Bệnh sốt xuất huyết nói riêng, các bệnh truyền nhiễm nói chung có xu hướng tăng cao trong mùa mưa, điều kiện thời tiết ẩm ướt. Do đó, việc chủ động phòng chống các bệnh truyền nhiễm luôn được ngành y tế chú ý quan tâm…
Tăng cường phòng chống sốt xuất huyết
Cuối tháng 8 vừa qua, đoàn kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết Dengue (SXHD) của Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh đã đến làm việc tại tỉnh Bình Dương. Theo đánh giá của đoàn công tác, tỉnh Bình Dương đã rất tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống SXHD. Tuy nhiên, kết quả chưa được khả quan. Ngành y tế cho biết, tính đến tuần 33 của năm 2016, toàn tỉnh có 2.402 ca mắc SXHD, không có ca tử vong, xếp thứ 3 ở khu vực phía Nam, chiếm 7,1% ca mắc SXHD toàn khu vực. Số mắc tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2015, tập trung chủ yếu ở TP.Thủ Dầu Một với 613 ca (chiếm 25,5%), TX.Thuận An với 547 ca (chiếm 22,8%), TX.Tân Uyên với 349 ca (chiếm 14,5%) và TX.Dĩ An với 330 ca (chiếm 13,7%).
Ngành y tế nhận định, hiện nay, tình hình thời tiết vẫn diễn biến bất thường, đang trong chu kỳ SXHD, cùng với đó là ý thức phòng chống SXHD của một bộ phận người dân chưa cao, do đó nguy cơ bùng phát dịch SXHD trên địa bàn là rất cao. Để chủ động phòng chống SXHD, khống chế dịch bùng phát, hạn chế số ca mắc và tử vong, ngày 5-9 vừa qua, ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế đã ký công văn chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tiếp tục tăng cường phòng chống SXHD. Với tư cách là Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người tỉnh Bình Dương, Sở Y tế đề nghị các đơn vị tiếp tục tham mưu lãnh đạo địa phương huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị; các ban ngành, đoàn thể; các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội; các cộng tác viên và đặc biệt là sự tham gia của người dân trong việc phòng chống SXHD và bệnh do vi rút Zika. Các đơn vị cần đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong phòng chống SXHD, Zika thông qua việc giao trách nhiệm cụ thể và thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo việc triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống SXHD và Zika của chính quyền các cấp và từng thành viên trong Ban chỉ đạo địa phương. Đây được xem là giải pháp căn cơ giúp huy động nguồn lực xã hội chung tay cùng ngành y tế trong việc kiểm soát bệnh SXHD, Zika. Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người các xã, phường, thị trấn quan tâm tham gia giải quyết vấn đề, tình huống phát sinh trong quá trình vãng gia, xử lý ổ dịch SXHD, Zika (nếu có) của các đội cơ động, cộng tác viên y tế.
Song song với công tác phối hợp, Sở Y tế cũng đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát ca bệnh, giám sát các ổ dịch cũ và mới phát sinh trên địa bàn, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, phương tiện, hóa chất, sẵn sàng xử lý triệt để ổ dịch. Kết hợp với ngành giáo dục - đào tạo, các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về bệnh SXHD, Zika và các biện pháp phòng chống để người dân hiểu, thay đổi hành vi trong việc phòng chống bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Tiếp tục triển khai tốt “Chiến dịch tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng chống bệnh do vi rút Zika, SXHD và tay chân miệng” tại mỗi địa phương. Riêng đối với các cơ sở khám bệnh, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức tập huấn công tác chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân SXHD; giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch SXHD, Zika cho các cơ sở y tế y tư nhân trên địa bàn tỉnh...
Nâng cao ý thức phòng bệnh truyền nhiễm
Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho rằng, trong mùa mưa, các bệnh truyền nhiễm mà người dân cần phải được lưu ý phòng tránh bao gồm: bệnh sốt xuất huyết, sốt rét và các bệnh đường hô hấp như: cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi. Ngoài ra, cũng cần chú ý phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, tả, lỵ; một số bệnh về da do nhiễm trùng, do nấm như ghẻ, nấm kẽ ngón chân… Và để phòng tránh bệnh trong mùa mưa, theo bác sĩ Hà, người dân cần thực hiện các biện pháp giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước ăn uống, sinh hoạt; đồng thời tổ chức diệt muỗi, côn trùng; ngủ màn, nhất là màn có tẩm hóa chất; vệ sinh ăn uống, bổ sung dinh dưỡng hợp lý; giữ ấm cơ thể và tập luyện thể dục thể thao để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Ngoài ra, khi phát hiện bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. Đối với các bệnh gây dịch: SXH, sốt rét, dịch bệnh đường tiêu hóa… cần thông báo ngay cho cơ sở y tế để có biện pháp phòng chống sớm, hữu hiệu. “Cuối cùng, vẫn xin nhắc lại: hiệu quả phòng chống dịch bệnh sẽ tăng cao khi người dân tự giác phòng chống dịch bệnh”, bác sĩ Hà nói.
Mạnh Khương