Thứ Sáu, 24/1/2025
Điểm tựa vững chắc cho y tế biên giới, biển đảo

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị (điểm cầu Hà Nội) Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 10/5, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về chương trình kết hợp quân dân y  giai đoạn 2005-2015, đề ra phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.

Tới dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế và đại diện Ban Quân dân y cấp Bộ, các quân khu, tỉnh, thành phố tại điểm cầu Hà Nội và 63 điểm cầu địa phương.

Bảo vệ sức khỏe nhân dân, bộ đội vùng biên giới, biển đảo

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết kết quả lớn nhất của chương trình kết hợp quân dân y trong 10 năm qua là đã góp phần quan trọng củng cố y tế cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, biển, đảo; tạo nên mạng lưới khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh rộng khắp, góp phần tích cực vào việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, bộ đội...

Ban Quân dân y cấp Bộ đã chỉ đạo tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho 23 triệu lượt người, tặng quà cho 83.800 lượt hộ gia đình chính sách, người nghèo với số tiền 141 tỷ đồng.

Các đơn vị của ngành quân y, các cơ sở khám chữa bệnh quân dân y trên toàn quốc đã khám, chữa bệnh được hơn 40,6 triệu lượt người, cấp cứu 6,2 triệu lượt người và nhận điều trị 20,5 triệu lượt người…

Y tế địa phương đã khám bệnh cho trên 65.000 lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội; khám bệnh đột xuất cho 13.894 lượt bộ đội, nhận điều trị cho 4.017 lượt người và chuyển tuyến an toàn cho 3.109 lượt cán bộ, chiến sĩ ở những nơi xa các bệnh viện quân y, trong đó hơn 5.000 lượt bộ đội biên phòng đã được khám và chữa bệnh tại các trạm y tế xã và bệnh viện huyện biên giới… 

Trên các tuyến biên giới, hệ thống 152 phòng khám quân dân y tại nơi đồn biên phòng đóng quân đã được xây dựng thực sự là “cánh tay nối dài” của các trạm y tế xã đến tận thôn, buôn, bản để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, triển khai các chương trình y tế quốc gia (tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, phòng chống lao, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, sức khỏe sinh sản...); tham gia vận động bà con xây dựng nếp sống vệ sinh, khoa học, bài trừ hủ tục lạc hậu, tổ chức cai nghiện ma túy tại các xã biên giới.

Thiếu tướng Hoàng Đăng Nhiễu, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết giai đoạn 2005-2015 đã có 1.388 lượt cán bộ nhân viên quân y trực tiếp làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh kết hợp quân dân y khu vực biên giới; củng cố 171 trạm y tế các xã biên giới, xây dựng mới và nâng cấp 135 trạm y tế, phòng khám; khám bệnh 2.595.912 lượt dân, cấp cứu 61.838 lượt, thu dung điều trị 874.984 lượt.

Ở vùng biển, trên các đảo quy mô dưới xã, các xã đảo, các phòng khám của quân y biên phòng thực sự đã là chỗ dựa cho bà con ngư dân trên biển mỗi khi bị bệnh, từ viên thuốc chữa bệnh đến việc cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân về các cơ sở y tế trên đất liền.

Đại tá Đỗ Tấn Hồng, Phó Cục trưởng Cục Hậu cần Quân chủng Hải quân cho biết, trong 10 năm qua các cơ sở quân y của Quân chủng đã khám bệnh cho khoảng 500.000 người, nhận điều trị hơn 200.000 ca và cấp cứu hơn 20.000 bệnh nhân.

Quân y quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 đã cấp cứu, khám chữa bệnh cho hơn 17.000 lượt người, cấp cứu hơn 400 ca, trong đó có nhiều ca nặng, ca khó (mổ đẻ, nhồi máu cơ tim, tràn dịch đa màng, xuất huyết tiêu hóa, chấn thương sọ não, bệnh giảm áp…). Ngoài ra, lực lượng quân y còn hỗ trợ thuốc cho trên 20.000 lượt tàu cá của ngư dân đang đánh bắt hải sản. Bộ Quốc phòng đã điều động 62 chuyến máy bay trực thăng vận chuyển người bị thương, bị bệnh trên tuyến biển, đảo về đất liền, trong đó có 22 quân nhân, 40 người dân.

Chương trình kết hợp quân dân y đã đầu tư cơ bản trang thiết bị y tế có kết nối mạng Internet phục vụ triển khai hệ thống Telemedicine cho các phòng mổ trên huyện đảo: Bạch Long Vĩ, Phú Quý, Thổ Chu; hỗ trợ trang thiết bị y tế cho các huyện đảo: Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cô Tô. Trong giai đoạn 2016-2020, chương trình dự kiến tiếp tục đầu tư nâng cấp các trung tâm y tế quân dân y trên các huyện đảo, 6 trung tâm tiếp nhận cấp cứu và điều trị đặc thù cho biển, đảo.

Giám sát hiệu quả dịch bệnh, ứng phó kịp thời với thiên tai, thảm họa

Nhiều tham luận tại hội nghị đánh giá kết hợp quân dân y là giải pháp hiệu quả đáp ứng kịp thời cho các tình huống đột xuất về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; tham gia khắc phục hậu quả về mặt y tế trong thiên tai, thảm họa.

Các cơ sở y tế dự phòng của y tế nhân dân từ cấp bộ đến cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện đã xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với các lực lượng y học dự phòng của quân đội trong giám sát và triển khai các biện pháp phòng chống và dập tắt dịch. Hệ thống các phòng khám quân dân y do Bộ đội Biên phòng quản lý cũng là hệ thống giám sát hiệu quả dịch bệnh dọc biên giới, có khả năng phát hiện sớm nguy cơ dịch.

Ban Quân dân y cấp Bộ đã tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định thành lập 7 bệnh viện dã chiến ứng phó bệnh truyền nhiễm trên cơ sở điều động nhân lực, trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất, thuốc... từ các bệnh viện quân y và các đơn vị quân đội trong khu vực trọng điểm quốc phòng-an ninh, có nhiều nguy cơ bùng phát dịch để sẵn sàng thu dung, điều trị cho bộ đội và nhân dân bị nhiễm dịch bệnh nguy hiểm hoặc dịch bệnh lạ. Ở cấp địa phương đã có hàng loạt tổ, đội quân dân y cơ động phòng dịch được thành lập.

Trước tình hình thiên tai, thảm họa liên tiếp xảy ra tại các khu vực trong cả nước như bão, lụt, lũ quét, lốc xoáy, sạt lở đất... ở Hà Giang, Yên Bái, Sơn La, cháy rừng ở Lào Cai, Cà Mau; bão lũ tại miền Trung các năm 2007, 2008, 2011..., lực lượng quân dân y là lực lượng tiên phong trong cấp cứu, vận chuyển làm giảm tỉ lệ thương vong cho nhân dân. Hàng trăm tổ quân y thuộc các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, tổng cục đã được điều động đến các khu vực trọng điểm, phối hợp với y tế các địa phương cấp cứu, điều trị cho nhân dân và làm vệ sinh môi trường giúp dân sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Ban quân dân y các quân khu, địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân và bộ đội, các giải pháp phòng chống dịch bệnh có hiệu quả, phù hợp với tình hình hiện nay.

Đặc biệt, để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực y tế ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo những năm qua, thực hiện chương trình kết hợp quân dân y, Học viện Quân y, các trường đại học y, dược trên toàn quốc đã đào tạo hàng trăm bác sĩ theo địa chỉ, tạo nguồn bác sĩ bổ sung cho tuyến y tế cơ sở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Các quân khu cũng đã gửi đào tạo hàng trăm bác sĩ, hàng nghìn y sĩ, điều dưỡng cho tuyến y tế cơ sở.

Trong giai đoạn 2016-2020, cùng với việc hoàn thiện, quán triệt các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chương trình kết hợp quân dân y tập trung đầu tư nâng cao năng lực hoạt động, đào tạo chuyên sâu cho các y bác sĩ làm việc tại  các trạm y tế, phòng khám quân dân, củng cố y tế cơ sở, phối hợp nghiên cứu để chủ động ứng phó hiệu quả, kịp thời với các dịch bệnh truyền nhiễm, thiên tai, thảm họa.

Lê Thị Tình


 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi