Thứ Hai, 20/1/2025
Điện Biên: Nâng cao năng lực trạm y tế tuyến xã

 Cán bộ Trạm Y tế xã Na Sang, huyện Mường Chà thăm khám cho bệnh nhi

Hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 130 trạm y tế tuyến xã, trong đó 111 trạm tham gia khám, chữa bệnh, 19 trạm y tế còn lại do gần phòng khám đa khoa khu vực, bệnh viện huyện hoặc chưa có nhà trạm nên chỉ thực hiện các chương trình mục tiêu y tế - dân số và sơ cấp cứu ban đầu. Ðến tháng 6/2019, toàn tỉnh có 84/130 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, 114 xã có bác sĩ làm việc tại trạm y tế. Theo số liệu thống kê của Sở Y tế, trung bình mỗi năm tại 111 trạm y tế xã khám, kê đơn điều trị cho khoảng gần 300.000 lượt người, phần lớn là bệnh nhân mắc các bệnh thông thường như: Cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp trên, chấn thương nhẹ, bệnh đường tiêu hóa... và một số bệnh không lây nhiễm như huyết áp cao, tiểu đường… Những năm gần đây, nhờ thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, người dân được tạo điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế các tuyến trên một cách thuận lợi. Nhiều trạm y tế trên địa bàn tỉnh có số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh không lớn do gần bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh hoặc các phòng khám tư nhân có tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; nhân lực còn hạn chế về trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu, trang thiết bị y tế còn thiếu thốn, danh mục thuốc bị giới hạn… Ðiều này tăng thêm thách thức cho các trạm y tế tuyến xã, đòi hỏi phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để thu hút bệnh nhân. Mặc dù không có số liệu thống kê mới về lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh vượt tuyến không qua trạm y tế xã, nhưng từ năm 2016 số bệnh nhân thông tuyến là hơn 52.700 lượt/năm (chiếm khoảng 17% số bệnh nhân đến khám bệnh trong năm); trong đó nhiều nhất là tại TP. Ðiện Biên Phủ và huyện Ðiện Biên. Ðến nay có thêm các phòng khám tư nhân lớn triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, con số trên có thể còn tăng cao hơn.

Tại Trạm Y tế phường Thanh Bình, TP. Ðiện Biên Phủ, từ đầu năm đến nay khám, cấp thuốc cho gần 900 lượt người, chủ yếu là các bệnh cảm cúm, viêm họng, huyết áp, mãn tính… Trang thiết bị y tế của Trạm chỉ đáp ứng khám cơ bản ban đầu, không có máy chụp chiếu, siêu âm hay xét nghiệm, test nhanh một số bệnh phổ biến. Bà Hoàng Thị Minh Loan, Trạm trưởng Trạm Y tế phường cho biết: Nhiều dịch vụ kỹ thuật y tế mà cán bộ trạm có thể thực hiện được nhưng do không có thiết bị nên phải giới thiệu người dân lên cơ sở y tế tuyến trên. Trang thiết bị không đầy đủ nhưng thái độ, tinh thần tiếp đón, thăm khám cho người dân luôn được Trạm đề cao nên vẫn có nhiều trường hợp người dân các phường, xã lân cận tìm đến khám, xin tư vấn. Cùng với đó mỗi năm 2 lần Trạm tổ chức khám sức khỏe sơ bộ, đo chiều cao, cân nặng cho học sinh các trường mầm non trên địa bàn. Ðây cũng là nỗ lực của Trạm để nâng cao chức năng, hiệu quả hoạt động và xây dựng hình ảnh tốt đẹp.

Không chỉ Trạm Y tế phường Thanh Bình mà tất cả các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đều đang chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động, đặc biệt là khám, chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân và thu hút được nhiều bệnh nhân đến với cơ sở mình. Vì vậy nhiều cán bộ y tế tuyến xã được đi đào tạo, thực hành nâng cao năng lực chuyên môn, bác sĩ các tuyến trên thường xuyên được cử xuống hỗ trợ tuyến xã; cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng được đầu tư, bổ sung… Cùng với đó, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Ðề án “Mô hình trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025” nhằm phát hiện, quản lý bệnh tại cộng đồng tốt hơn, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh gần nhất và hiệu quả nhất. Mới đây đoàn cán bộ y tế tỉnh đã được đi tìm hiểu, học hỏi mô hình này tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, hứa hẹn những đổi mới, góp phần nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở hiệu quả.

Thanh Huyền

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất