Thứ Năm, 9/1/2025
Kết quả và kinh nghiệm trong thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư về công tác của Hội Chữ thập đỏ tại Thị xã Đức Phổ

Hội Chữ thập đỏ Thị xã Đức Phổ tổ chức thành công nhiều buổi hiến máu nhân đạo. Ảnh: quangngai.gov.vn

Nhận thức của các cấp ủy đảng đối với Hội Chữ thập đỏ và công tác nhân đạo có nhiều chuyển biến tích cực; quản lý nhà nước đối với hoạt động nhân đạo được tăng cường; sự tham gia của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong các hoạt động nhân đạo đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hội Chữ thập đỏ các cấp trên địa bàn Thị xã đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động nhân đạo, thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động do Hội cấp trên phát động. Qua đó đã khơi dậy và phát huy truyền thống nhân đạo, tương thân, tương ái của dân tộc, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các hoạt động chăm lo đời sống, cứu trợ xã hội cho các đối tượng khó khăn, yếu thế cũng được các cấp Hội quan tâm phối hợp thực hiện kịp thời.

Sau khi tiếp thu Chỉ thị số 43-CT/TW, Ban Thường vụ Thị ủy Đức Phổ ban hành Công văn số 941 ngày 06/7/2010 lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW và Công văn số 863 ngày 31/3/2014 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác Hội Chữ thập đỏ. UBND, Hội Chữ thập đỏ Thị xã, đảng ủy các xã, phường đã tổ chức triển khai, quán triệt nội dung Chỉ thị số 43-CT/TW và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thị ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hội chữ thập đỏ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn Thị xã nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác nhân đạo và vai trò của Hội Chữ thập đỏ. Trong các hội nghị sơ, tổng kết hằng năm, Hội Chữ thập đỏ Thị xã đều lồng ghép tuyên truyền nội dung Chỉ thị số 43-CT/TW nhằm giúp cán bộ hội ở cơ sở nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác Hội; nắm vững và thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác nhân đạo, từ thiện.

Các cấp ủy đảng trên địa bàn Thị xã đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt các văn bản của Đảng và Nhà nước có liên quan đến công tác nhân đạo và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ; xác định công tác nhân đạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác dân vận, là nhiệm vụ chính trị của cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác nhân đạo và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ. Ban Thường vụ Thị ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Hội Chữ thập đỏ Thị xã và cơ sở nhiệm kỳ 2011 - 2016 và 2016 - 2021.

Chính quyền Thị xã và các xã, phường đã thể chế hóa chủ trương của Đảng, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Thị ủy, đảng ủy; chính sách, pháp luật liên quan đến công tác nhân đạo và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ để tổ chức thực hiện. UBND Thị xã đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành phối hợp với UBND các xã, phường hướng dẫn Hội cơ sở thực hiện đúng Luật hoạt động của Hội Chữ thập đỏ và các văn bản liên quan như Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, Nghị định số 03/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hoạt động của Hội Chữ Thập đỏ, Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về hội có tính chất đặc thù, Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quy định quản lý nhà nước đối với hội hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi…

Hội Chữ thập đỏ các cấp trong Thị xã quan tâm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở; bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, chương trình của Hội cấp trên và các nguyên tắc hoạt động của Hội để xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Các phong trào, các cuộc vận động được các cấp Hội triển khai thực hiện đạt kết quả thiết thực, có chiều sâu, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng lòng hưởng ứng thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác nhân đạo và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ.

Trong 10 năm qua, Hội Chữ thập đỏ các cấp trong Thị xã đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương vận động trên 14 tỷ đồng, hỗ trợ 18.417 người khó khăn cần giúp đỡ. Hội đã vận động trên 10.000 người tham gia hiến máu tình nguyện, thu gom được 10.425 đơn vị máu/5.950 chỉ tiêu tỉnh giao, đạt 175%.  

Hội Chữ thập đỏ Thị xã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để vận động các nguồn lực ủng hộ hoạt động nhân đạo. Thông qua mạng xã hội, Hội đã vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài nước hướng về quê hương, giúp đỡ người nghèo và các trường hợp đặc biệt khó khăn. Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” được triển khai rộng khắp, kịp thời giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, giúp họ vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Hiện nay, Hội duy trì 6 địa chỉ nhân đạo trên địa bàn cần sự hỗ trợ, giúp đỡ; Hội đã kết nối với Câu lạc bộ “Về với quê mình Quảng Ngãi” và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài Thị xã hỗ trợ các đối tượng khó khăn ở các huyện trong tỉnh như Mộ Đức, Minh Long, Sơn Tịnh, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà…

 Việc thực hiện công tác nhân đạo thông qua các phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, trợ giúp nhân đạo, vận động hủ gạo tình thương, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa, ứng phó thảm họa thiên tai, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, công tác hiến máu nhân đạo... đã kịp thời giúp đỡ thiết thực nhiều đối tượng khó khăn, như người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, người bị bệnh hiểm nghèo, người bị hoạn nạn do thiên tai, bão lụt ...Công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, góp phần giải quyết tốt công tác an sinh xã hội như: Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, trao tặng quà, học bổng cho học sinh nghèo, vận động khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ vốn sản xuất để các đối tượng khó khăn có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại hạn chế. Một số Hội cơ sở hoạt động thiếu tính chủ động, còn trông chờ chỉ đạo của cấp trên, chưa phát huy nội lực của cán bộ, hội viên tại địa phương, đơn vị; chất lượng công tác nhân đạo ở một số chi, tổ hội còn hạn chế. Việc phát triển hội viên chữ thập đỏ ở cơ sở gặp nhiều khó khăn; nội dung, phương thức hoạt động của một số cơ sở hội chậm đổi mới…

Thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; trong quá trình thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thì nơi đó hoạt động của Hội Chữ thập đỏ có hiệu quả. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW trên địa bàn Thị xã cần phải đảm bảo sự lãnh đạo xuyên suốt của cấp uỷ đảng; sự quản lý, điều hành có hiệu quả của chính quyền; sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của Mặt trận, các đoàn thể nhân dân và các cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện hoạt động nhân đạo phải thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, đa dạng để nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đối với công tác nhân đạo và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ; khơi dậy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc, lòng nhiệt huyết của hội viên, đó là yếu tố quan trọng để phong trào Hội phát triển bền vững. Đồng thời, chú trọng lựa chọn cán bộ có năng lực, uy tín, kinh nghiệm và tâm huyết phụ trách công tác Chữ thập đỏ; cổ vũ, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân tích cực thực hiện tốt các hoạt động nhân đạo, từ thiện; sơ, tổng kết và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác nhân đạo…

Nguyễn Đẹp

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất