Thứ Tư, 1/1/2025
Vận động nông dân làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương

 Đồng bào dân tộc Dao ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang
thu hoạch lê - cây trồng chủ lực giúp người dân xóa đói,
giảm nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương
  

1. Ngày nay, cơ cấu lao động xã hội đã có nhiều thay đổi, lao động trong các ngành dịch vụ, công nghiệp tăng nhanh. Nhưng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2021, lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn chiếm 45,4% lao động khu vực nông thôn; năm 2020, lao động nông nghiệp chiếm trên 33,1% tổng số lực lượng lao động xã hội. Hiện có khoảng 10,2 triệu hộ nông dân trong tổng số 16,8 triệu triệu hộ gia đình có sử dụng ruộng đất. Trong 33 triệu ha đất có 27 triệu ha đất nông lâm nghiệp, chiếm 84% quỹ đất tự nhiên. Như vậy, đội ngũ lao động làm nghề nông nghiệp và các ngành nghề khác trên chính đất đai ở quê hương còn rất lớn. Vì thế, vận động được mỗi người nông dân làm giàu trên đất đai quê hương sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước phát triển, góp phần phát triển cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, gắn kết với du lịch, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, thực hiện được mục tiêu “ly nông không ly quê”…

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đa số dân ta là nông dân. Mỗi việc đều phải dựa vào nông dân. Nông dân giác ngộ hăng hái thì kháng chiến mới mau thắng lợi, kiến quốc mới chóng thành công, nông dân mới được giải phóng”(1). Người còn chỉ rõ: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến, kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thật sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân”(2). Mới đây, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, khẳng định quan điểm: “Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới”, “phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện xã hội, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn”.

Thực tế những năm vừa qua, các cấp, các ngành trong cả nước đã lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nông dân phát triển nông, lâm, ngư nghiệp đạt nhiều thành tựu rất lớn. Nông sản Việt Nam đã có mặt ở 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020, trong đó có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,81 tỷ USD, tôm đạt trên 3,85 tỷ USD, rau quả đạt trên 3,52 tỷ USD, hạt điều đạt 3,66 tỷ USD, gạo trên 3,27 tỷ USD, cao su đạt trên 3,31 tỷ USD). Giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt năm 2020 đạt 101,5 triệu đồng, gấp 2,31 lần so với năm 2008. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”  (OCOP) đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến hết năm 2021, cả nước có 62/63 tỉnh, thành phố phê duyệt đề án, kế hoạch OCOP cấp tỉnh; 62 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng và công nhận 5.320 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (gấp 1,66 lần so với năm 2020).

Thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần, năng lực làm chủ của người nông dân được nâng cao, số hộ nghèo giảm nhanh. Thu nhập bình quân đầu người tại khu vực nông thôn đạt 42 triệu đồng năm 2020, tăng 4,5 lần so với năm 2008. Tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn giảm từ 2,3% năm 2010 xuống còn 1,75% năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm khá nhanh, từ 13,4% năm 2008 xuống còn 7,1% năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều)…

Để đạt được những thành tựu nêu trên có sự đóng góp rất quan trọng của cả hệ thống chính trị ở các địa phương trong vận động, tập hợp nông dân phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình. Trong những năm qua, người nông dân ở các vùng miền trên cả nước đã năng động, trăn trở tìm ra nhiều cách đầu tư vào sản xuất kinh doanh nhằm đạt hiệu quả, lợi nhuận cao trên đất đai của mình.

Nuôi tôm xuất khẩu là một thế mạnh của đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh ven biển. Các địa phương ở miền Tây Nam bộ đã tích cực vận động nông dân nuôi tôm trên vùng đất ven biển và cả ở ruộng lúa với diện tích khoảng hơn 680 nghìn hécta, chiếm 92% diện tích nuôi tôm cả nước. Một số tỉnh có diện tích và sản lượng tôm cao như Bạc Liêu, Cà Mau… Giá trị sản phẩm nuôi tôm trên thực tế đã tăng gấp 3-4 lần so với trồng lúa, nhất là trên vùng đất nước lợ, nhiễm mặn.

Miền Trung là vùng nuôi trồng thủy sản khó khăn hơn do tác động của mưa bão thất thường. Tuy thế, với công nghệ nuôi bể nổi, nhiều hộ nông dân đã đầu tư mang lại hiệu quả cao. Điển hình như dự án của hộ gia đình anh Nguyễn Viết Thắng ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Gia đình anh đầu tư 6 bể nổi, mỗi bể 500m2, trực tiếp bơm nước biển vào bể và nuôi 2-3 vụ/năm. Ba năm liên tục anh đều thu hoạch được bình quân 45 tấn tôm thẻ chân trắng một năm, cho lợi nhuận khá cao. Việt Nam với 3.260 km bờ biển, trải dài ở 28 tỉnh, thành phố có biển, có thể nuôi trồng thủy sản với diện tích, sản lượng lớn. Nếu quy hoạch tốt, chủ động giống nuôi, phòng trừ dịch bệnh, chế biến, bảo quản tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ là một ngành hàng lớn tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu hộ nông dân trong thời gian tới.

Nhóm mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao là rau quả được các tỉnh thành rất quan tâm vận động nông dân phát triển. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, doanh thu sản xuất rau trong nhà màng, nhà kính đạt từ 2,5 - 9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận từ 1,6 - 4,9 tỷ đồng/ha, hoa đạt từ 0,5 - 9,9 tỷ đồng/ha, lợi nhuận từ 0,3 - 5,4 tỷ đồng/ha. Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất (trên 100.000 ha), chủ yếu là cây dừa (với trên 200 sản phẩm). Đến năm 2021 tỉnh Tiền Giang đã phát triển được trên 82.000 ha cây ăn quả với sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn, trong đó huyện Cái Bè 22.000 ha, huyện Cai Lậy gần 14.000 ha, huyện Tân Phước khoảng 17.000 ha. Cây ăn quả được trồng nhiều như sầu riêng, thanh long, dứa, xoài, mãng cầu… Chỉ hơn 5 năm tỉnh Sơn La có chủ trương chuyển đổi đất ngô kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như xoài, nhãn, dứa… bà con nông dân đã trồng được trên 82.000 ha. Sản lượng hoa quả tươi, hoa quả chế biến được xuất khẩu ra thế giới ngày càng tăng. Một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa quả, tạo điều kiện thu mua sản phẩm cho hàng vạn hộ nông dân. Giá trị cây ăn quả tăng gấp 3 - 4 lần cây ngô trên cùng diện tích đất đai, chưa kể đã hạn chế tình trạng xói mòn, sạt lở đất ở vùng đồi, tạo cảnh quan thu hút nhiều du khách đến với Sơn La…

Các tỉnh Tây Nguyên cũng thấy rõ lợi thế của cây ăn quả nên đã chỉ đạo, vận động nông dân phát triển nhiều cây có giá trị như chanh leo, chuối, sầu riêng… Tỉnh Gia Lai có 21.500 ha cây ăn quả, trong đó có trên 4.000 ha chanh leo. Kế hoạch đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ phát triển trên 20.000 ha chanh leo. Hiện tại, năng suất bình quân chanh leo đã cho 40 tấn/ha, lợi nhuận từ 350 - 400 triệu đồng/ha/năm. Ở Hà Giang, gia đình anh Lý Mạnh Hùng sau khi khảo sát đã mạnh dạn mua và thuê 500 ha đất ở xã Yên Định, huyện Bắc Mê để trồng chuối xuất khẩu. Năm 2019 vườn chuối của gia đình anh đã cho sản lượng trên 5.000 tấn, thu lãi 20 tỷ đồng/năm. Từ một huyện miền núi nghèo, huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã vận động nông dân phát triển được trên 2.800ha cam, với sản lượng khoảng 38.000 tấn/năm. Cam Cao Phong đã có thương hiệu, được bán rộng rãi ở thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc, góp phần nâng cao đời sống của bà con dân tộc Mường trên chính mảnh đất của mình. Từ một thị xã nghèo trước đây, đến nay Sa Đéc (Đồng Tháp) đã trở thành một đô thị giàu đẹp - thành phố hoa. Thành phố đã vận động được 2.300 hộ trồng hoa với diện tích trên 500 ha, trở thành vựa hoa kiểng lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Nam. Hàng năm, thành phố thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm và là nguồn thu nhập lớn của các hộ trồng hoa với doanh thu đạt 0,5 - 3 tỷ đồng/ha.

Trong những năm gần đây, cây sen được nhiều địa phương có diện tích chiêm trũng, đầm lầy, ao hồ quan tâm vận động nông dân phát triển. Đồng Tháp hiện có 870 ha sen, từ nay đến năm 2025, tỉnh lên kế hoạch phát triển 1.400 ha sen. Cây sen đã được chế biến ra 220 sản phẩm như hạt sen khô, chè sen, ngó sen, dược phẩm, rượu sen… Lá sen, thân sen, rễ sen, nhị hoa, tâm sen, hạt sen đều được sử dụng để chế biến điều trị nhiều bệnh trong y học. Mô hình trồng sen của hộ gia đình anh Nguyễn Xong ở khu phố Lâm Trúc 2, phường Hoài Thanh (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), ở xã Võ Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) trên đất sình lầy đều cho thu nhập gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa…

Sản phẩm cây dược liệu cũng là một tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam nếu quy hoạch, phát triển vững chắc, nhất là khai thác tiềm năng đất khu vực miền núi, trung du. Theo số liệu của Viện Dược liệu Trung ương, Việt Nam có trên 5.000 loài cây thuốc, là nguồn tài nguyên vô giá để nghiên cứu, phát triển tạo ra các sản phẩm từ dược liệu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe con người và phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay, đề án đưa sâm Việt Nam thành thương hiệu quốc gia đã được phê duyệt. Tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã quy hoạch, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh với tổng diện tích 47.309 ha. Tỉnh Lai Châu và nhiều tỉnh khác đã có những hộ gia đình, hợp tác xã phát triển sâm Lai Châu, sâm Bố Chính và tổ chức chế biến ra nhiều sản phẩm, đem lại giá trị cao trên đơn vị diện tích, hơn hẳn những cây trồng hiện có như sắn, ngô, cây nguyên liệu giấy…

Như vậy, ngoài những sản phẩm truyền thống: cà phê, cao su, hồ tiêu, lúa gạo, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, các ngành hàng như tôm, rau quả, cây dược liệu gắn với chế biến sâu và tổ chức tốt thị trường là hướng đi đúng đắn để tiếp tục xây dựng thương hiệu quốc gia và vận động nông dân tập trung phát triển để làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.

2. Để phát huy vai trò, vị thế của nông dân và cư dân nông thôn, nhất là khát vọng làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình, đề nghị các cấp, các ngành trong cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ một số giải pháp như sau:

Một là, các cấp ủy đảng tiếp tục lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hai nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới ban hành ngày 16/6/2022 là Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”. Đồng thời có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trên lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã. Trên cơ sở đó làm chuyển biến thật sự nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, tạo thành phong trào cách mạng quần chúng thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hai là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gắn kết chặt chẽ hơn sự liên kết giữa bốn nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, nhất là chính sách phát triển nguồn nhân lực, tài chính, tín dụng, đất đai, khoa học công nghệ, thông tin, kết cấu hạ tầng, bảo hiểm xã hội…

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với nông nghiệp và kinh tế tập thể. Quản lý có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là xây dựng người nông dân chuyên nghiệp, đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ, được đào tạo chuyên sâu về kinh tế tập thể…

Bốn là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam làm nòng cốt trong vận động, tập hợp nông dân đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, làm giàu chính đáng và phát triển kinh tế tập thể. Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhất là Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Kịp thời sơ kết, tổng kết, đánh giá định kỳ các phong trào để khen thưởng, động viên những gương tốt, điển hình tốt và khuyến khích khát vọng làm giàu chính đáng, nâng cao hiệu quả tiềm năng lao động, đất đai, tiền vốn… hướng tới xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn./.

Nguyễn Thế Trung

Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng,

Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương

---------------------------

1, 2. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia Sự thật, năm 2014, tập 7, Tr56; tập 6, Tr.248.

 

                        

 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất