ thị 45; đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị hội thảo làm rõ thêm về những kết quả, bài học kinh nghiệm tiêu biểu của các cấp Hội Nông dân trong thực hiện Nghị quyết 24, Chỉ thị 45; tìm ra những khó khăn, bức xúc trong nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay là gì; qua đó đưa ra những đề xuất để khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thời gian tới.

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết 24 của của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại Hội thảo cho thấy: Thực hiện Nghị quyết 24 gắn với Kết luận 57-KL/TW, ngày 03/11/2009 của Bộ Chính trị về Công tác dân tộc; Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, kế hoạch; phối hợp với các bộ, ngành và hướng dẫn các cấp Hội Nông dân phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức triển khai thực hiện để Nghị quyết đi vào cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.


 Đồng chí Thào Xuân Sùng phát biểu tại Hội thảo

Trung ương Hội Nông dân và các cấp Hội Nông dân đã tích cực tham gia thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Các cấp Hội đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân sản xuất theo định hướng của địa phương, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia xây dựng cánh đồng lớn; sản xuất công nghệ cao, tư vấn, giới thiệu những giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ; tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, tổ chức tham quan, hội thảo học tập, trao đổi kinh nghiệm… để khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, vốn, đầu tư phát triển sản xuất. Các cấp Hội đã chủ động phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho trên 2,7 triệu lượt hội viên, nông dân. Tổ chức 257 lớp tập huấn kiến thức về kinh tế tập thể cho 12.986 lượt cán bộ Hội. Xây dựng 10.598 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, 170.319 mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; chuyển giao 708 mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học và chế phẩm Biowish trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản...

Hội Nông dân các cấp đã tổ chức các phong trào sâu rộng như: Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng – an ninh. Trung bình hàng năm có 6,5 triệu hộ nông dân đăng ký, có 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, qua đó xuất hiện nhiều mô hình sản xuất lớn thu hút hàng trăm lao động, thu nhập hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng mỗi năm... Việc sơ tổng kết, nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến tạo nên không khí thi đua, phấn đấu vươn lên trong hội viên, nông dân, thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi cả nước; củng cố vững chắc niềm tin của nông dân, đồng bào các dân tộc thiểu số vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước và thắng lợi của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc…

Các đại biểu đã tham luận, phát biểu làm rõ thêm 3 nhóm vấn đề mà ban tổ chức hội thảo, các đồng chí chủ trì hội nghị quan tâm nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Thào Xuân Sùng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: Thực hiện chủ trương của Đảng đối với đồng bào các dân tộc là “Bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”, các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 24 và Chỉ thị 45; Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực cụ thể hóa bằng các nghị quyết, chương trình hành động để triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần vào những kết quả tích cực chung trong phát triển đất nước; bộ máy, tổ chức Hội Nông dân các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn; phát huy vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết nông dân tham gia xây dựng khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ngày càng hiệu quả... Tuy nhiên công tác Hội, công tác dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện còn nhiều hạn chế, bất bình đẳng gia tăng trên nhiều lĩnh vực, về cả kinh tế - văn hóa – xã hội, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Tiếp thu tổng hợp các ý kiến, kiến nghị tại hội thảo, đồng chí Thào Xuân Sùng đã thay mặt Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đưa ra một số kiến nghị với Đảng, Nhà nước để phục vụ tổng kết Nghị quyết 24, Chỉ thị 45 và điều chỉnh trong chủ trương, chính sách, pháp luật về dân tộc và miền núi trong giai đoạn tới.

Phan Thanh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất