Thứ Tư, 20/11/2024
Hòa Bình: Hiệu quả từ Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”
 
Anh Cao Xuân Quân (xã Xuân Phong, huyện Cao Phong) chăm sóc vuờn cây ăn quả, phát triển kinh tế gia đình


Sau 3 năm thực hiện Kế hoạch số 70-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 15/12/2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã có 100% cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các nội dung Chỉ thị số 10-CT/TW, Chỉ thị số 13-CT/TU, Kế hoạch số 70-KH/TU và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đặc biệt tích cực tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ công chức, viên chức, hội viên và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, vai trò, tác dụng của cuộc vận động đối với đời sống xã hội, tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân và địa bàn dân cư. Báo Hòa Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các huyện, thành phố đã đăng tải trên 1.300 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về kết quả triển khai, thực hiện Cuộc vận động tại các địa phương, đơn vị; phối hợp cấp phát trên 30.000 tờ rơi, tờ gấp, 90 biển panô, 300 băng rôn, khẩu hiệu và 6.300 cuốn sổ tay hướng dẫn xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các ngành, chức năng phối hợp tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề, các lớp tập huấn, cuộc thi, tại các buổi sinh hoạt chi bộ, họp cơ quan, sinh hoạt chi đoàn, chi hội, giao lưu truyền thông tuyên truyền xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện Cuộc vận động. Thông qua các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân để lắng nghe, tiếp thu và giải trình những ý kiến góp ý của nhân dân liên quan đến quá trình thực hiện Cuộc vận động. Từ đó có các giải pháp, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phù hợp, hiệu quả đối với từng địa phương, đơn vị.

 Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình an sinh xã hội tạo nguồn lực để giúp đỡ hộ nghèo. Kết quả trong 3 năm, Quỹ “Vì người nghèo” cấp tỉnh thu được gần 20 tỷ đồng, chi hỗ trợ xây dựng và sửa chữa được 324 căn nhà; trao tặng 5.183 suất quà cho hộ gia đình nghèo, khó khăn trong toàn tỉnh với số tiền gần 11 tỷ đồng; chi 219 triệu hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó; hỗ trợ 66 triệu đồng cho công nhân nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán; xây dựng được 835 căn nhà đại đoàn kết. Giai đoạn 2016 - 2019 các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình và nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động, vật tư, vật liệu... quy đổi bằng tiền được 734,98 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Gắn Cuộc vận động với việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, toàn tỉnh có 927 mô hình trong lĩnh vực kinh tế góp phần quan trọng trong thực hiện muc tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại các địa phương, đơn vị, tiểu biểu như: Mô hình đồng thuận giữa chính quyền và người dân trong quản lý, sử dụng đất, mô hình dồn điền đổi thửa, mô hình hiến đất, tài sản xây dựng nông thôn mới... Các huyện, thành phố trong tỉnh đã góp phần cùng với chính quyền địa phương thực hiện và hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Hằng năm, có trên 90,4% hộ gia đình đăng ký gia đình văn hoá và 87,28% khu dân cư đăng ký khu dân cư văn hóa; xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” được triển khai thực hiện hiệu quả. Công đoàn các cấp đẩy mạnh các phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, phong trào “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ”. Thông qua các phong trào thi đua góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, xây dựng môi trường làm việc hài hòa, nếp sống văn hóa, văn minh trong cán bộ, viên chức, người lao động.

Công tác giáo dục thể chất, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế năm 2019 đạt 95,53% dân số toàn tỉnh. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển sâu rộng theo hướng xã hội hóa, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở khu dân cư; các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian được quan tâm duy trì và phát triển mạnh mẽ. Trong 3 năm, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" toàn tỉnh đã có trên 13 tỷ đồng, Quỹ Cứu trợ trong toàn tỉnh đã vận động được trên 27 tỷ đồng, đã chi hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, các hộ gia đình bị ảnh hưởng về người và tài sản trong và ngoài tỉnh để khắc phục hậu quả do thiên tai, lũ lụt gây ra với tổng số tiền trên 25 tỷ đồng.

Mặt trận và các đoàn thể phát động và duy trì các phong trào bảo vệ môi trường tại cơ sở như: Ngày Thứ bảy tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh, không sử dụng túi ni-lông, tổ chức diễu hành, cổ động bảo vệ môi trường, đồng loạt ra quân làm vệ sinh trên địa bàn khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các điểm sinh hoạt cộng đồng...; ký cam kết thực hiện bảo vệ môi trường tại khu dân cư. Tiếp tục duy trì và phát huy được 910 tổ tự quản bảo vệ môi trường. Cụ thể hoá các tiêu chí và lồng ghép tuyên truyền “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” trong Cuộc vận động làm cho người dân có ý thức, kiến thức sống thân thiện, đấu tranh khắc phục các tệ nạn, tập tục, thói quen trong sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng xâm hại đến môi trường, tài nguyên, góp phần tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình về bảo vệ môi trường để nâng cao chất lượng môi trường khu dân cư ngày càng “Sáng - xanh - sạch- đẹp”. Các địa phương tổ chức thu gom, xử lý rác thải tập trung theo quy chuẩn. Rà soát bổ sung, lắp đặt hệ thống thùng rác công cộng trên các tuyến đường đô thị, các công trình công cộng, các khu du lịch, các di tích, danh thắng. Xây dựng quy hoạch và đầu tư nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch, các di tích, danh thắng; tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan, xây dựng, vệ sinh môi trường; từng bước đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng không gian, cảnh quan đô thị.

Việc tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư các loại và thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở được quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.625 tổ hòa giải với 8.772 hòa giải viên; đã hòa giải thành 1.720/2.070 vụ, đạt 83% vụ việc vướng mắc ở cơ sở, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, nâng cao uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp. Xây dựng, duy trì hoạt động, nhân rộng được 7.503 tổ tự quản trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó: Lĩnh vực kinh tế 679 tổ; lĩnh vực về an ninh trật tự 3.756; lĩnh vực bảo vệ môi trường 910 tổ, lĩnh vực thực hiện nếp sống văn hóa văn minh 2.003 tổ, lĩnh vực khác 155 tổ. Các tổ tự quản có vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước khu dân cư; góp phần tích cực trong việc thực hiện Cuộc vận động.

Ngoài ra, Mặt trận và các đoàn thể tích cực chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua sinh hoạt đoàn thể, tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, ý kiến của nhân dân để kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có những giải pháp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh hiệu quả, bền vững.

Có thế nói đạt được những kết quả như trên là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện Cuộc vận động. Hiệu quả thực hiện Cuộc vận đông là động lực thúc đẩy các phong trào thi đua, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí, tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp nhau cùng phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, xây dựng xóm, làng, khu dân cư văn minh, lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, đặc biệt là hoàn thành các mục tiêu về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Ngô Thị Thoa

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi