Với phương châm hướng công tác Mặt trận về cơ sở, lấy khu dân cư để triển khai thực hiện, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương, gắn với việc xây dựng và nhân rộng các mô hình nhân dân tự quản trên địa bàn dân cư.
|
Công an xã Phước Thuận (Ninh Phước) giám sát an ninh trật tự qua hình ảnh do
camera an ninh ghi lại
|
Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh có 129 mô hình tự quản được xây dựng và duy trì hoạt động tại 867 điểm dân cư, thu hút hàng chục ngàn lượt người tham gia. Cụ thể trên lĩnh vực kinh tế, đã xây dựng và nhân rộng 35 mô hình, tại 204 điểm dân cư, trong đó nhiều mô hình hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình “1 phải, 5 giảm”, “Cánh đồng lớn” trên cây lúa, “Tưới nước tiết kiệm, trồng rau an toàn”, “Chăn nuôi bò - dê - cừu gắn với trồng táo, nho” trên địa bàn huyện Ninh Phước; trồng bưởi da xanh, chăn nuôi bò, dê sinh sản của đồng bào dân tộc Raglai huyện Bác Ái; Tổ đoàn kết đánh bắt xa bờ của ngư dân các huyện Ninh Hải, Thuận Nam và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại, nuôi heo đen thương phẩm, gà thả vườn ở huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc... Hay các mô hình sản xuất hành lá, trồng măng tây xanh, nuôi dê đực vỗ béo, rong sụn bằng phương pháp nuôi dàn căn trên đáy…
Qua tham gia các mô hình tự quản, nhiều hộ dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ của khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, cải thiện thiện đời sống kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, Mặt trận và các đoàn thể còn vận động người dân tích cực hưởng ứng phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, thông qua các mô hình xoay vòng vốn tiết kiệm để phát triển kinh tế gia đình, với tổng số tiền trên 48,5 tỷ đồng; hỗ trợ hộ nghèo vay vốn không lấy lãi trên 3,8 tỷ đồng; giúp nhau vần đổi trên 27,9 ngàn lượt ngày công lao động.
Để góp phần giữ vững ổn định trật tự xã hội tại địa phương, Mặt trận và các đoàn thể đã phối hợp với ngành Công an xây dựng và duy trì hoạt động 42 mô hình tự quản về an ninh trật tự, tại 330 điểm dân cư. Trong đó, hiệu quả hơn cả là đã nhân rộng 16 mô hình điểm “Xã lành mạnh, thôn an toàn về an ninh trật tự và an toàn giao thông”, 5 mô hình điểm “Xứ đạo bình yên”, “Vùng đồng bào công giáo an toàn về an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống cháy nổ”. Vận động 2 tộc họ trong đồng bào dân tộc Raglai và 168 tộc họ trong đồng bào Chăm thực hiện mô hình “Tộc họ an toàn về an ninh trật tự, an toàn giao thông”… Các mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, “Tổ tuần tra lúc 0 giờ”, “Camera an ninh”, “Thắp sáng đường quê”, ‘Tổ an ninh xung kích”, “Trường học bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng cháy, chữa cháy”… đã mang lại nhiều kết quả tích cực, được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng.
Trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, đã xây dựng và nhân rộng 24 mô hình tự quản, tại 225 điểm dân cư, nỗi bật như các mô hình “Không nuôi heo thả rong” của đồng bào Chăm huyện Ninh Phước; “Trồng cây xanh ở khu dân cư”, “Sử dụng hố xí hợp vệ sinh”, “Xây dựng chuồng trại nhốt gia súc” của đồng dân tộc Raglai huyện Bác Ái; “Khu dân cư bảo vệ môi trường”, “Thu góp rác thải tập trung” của Tp. Phan Rang- Tháp Chàm; “Xách giỏ đi chợ- hãnh diện của người phụ nữ”, “Xây dựng gia đình 5 không - 3 sạch”, “Sọt rác gia đình của Hội Phụ nữ; “Điểm bỏ võ chai thuốc bảo vệ thực vật”, “Thu gom rác thải vật tư nông nghiệp” của Hội Nông dân; “Đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường”, “Tuyến đường Sáng - xanh - sạch - đẹp” của Đoàn thanh niên. Ngoài ra, còn xây dựng, nhân rộng 23 mô hình “Gia đình học tập”, “ Dòng họ hiếu học”, “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc”, “Giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”, “Địa chỉ tin cậy”, “Câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình”… tại 108 điểm dân cư trên địa bàn tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các các mô hình tự quản trong thời gian đến, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án kiện toàn mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia các mô hình tự quản; đoàn kết, hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng địa bàn dân cư lành mạnh, an toàn. Phát huy vai trò của các vị chức sắc, người có uy tín trong cộng đồng; xây dựng lực lượng nòng cốt có khả năng tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên và người dân tham gia thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Kiện toàn các mô hình tự quản trên cơ sở tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm, tự chủ về kinh phí, hoạt động theo quy chế; hướng đến mục tiêu mang lại lợi ích cho người dân, được người dân đồng tình, ủng hộ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương.
(baoninhthuan.com.vn)