Sáng ngày 25/7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW đã tới dự và chỉ đạo hội nghị.
|
Quang cảnh hội nghị |
Báo cáo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và tham luận của các đại biểu tại hội nghị thống nhất về 6 kết quả nổi bật; 3 hạn chế, nguyên nhân và 6 bài học kinh nghiệm; đồng thời đề ra 4 nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Trên cơ sở đó đánh giá Nghị quyết số 26-NQ/TW đã được các cấp hội triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, nghiêm túc, sâu rộng và được nông dân cả nước hưởng ứng tích cực; góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, góp phần xứng đáng vào những thành tựu quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong những năm qua.
Trong quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và xây dựng Chương trình hành động số 306- CTr/HND, ngày 07/5/2009 về thực hiện Nghị quyết Trung ương 7; xây dựng đề án, tham mưu trình Ban Bí thư và được Ban Bí thư ban hành Kết luận số 61-KL/TW, ngày 03/12/2009 về “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”; phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 “Về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nông thôn giai đoạn 2011- 2020”. Các cấp Hội đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp ban hành nghị quyết, chương trình hành động và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.
Trung ương Hội đã ban hành nhiều nghị quyết; duy trì và phát động phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thu hút hàng triệu hộ nông dân tham gia. Bình quân hàng năm, số lượng hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp là hơn 6,2 triệu hộ chiếm 38,8% so với tổng số hộ sống ở nông thôn. Qua bình xét, có hơn 3,55 triệu hộ nông dân đạt danh hiệu, chiếm 57,2% số hộ đăng ký. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện hàng ngàn tấm gương nông dân điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giỏi; hàng năm có trên 27.000 hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng, số hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm năm 2017 tăng 5 lần so với năm 2012; trong đó có 1.980 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh trừ có thu nhập từ 2 tỷ đồng trở lên. Phong trào đã làm thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa; đẩy mạnh hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nâng cao giá trị lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.
Hội Nông dân Việt Nam tích cực tham gia 02 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Các cấp Hội, nhất là ở cấp cơ sở, đã chủ động tham gia công tác quy hoạch và tham gia giám sát quá trình tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch; tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thay đổi nhận thức, phát huy vai trò là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới; đóng góp hoàn thành các tiêu chí, đặc biệt trong đóng góp kinh phí, hiến đất và ngày công tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa, bảo đảm vệ sinh môi trường và an ninh trật tự ở cơ sở…
|
Đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân ngày càng có hiệu quả. Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã tích cực, chủ động, phối hợp và liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp đề xuất với cấp ủy và chính quyền địa phương hỗ trợ cho nông dân về cước vận chuyển, hỗ trợ vốn, lãi suất ngân hàng để mua vật tư, máy móc nông nghiệp để nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Bảo lãnh, ký hợp đồng với các doanh nghiệp cung cấp vật tư, phân bón trả chậm theo mùa vụ hoặc chu kỳ cây, con đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý. Đến nay, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp Hội Nông dân đạt hơn 2.695 tỷ đồng; đã giúp trên 380.000 lượt hộ nông dân vay vốn sản xuất, kinh doanh và hàng nghìn mô hình kinh tế hoạt động có hiệu quả. 10 năm qua, các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông thôn; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 10 triệu lượt hội viên, nông dân; xây dựng trên 9.000 mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn Việt GAP…
Hội Nông dân đã thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới. Các cấp hội thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, hướng về cơ sở, thiết thực hiệu quả gắn với sản xuất và đời sống của hội viên, nông dân. Qua 10 năm, Hội Nông dân đã kết nạp được trên 2 triệu hội viên mới; nâng tổng số hội viên hiện có lên 10,207 triệu người, tăng 4,5% so với năm 2008. Đến nay, 100% thôn, ấp, bản có nông dân có tổ chức Hội với 94.159 chi hội, 152.311 tổ hội thuộc 10.498 cơ sở hội. Hàng năm bồi dưỡng, giới thiệu trên 10.000 cán bộ, hội viên, nông dân ưu tú cho các cấp ủy xem xét kết nạp vào Đảng.
Thực hiện vai trò đại diện của nông dân tham gia xây dựng, quản lý nhà nước và xã hội, các cấp Hội tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng vào dự thảo Hiến pháp, các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn về những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của nông dân. Tham gia các đoàn giám sát của các cơ quan thuộc Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân...
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết, như: Tỷ lệ nghèo ở một bộ phận dân cư nông thôn còn cao, giảm nghèo chưa bền vững, thu nhập và đời sống của nông thôn còn thấp, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn chưa được thu hẹp. Một số địa phương chưa xây dựng quy hoạch rõ ràng, chưa xác định được cây, con chủ lực có giá trị kinh tế nên trong sản xuất, nông dân còn tự phát theo phong trào, việc đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mới chỉ là bước đầu, còn hạn chế. Nông dân ít được tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị. Mối liên kết giữa nông dân với các “nhà” khác chưa bền chặt, thiếu gắn kết lợi ích và trách nhiệm giữa các bên với nhau. Năng lực đội ngũ cán bộ Hội nông dân nhiều nơi còn yếu, thiếu tâm huyết, trách nhiệm, làm việc công một cách hành chính, thụ động. Một số cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn chưa phù hợp nhưng lại chậm được sửa đổi, bổ sung… Trên cơ sở đó, các đại biểu phân tích tìm ra nguyên nhân và giải pháp, phương hướng giải quyết trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ghi nhận những thành tích của giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam đã đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết 26 trong 10 năm qua. Với tư cách Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng đã thẳng thắn tiếp thu và trả lời, lý giải trực tiếp về những kiến nghị, đề xuất của Hội Nông dân Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị thời gian tới, các cấp Hội Nông dân cần tập trung phối hợp tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, thiết bị, vật tư nông nghiệp; tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ; hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn; từ kinh tế hộ nhỏ lẻ sang liên kết hợp tác và cùng các doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị; từ sản xuất truyền thống, kinh nghiệm sang công nghệ cao; từ coi trọng năng suất, sản lượng sang bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập…
Thanh Phan