Thứ Hai, 29/4/2024
Giám sát, phản biện xã hội thiết thực với cuộc sống nhân dân

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa giới thiệu 10 kết quả nổi bật của công tác Mặt trận năm 2017, trong đó, công tác giám sát và phản biện xã hội ghi được nhiều dấu ấn tốt đẹp.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiếp tục phối hợp các bộ, ngành và các tổ chức thành viên triển khai 11 chương trình giám sát cấp Trung ương. Ủy ban MTTQ các địa phương đã triển khai tổ chức 850 cuộc giám sát cấp tỉnh; 4.469 cuộc giám sát cấp huyện và 45.584 cuộc giám sát cấp xã. Cùng với giám sát độc lập, Ủy ban MTTQ các cấp đã cử đại diện tham gia các đoàn giám sát của các tổ chức thành viên và các cơ quan nhà nước ở địa phương 22.450 cuộc. Ủy ban MTTQ các cấp đã tổ chức được 15.745 cuộc phản biện xã hội và 32.064 công việc, nội dung tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Đáng chú ý, tại tỉnh Bến Tre, MTTQ và các đoàn thể tỉnh đã thực hiện giám sát tập trung vào các lĩnh vực được người dân quan tâm, như: thực hiện Quy chế dân chủ trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, các quy định pháp luật đối với người lao động; thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công… Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, kiểm tra”, MTTQ các cấp tỉnh Quảng Ninh phối hợp duy trì và đẩy mạnh hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Ban thanh tra nhân dân các cấp đã phát hiện, kiến nghị gần 1.400 vụ việc, trong đó có hơn 1.200 vụ việc được xem xét giải quyết. Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát gần 3.800 công trình, phát hiện 514 vụ việc vi phạm đề nghị cơ quan liên quan giải quyết. Trong cả nước, còn rất nhiều hoạt động giám sát, phản biện đã phát huy tác dụng cụ thể, đặc biệt là gắn với những vấn đề dân sinh mà nhân dân quan tâm, trăn trở. Qua đó, MTTQ các cấp đã kịp thời phát hiện và đề xuất kiến nghị với cơ quan chức năng giải quyết các vụ việc có vi phạm, đồng thời sửa đổi, bổ sung những bất cập, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường đoàn kết ở khu dân cư, hạn chế các vụ khiếu kiện kéo dài vượt cấp…

Là một trong những điểm nhấn quan trọng trong hoạt động của Mặt trận nhưng công tác giám sát và phản biện xã hội còn gặp nhiều khó khăn và cần được tiếp tục tháo gỡ để phát triển sâu rộng hơn nữa trong năm 2018. Thực tế cho thấy, công tác giám sát cũng như phản biện của Mặt trận ở nhiều nơi đang dừng lại ở hoạt động góp ý kiến, kiến nghị vào dự thảo các văn bản, văn kiện. Hoạt động giám sát có hiệu quả pháp lý chưa cao; giám sát mới được thể hiện qua các phát hiện, nêu ý kiến tại các kỳ họp, phiên họp của các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng giám sát…

Một vấn đề cần được quan tâm cụ thể là có những đề xuất, kiến nghị của Mặt trận một số nơi chưa được cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương xem xét, giải quyết và trả lời, mặc dù một số lĩnh vực đã có quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc tổ chức giám sát còn dựa nhiều vào báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát; chưa có nhiều thời gian để nghiên cứu thực tế, tài liệu, thông tin dẫn đến báo cáo kết luận giám sát còn chung chung, hiệu lực, hiệu quả không cao. Một thực trạng khác cần được giải quyết dứt điểm là việc theo dõi sau giám sát còn buông lỏng, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động giám sát và uy tín của các đoàn giám sát.

Ngoài ra, để góp phần nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện của MTTQ, các cơ quan nhà nước, các đơn vị được giám sát phải có trách nhiệm giải quyết, trả lời những phát hiện, kiến nghị của MTTQ và trách nhiệm trong việc đáp ứng các điều kiện cần thiết cho hoạt động giám sát của MTTQ. Nếu thực hiện không tốt nội dung này sẽ dẫn đến hiệu lực giám sát của MTTQ thấp, không đáp ứng mong đợi và những đòi hỏi của nhân dân. Trong quá trình giám sát, phản biện, bên cạnh tập trung vào những hạn chế, yếu kém, các đoàn công tác cần chú trọng phát hiện và kịp thời giới thiệu trong các tầng lớp nhân dân những mô hình, cách làm hay, hiệu quả phục vụ nhân dân, góp ích cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương của các đơn vị được giám sát. Qua đó, góp phần đưa đến cho nhân dân sự nhìn nhận, ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan, chính quyền.

Tháng 6/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Đây là văn bản quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giám sát, phản biện xã hội và là nền tảng để MTTQ các cấp triển khai mạnh mẽ hơn công việc quan trọng này.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 12/1/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất