Thứ Bảy, 28/12/2024
30 năm thực hiện Chỉ thị 51 của Ban Bí thư về giúp đỡ người mù
 
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo hội nghị. 


Sáng 9/7, tại Hà Nội, Hội người mù Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị 51 của Ban Bí thư Trung ương đảng khóa VI về việc giúp đỡ Hội người mù Việt Nam.

Phát biểu tại đây, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội động viên, khuyến khích, vận động nguồn lực xã hội để góp phần cùng nhà nước hỗ trợ, chăm lo, giúp đỡ người mù, người khuyết tật xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Để giúp tổ chức Hội Người mù có nhiều thuận lợi hơn trong hoạt động, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI đã ra Chỉ thị số 51 ngày 12/4/1989 về việc giúp đỡ Hội người mù Việt Nam với những nội dung cụ thể, thiết thực như: Tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc chăm sóc giúp đỡ người tàn tật nói chung và người mù nói riêng.

Sau 30 năm thực hiện Chỉ thị 51 của Đảng đã mang lại những kết quả to lớn trên các mặt công tác: Phát triển, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực quản lý, đào tạo cán bộ từ Trung ương đến địa phương; Tham gia các chương trình quốc gia Nhà nước như chương trình: Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, chương trình dạy nghề ngắn hạn cho người khuyết tật, chương trình văn hoá giáo dục, phụ nữ và trẻ em, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế ...

Đặc biệt, hoạt động Hội, tổ chức Hội không ngừng phát triển. Hiện tổ chức hội đã được thành lập ở 56 tỉnh, thành hội, 439 huyện hội với hơn 73 nghìn hội viên. So với 30 năm trước, số Tỉnh hội tăng 39 đơn vị, Huyện hội tăng 318 đơn vị, số hội viên tăng hơn 67 nghìn người. Thông qua vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm, qua nhiều năm tham gia chương trình vay vốn, Hội đã cho hơn 37 nghìn lượt hộ vay, tạo việc làm cho khoảng 13 nghìn lao động. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 là 22,3%.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, Chỉ thị 51 ra đời đã tạo điều kiện cho Hội tham gia các chương trình quốc gia của Nhà nước như chương trình vay vốn quỹ quốc gia về việc làm, xóa mù chữ, chương trình xóa đói, giảm nghèo… Qua đó, vai trò và vị thế của Hội từng bước được khẳng định, đời sống về vật chất, văn hóa, tinh thần của người mù ngày càng được cải thiện, giúp cho người mù xóa đi mặc cảm, tự ti của người khuyết tật, từng bước hòa nhập, bình đẳng cộng đồng xã hội, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. 

 
Hội người mù Việt Nam tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị 51 của Ban Bí thư. 


Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội, Bộ Lao động Thương Binh và xã hội cho rằng, trên cơ sở tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị 51, Ban Bí thư nghiên cứu ban hành Chỉ thị mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn mới, nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, xóa rào cản đối với người mù.

“Ban Bí thư chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về người khuyết tật, người mù phù hợp với Hiến pháp và Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật; trình cấp có thẩm quyền xem xét phê chuẩn Hiệp ước Marrakesh nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho người mù tiếp cận với nguồn thông tin, tài liệu, nâng cao kiến thức, kỹ năng và hòa nhập xã hội” - đồng chí Nguyễn Văn Hồi đề nghị.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, việc tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị 51, đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong điều kiện kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đời sống nhân dân đã có nhiều thay đổi, không chỉ nhằm thực hiện tốt hơn mà phải làm sâu sắc hơn những quan điểm của Đảng cũng như những nội dung của Công ước về người khuyết tật.

Trên tinh thần đó, đồng chí Trương Thị Mai mong muốn các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, các cơ quan trung ương cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về công tác chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ cho người khuyết tật, trong đó có người mù và Hội Người mù các cấp hoà nhập xã hội và tham gia đóng góp cho sự phát triển của đất nước bằng khả năng của mình. Thông qua việc ban hành các chính sách tạo cơ hội, điều kiện cho người mù, người khuyết tật học tập, có việc làm, thụ hưởng các thành quả của quá trình phát triển của đất nước đem lại.

Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, cần tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với xây dựng, thực thi các chính sách đối với người khuyết tật, người mù, các hội về người khuyết tật, Hội Người mù. Cùng với đó, nghiên cứu để rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật chung và chính sách phù hợp với tính đặc thù của một số nhóm người khuyết tật nhằm tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất cho họ hoà nhập và đóng góp vào sự phát triển đất nước. Nghiên cứu, xem xét phê chuẩn Hiệp ước Marrakesh nhằm tăng cường cơ hội cho người không có khả năng đọc chữ in tiếp cận với các tác phẩm đã công bố. Trách nhiệm này thuộc về Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

“Hội tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức Hội; quan tâm, chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích thiết thực của hội viên; tham gia hiệu quả vào các chương trình, đề án của người khuyết tật; phát huy vai trò giám sát, phản biện đối với các chính sách về người khuyết tật. Đồng thời, Hội cần tiếp tục động viên, khuyến khích, hỗ trợ hội viên phát huy vai trò, nghị lực, ý chí, đoàn kết, tự lực vươn lên trong cuộc sống”­ đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh./.

(vov.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi