Trong những năm qua, công tác giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW năm 2013 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 726/HD-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2014 luôn được Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước quan tâm chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ. Bằng việc tổ chức khảo sát nắm tình hình đời sống, việc làm, cũng như phối hợp cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và phản biện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp với thực tiễn, từ đó các cấp công đoàn kiến nghị những nội dung thiết thực, phù hợp với pháp luật và đời sống xã hội.
GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN NHỮNG NỘI DUNG THIẾT THỰC
Để có cơ sở tổ chức giám sát, phản biện theo chức năng của tổ chức công đoàn, từ năm 2014 đến nay, tổ chức công đoàn tỉnh đã tham gia 93 cuộc kiểm tra tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật đối với người lao động (NLĐ). Đó là: Việc xây dựng nội quy, quy chế, trích lập, sử dụng các quỹ; quy trình tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, đánh giá phân loại cán bộ; thực hiện các quy định về nâng bậc lương, nâng ngạch, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng; các chế độ, chính sách về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, chế độ tiền lương, định mức lao động, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, an toàn vệ sinh lao động... Qua kiểm tra, giám sát, các cấp công đoàn đã nắm tình hình thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực tế đời sống, việc làm của NLĐ; việc thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật đối với NLĐ, kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh những nội dung chưa đúng theo quy định. Với CNVCLĐ, thông qua giám sát, phản biện cũng ngày càng ý thức hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong thực hiện quy chế dân chủ và các nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cùng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.
Thực hiện hoạt động phản biện xã hội, các cấp công đoàn còn tổ chức cho đoàn viên, CNVCLĐ tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo luật như: Dân sự, hình sự, an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, việc làm; các văn bản dự thảo của tỉnh và cơ quan, ban, ngành về tổ chức triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ý kiến tham gia của các cấp công đoàn luôn sát thực tiễn và được bổ sung, sửa đổi trong các dự thảo.
Không chỉ tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát, thời gian gần đây, do địa bàn hoạt động của tổ chức công đoàn tỉnh ngày càng được mở rộng ra khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, vì vậy từ cuối năm 2017 đến nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chủ động khảo sát hàng chục ngàn công nhân lao động về đời sống, việc làm, thu nhập, tình hình nhà ở, giá điện, nước trong các khu nhà trọ, nơi gửi trẻ cho con em công nhân trong các khu công nghiệp Chơn Thành, Minh Hưng - Hàn Quốc, Đồng Xoài I, Đồng Xoài II, Bắc Đồng Phú. Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức kiểm tra, phản biện về chế độ chính sách tại 7 doanh nghiệp có đông NLĐ; phối hợp kiểm tra, phản biện 7 doanh nghiệp về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ... Từ những ghi nhận và phản biện, Liên đoàn Lao động tỉnh đã có những việc làm đáp ứng nhu cầu bức thiết của NLĐ sau những đợt giám sát. Việc lắp đặt máy vắt trữ sữa mẹ trị giá hơn 60 triệu đồng cho Công ty TNHH New Apparel Far Eastern (Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú) là một trong những việc như thế. Đặc biệt, qua giám sát, phản biện, tổ chức công đoàn tỉnh đã gửi các kiến nghị xác đáng lên cơ quan có thẩm quyền và được các cấp, ngành chấp thuận, đánh giá cao như phối hợp giải quyết tình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ của doanh nghiệp; giá điện, nước trong các khu nhà trọ công nhân; nơi gửi trẻ cho con NLĐ các khu công nghiệp...
MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG PHẢN BIỆN
Không chỉ tổ chức giám sát, phản biện những chính sách liên quan trực tiếp đến NLĐ, tổ chức công đoàn tỉnh còn chung sức với chính quyền gỡ “nút thắt” ở những lĩnh vực khác. Để chăm lo toàn diện cho NLĐ, những ngày cuối tháng 6-2018, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức giám sát, phản biện về chất lượng dạy và học của các trường, nhóm trẻ mầm non tư thục trên địa bàn những huyện, thị xã có khu công nghiệp đứng chân. Việc giám sát toàn diện tại 9 trường mầm non, nhóm trẻ tư thục từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, thu nhập của NLĐ, an toàn vệ sinh thực phẩm, đến khẩu phần ăn hằng ngày và mức tiền đóng hằng tháng của mỗi cháu, đặc biệt là việc áp dụng các quy định để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này..., đã làm cho những buổi phản biện giữa đoàn giám sát với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan trên địa bàn 2 huyện Chơn Thành, Đồng Phú và thị xã Đồng Xoài thực sự có ý nghĩa. Qua đó khơi dậy được tinh thần trách nhiệm, làm sáng tỏ và luận giải đến cùng nhiều nội dung đã tồn tại từ rất lâu trong lĩnh vực này, mà nổi cộm là các vấn đề về ưu đãi chính sách thuế cho trường mầm non tư thục chưa được áp dụng đồng bộ; thủ tục cấp phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất... chưa được hiểu thống nhất, đang làm ảnh hưởng rất nhiều tới mục tiêu xã hội hóa giáo dục. Từ những ghi nhận và đánh giá đúng thực trạng, đoàn giám sát, phản biện sẽ tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai các biện pháp phù hợp, nhằm từng bước nâng cao chất lượng dạy, học của trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh.
Có thể khẳng định, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của các cấp công đoàn trong tỉnh thời gian qua đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, đời sống, việc làm của CNVCLĐ và thực tế hoạt động sản xuất - kinh doanh của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Từ đó tham mưu với cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời các chính sách, chương trình, kế hoạch sát với thực tiễn đời sống xã hội, tạo điều kiện cho các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ và quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ vì thế cũng được đảm bảo.
Nguồn: baobinhphuoc.com.vn, 27/6/2018